Hưởng ứng chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng Phòng, chống tham nhũng với quyết tâm cao hơn, mạnh mẽ hơn, hiệu quả hơn

Cập nhật: 16/12/2020 08:31

Tiến sĩ NGUYỄN THANH HẢI, Viện trưởng Viện Nghiên cứu thanh tra và Phòng, chống tham nhũng: Xử lý nghiêm nạn “chạy chức, chạy quyền” để ngăn chặn tận gốc tham nhũng

Tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) giai đoạn 2013-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã có bài phát biểu chỉ đạo quan trọng, qua đó có thể thấy việc xử lý nghiêm nạn “chạy chức, chạy quyền” để ngăn chặn tận gốc tham nhũng là một trong những nhiệm vụ cấp thiết.

Trên thực tế, đã có nhiều vụ việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn được giao để kết bè kết cánh, đưa người thân vào các vị trí thuận lợi trong cơ quan công quyền, vi phạm nguyên tắc tập trung dân chủ, quy chế làm việc và các quy định của Đảng, Nhà nước về công tác cán bộ. “Chạy chức, chạy quyền” là một trong những căn nguyên gốc rễ dẫn đến những “lỗ hổng” nghiêm trọng trong công tác cán bộ, triệt tiêu động lực phấn đấu của những người có phẩm chất, năng lực, cũng như gây mất đoàn kết trong nội bộ. “Chạy chức, chạy quyền” diễn biến tinh vi ở nhiều cấp, nhiều bộ, ngành, địa phương đã dẫn đến tha hóa quyền lực trong mỗi cá nhân và xa hơn là sự tha hóa đối với cả tổ chức đảng và hệ thống chính trị. Trước thực trạng đó, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW ngày 23-9-2019 về kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống “chạy chức, chạy quyền”. Đây là nội dung rất quan trọng trong công tác xây dựng Đảng; kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ nhằm ngăn ngừa tình trạng lạm dụng, thao túng quyền lực, lấp “lỗ hổng” trong công tác cán bộ. Đồng thời, góp phần lựa chọn, bổ nhiệm, sử dụng cán bộ có đủ phẩm chất, năng lực, trách nhiệm trong thực hiện nhiệm vụ.

Thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt Quy định số 205-QĐ/TW; hoàn thiện hệ thống pháp luật về PCTN, đồng thời, tiếp tục đẩy mạnh tinh giản biên chế, cải cách chính sách tiền lương, nâng cao thu nhập và có chính sách nhà ở, bảo đảm cuộc sống để cán bộ, công chức, viên chức yên tâm công tác…

Đồng chí NGUYỄN TUẤN KHANH, Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Vĩnh Phúc: Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội của Mặt trận Tổ quốc

Phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội (GS, PBXH), góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của Mặt trận Tổ quốc (MTTQ) là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần thực hiện thắng lợi cuộc đấu tranh PCTN. Thời gian qua, MTTQ các cấp đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức chính trị-xã hội tổ chức giám sát hiệu quả nhiều nội dung, vấn đề thiết thực, gắn với đời sống người dân, góp phần thực thi chính sách đúng pháp luật, ngăn ngừa tham nhũng, tiêu cực; tổ chức góp ý, phản biện xã hội đối với dự thảo các văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước và của địa phương. Nhiều ý kiến phản biện của MTTQ đã trở thành kênh thông tin quan trọng giúp Đảng, Nhà nước, các cấp ủy, chính quyền trong lãnh đạo, quản lý, điều hành. Tuy nhiên, công tác GS, PBXH vẫn còn một số khiếm khuyết, như năng lực, trình độ, bản lĩnh của một bộ phận cán bộ còn hạn chế; còn có biểu hiện nể nang, né tránh, ngại va chạm trong hoạt động GS, PBXH; các vấn đề chỉ ra sau GS, PBXH ở nhiều nơi chưa được giải quyết triệt để…

Để nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác GS, PBXH của MTTQ, trước hết phải nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ. Cán bộ MTTQ trực tiếp tham gia các hoạt động GS, PBXH phải thực sự là những người tiêu biểu về trình độ, bản lĩnh, đạo đức, có tinh thần thẳng thắn đấu tranh với các biểu hiện tiêu cực. MTTQ cần tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân; chủ động bám sát thực tiễn, kịp thời nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, những vấn đề bức xúc mà cử tri và nhân dân kiến nghị để xây dựng kế hoạch giám sát bảo đảm đúng, trúng. Chú trọng việc phát huy vai trò giám sát của nhân dân. Tiếp tục xây dựng, hoàn thiện cơ chế GS, PBXH, như cơ chế để MTTQ và các tổ chức chính trị-xã hội giám sát việc tu dưỡng, rèn luyện đạo đức của người đứng đầu, cán bộ chủ chốt và cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; cơ chế tiếp thu, thực hiện các kiến nghị, yêu cầu sau giám sát của MTTQ, tránh tình trạng hình thức, “giám sát, phản biện rồi để đấy”…

