Kết luận điều tra bất ngờ về “siêu doanh nghiệp” 144 nghìn tỷ tại Hà Nội

Cập nhật: 08/05/2020 08:37

“Siêu doanh nghiệp” 144 nghìn tỷ đồng tại Hà Nội đã chính thức rút khỏi thị trường sau khi bị cơ quan công an điều tra, phát hiện vi phạm.

Một trong 3 cổ đông của siêu doanh nghiệp 144 nghìn tỷ đồng đi bán nước đóng chai

Tại buổi họp báo sáng 7/5, ông Bùi Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Đăng ký Kinh doanh, Bộ KH-ĐT đã cập nhật thông tin về “siêu doanh nghiệp” 144 nghìn tỷ đồng tại Hà Nội được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hồi tháng 2 vừa qua.

“Câu chuyện doanh nghiệp có vốn 144 nghìn tỷ đồng đã tốn nhiều giấy mực của báo chí. Qua theo dõi và làm việc, Cục cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội, Bộ Công An, đã kết luận chủ doanh nghiệp (DN) sử dụng thẻ căn cước công dân giả trong quá trình làm hồ sơ thành lập công ty. Ngày 14/4 cơ quan chức năng đã thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Như vậy, DN này đã chính thức rời khỏi thị trường”, ông Tuấn nói và khẳng định: “Sự việc đều đã được xử lý theo quy định pháp luật”.

Trước đó, theo Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp, trong ngày 17/1/2020, một DN đã đăng ký thành lập với vốn điều lệ lên đến 144.000 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực BĐS, chiếm 53,9% tổng vốn đăng ký thành lập mới của DN cả nước trong tháng.

Ngay lập tức, “siêu doanh nghiệp” này đã thu hút sự chú ý của dư luận với số vốn khủng cao hơn cả vốn điều lệ của Viettel với 140,9 nghìn tỷ đồng. Thậm chí, giới doanh nghiệp Việt Nam còn kỳ vọng sẽ chứng kiến bóng dáng của một ông lớn mới trong ngành BĐS.

Tuy nhiên, theo tìm hiểu Công ty đó là USC Interco, có địa chỉ trụ sở chính ở số 10, ngõ 234 đường Thôn Lai Xá, Xã Kim Chung, huyện Hoài Đức, Tp. Hà Nội.

Trong đó, đại diện pháp luật của công ty là ông Trần Gia Phong, sinh năm 1979, giữ chức danh Giám đốc công ty.

Theo cơ cấu cổ đông, USC Interco có 3 cổ đông là bà Kim Thị Phương nắm 30% cổ phần (tương đương 43,2 ngàn tỷ đồng), ông Nguyễn Hoàn Sơn nắm 40% cổ phần (tương đương 57,6 ngàn tỷ đồng) và 30% còn lại nằm trong tay ông Trần Gia Phong (tương đương 43,2 ngàn tỷ đồng).

Thế nhưng, khi được hỏi, bà Kim Thị Phương, đang sinh sống bằng nghề phân phối nước lọc, nước khoáng, khẳng định chưa góp đồng vốn nào vào Công ty.

Chia sẻ về 2 cổ đông còn lại, bà Phương cho biết, bà quen ông Trần Gia Phong (góp vốn 43,2 nghìn tỷ đồng) thông qua ông Nguyễn Hoàng Sơn (cổ đông thứ 3 góp vốn 57,6 nghìn tỷ) vì bà và ông Sơn cùng làm Công ty nước lọc. Ông Phong cùng quê Đan Phượng nhưng không biết làm gì.

Từ câu chuyện khôi hài trên, dư luận cũng đặt ra lỗ hổng trong cấp phép đăng ký DN trong thời gian qua.

Trả lời báo chí, ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Thống kê từng nhận định, trường hợp về DN đăng ký vốn 144.000 tỷ đồng là điểm cần rút kinh nghiệm trong quá trình đăng ký DN, để loại trừ những “doanh nghiệp ma”.

Theo Hoàng Ngân – baogiaothong.vn

Tin liên quan