Thiếu tướng, Anh hùng LLVT nhân dân HOÀNG KIỀN, nguyên Tư lệnh Binh chủng Công binh, nguyên Giám đốc Ban Quản lý dự án 47: Xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng 

Cuộc đấu tranh PCTN ở nước ta đang diễn ra quyết liệt và đã thu được những kết quả rất quan trọng, tạo được niềm tin trong nhân dân. Tôi rất tâm đắc với chỉ đạo của Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020: “Phải tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục, xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng trong cán bộ, đảng viên và nhân dân”.

Đặt vấn đề xây dựng văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng hiện nay là rất đúng và cần thiết vì tác động trực tiếp đến tư tưởng, nhận thức, thái độ của mỗi người. Khi trong mỗi người có văn hóa tiết kiệm, không tham nhũng thì chắc chắn sẽ không ai “muốn tham nhũng”. Để thực hiện được điều này, theo tôi, trước hết cần tiếp tục đẩy mạnh, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác tuyên truyền, giáo dục đối với cán bộ, đảng viên và nhân dân. Chú trọng giáo dục tự giác, nêu gương sâu rộng, tạo thành bản lĩnh của mỗi người, trước hết là người đứng đầu cấp ủy, cơ quan, tổ chức, đơn vị. Chức vụ càng cao càng phải gương mẫu, liêm sỉ. Cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức phải rèn đức tính cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, thực hiện nghiêm quy định của Đảng và Nhà nước về PCTN, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; coi trọng danh dự, liêm sỉ. Bên cạnh đó, phải kết hợp chặt chẽ giữa xây và chống, coi trọng xây dựng, nhân rộng gương điển hình tiên tiến, người tốt, việc tốt. Điều này không chỉ làm đẹp hơn giá trị truyền thống được hình thành, bồi đắp trong lịch sử hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước của dân tộc ta mà còn góp phần xây dựng những “hạt giống tốt” để nhân rộng, lan tỏa trong xã hội. Những điển hình tiêu biểu trong nêu gương, rèn luyện đạo đức cách mạng, hết lòng, hết sức vì Đảng, vì dân là những chuẩn mực để mọi người cùng phấn đấu, noi theo. Bên cạnh đó, đối với những “tấm gương mờ”, cần phải kiên quyết đấu tranh, xử lý nghiêm minh, kịp thời.

Đồng chí SÁI HỒNG THANH, Bí thư Huyện ủy Nghĩa Hưng (Nam Định): Người đứng đầu phải có quyết tâm cao

Ngoài tham nhũng về tiền bạc, vật chất thì tham nhũng trong công tác cán bộ là rất nguy hại. Biểu hiện của tình trạng này là những hành vi “mua bán” chức quyền, nâng đỡ, bổ nhiệm không trong sáng, chạy tội… Hậu quả là những cán bộ không đủ năng lực, phẩm chất sẽ nắm giữ những vị trí quan trọng, gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự phát triển của địa phương, tổ chức, gây mất đoàn kết nội bộ, niềm tin của người dân đối với Đảng, chính quyền giảm sút…

Ý thức được điều đó, thời gian qua huyện Nghĩa Hưng luôn nỗ lực làm tốt công tác cán bộ. Sau Đại hội Đảng bộ huyện Nghĩa Hưng nhiệm kỳ 2020-2025 vừa qua, các cơ quan, đơn vị của huyện có 9 vị trí phải bố trí, sắp xếp lại nhân sự. Đối với những vị trí này, Ban Thường vụ Huyện ủy đã chỉ đạo thực hiện đúng quy trình 5 bước; sắp xếp, bố trí cán bộ đúng người, đúng việc để phát huy năng lực, sở trường của từng đồng chí trên lĩnh vực mới. Quá trình thực hiện công tác cán bộ bảo đảm dân chủ, khách quan với mục đích chọn được người đứng đầu có uy tín cao; năng lực, phẩm chất đạo đức tốt, góp phần quan trọng xây dựng bộ máy trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả. Từ thực tế ở huyện Nghĩa Hưng cho thấy, nếu làm tốt công tác cán bộ, người đứng đầu cơ quan, đơn vị có quyết tâm cao chống tham nhũng thì công tác đấu tranh PCTN mới lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực.

Ông NAY HNAN, Phó bí thư Huyện ủy Cư M’gar (Đắc Lắc): Công khai, minh bạch để người dân thêm tin tưởng, ủng hộ 

Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác PCTN giai đoạn 2013-2020, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nhắc đến cụm từ “công khai, minh bạch” từ công tác cán bộ đến cải cách hành chính, cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh… Theo tôi, công khai, minh bạch trong PCTN là hết sức cần thiết, giúp cán bộ, đảng viên, nhân dân thấy rõ quyết tâm chính trị của Đảng, Nhà nước trong PCTN. Công khai, minh bạch những vi phạm, khuyết điểm cũng như việc xử lý cán bộ sai phạm không làm Đảng ta mất uy tín mà ngược lại, càng giúp nhân dân thêm tin tưởng, ủng hộ Đảng, Nhà nước trong cuộc chiến này, hơn nữa, còn góp phần đập tan những luận điệu sai trái của các thế lực thù địch về PCTN ở nước ta trong thời gian vừa qua.

Thực hiện chủ trương, quyết tâm PCTN của Đảng và Nhà nước, thời gian qua, Huyện ủy, HĐND, UBND huyện Cư M’gar đã triển khai nhiều chủ trương, giải pháp cụ thể. Trước hết, chúng tôi xác định phải công khai, minh bạch trong công tác cán bộ ngay từ khâu đánh giá, đề cử, lựa chọn cán bộ tham gia cấp ủy khóa mới. Lựa chọn được cán bộ có đủ trình độ, năng lực, phẩm chất đạo đức, tâm huyết, trách nhiệm không chỉ trực tiếp góp phần PCTN mà còn là tiền đề để địa phương tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước; đẩy mạnh cải cách hành chính; phát triển kinh tế-xã hội. Song song với đó, chúng tôi phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu của cán bộ, đảng viên trong PCTN, lãng phí. Đặc biệt, khi phát hiện cán bộ, đảng viên vi phạm, tiêu cực, tham nhũng thì xử lý nghiêm minh, kịp thời, công khai, minh bạch, đúng quy trình, quy định của pháp luật để nhân dân giám sát, tin tưởng, ủng hộ.

Bà NGUYỄN THỊ VIỆT HỒNG (50/5 đường 59, phường 11, quận Gò Vấp, TP Hồ Chí Minh): Ngăn chặn hiệu quả “tham nhũng vặt”

“Tham nhũng vặt” là vấn đề nhức nhối trong xã hội. Đó là hành vi của cán bộ, công chức trong các cơ quan nhà nước lợi dụng chức trách, nhiệm vụ được giao để gây phiền hà, nhũng nhiễu người dân trong cung cấp các dịch vụ công. Thực tế, khi giải quyết các thủ tục hành chính, người dân gặp khá nhiều trở ngại bởi thủ tục rườm rà cùng thái độ gây khó khăn của không ít cán bộ, công chức trực tiếp giải quyết công việc. Từ đó buộc người dân phải lo lót “bôi trơn” để công việc được thuận lợi. “Tham nhũng vặt” đang diễn ra ở nhiều lĩnh vực, địa phương, khiến nhân dân rất bức xúc. “Tham nhũng vặt” tuy nhỏ nhưng nếu không giải quyết triệt để, dứt điểm thì có thể gây hậu quả nghiêm trọng, lâu dài, làm xói mòn niềm tin của người dân đối với bộ máy công quyền và hình ảnh người cán bộ, công chức.

Hiện nay, công cuộc PCTN đang diễn ra rất quyết liệt, thu được nhiều kết quả tích cực. Nhiều vụ tham nhũng lớn bị xử lý, được dư luận đánh giá cao. Thế nhưng, tệ “tham nhũng vặt” vẫn tồn tại dai dẳng trong đời sống xã hội, biến tướng dưới nhiều hình thức tinh vi, chưa được xử lý kịp thời. Để ngăn chặn tệ “tham nhũng vặt”, theo tôi cần nhiều giải pháp đồng bộ, cụ thể, gắn với tình hình thực tiễn ở cơ sở, trong đó cần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính theo hướng đơn giản, tránh rườm rà, phát sinh nhiều khâu, nhiều bước; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, đẩy mạnh hoạt động của Cổng dịch vụ công quốc gia…; hoàn thiện và thực hiện tốt các quy định về trách nhiệm, quyền hạn của cán bộ, công chức, xây dựng bộ quy tắc ứng xử, đạo đức công vụ. “Tham nhũng vặt” có thể không gây hậu quả ngay lập tức nhưng ngấm ngầm tác động tiêu cực đến đời sống cũng như niềm tin của nhân dân. Chính vì vậy, chúng tôi rất mong sự chung tay vào cuộc của các cấp, các ngành, của cả hệ thống chính trị nhằm quyết liệt ngăn chặn, xóa bỏ tệ nạn này.

Theo Báo Quân đội nhân dân

https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/phong-chong-tham-nhung-voi-quyet-tam-cao-hon-manh-me-hon-hieu-qua-hon-646657

Tin liên quan