Khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam

Cập nhật: 09/05/2022 15:07

Được sự bảo trợ của Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu Bất động sản Việt Nam tổ chức Hội thảo: “Khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam”.

Quang cảnh hội thảo.


Hội thảo có với sự tham dự của nhiều nhà lãnh đạo, các chuyên gia, các nhà khoa học, đại diện doanh nghiệp: Ông Phan Đức Hiếu, Ủy viên Thường trực Ủy ban Kinh tế của Quốc hội; TS. Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam; GS. TS. Hoàng Văn Cường, Ủy viên Ủy ban Tài chính – Ngân sách Quốc hội, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế Quốc dân; GS. TSKH. Đặng Hùng Võ, Nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường; TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh; TS. Cấn Văn Lực, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia, Kinh tế trưởng BIDV; TS. Lê Xuân Nghĩa, Thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính – tiền tệ quốc gia; TS. Lê Xuân Sang, Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam; PGS.TS Ngô Trí Long, Nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường giá cả (Bộ Tài chính); PGS. TS. Trần Kim Chung, Nguyên Phó Viện trưởng Viên Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương….

Tham gia hội thảo, các nhà quản lý, các chuyên gia kinh tế cùng tập trung tháo gỡ những vấn đề làm sao để dòng vốn cho bất động sản được khơi thông, đa dạng, để tạo nguồn lực cho ngành kinh tế đặc biệt quan trọng này. Những ý kiến của các vị đại biểu tham gia hội thảo sẽ được Hiệp hội Bất động sản Việt Nam và Ban tổ chức tập hợp thành văn bản để gửi tới các cơ quan quản lý Nhà nước, nhằm tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và thị trường, đặc biệt là vấn đề trái phiếu doanh nghiệp

Khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam ảnh 1

Phát biểu khai mạc hội thảo, Nhà báo Phạm Nguyễn Toan – Phó Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản Việt Nam, Tổng biên tập Tạp chí điện tử Bất động sản Việt Nam – khẳng định, sự phát triển của thị trường bất động sản có ảnh hưởng mạnh mẽ tới sự phát triển bền vững kinh tế – xã hội của đất nước. Dù thể hiện vai trò quan trọng trong nền kinh tế, nhưng thị trường bất động sản Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực này nói riêng thời gian qua chưa thực sự phát huy hết tiềm năng và thế mạnh, nhiều phân khúc thị trường chưa được khai thác và đầu tư có hiệu quả.

Bất động sản công nghiệp, du lịch, giải trí mới chỉ tập trung ở một số vùng miền, chưa tạo được động lực và sức hút sâu rộng ở các địa bàn trong cả nước. Nguồn tài nguyên đất đai đầy tiềm năng và lợi thế nhưng chưa được khai thác một cách tối ưu.

Bất động sản trong các khu công nghiệp, khu kinh tế, khu chế xuất, khu công nghệ cao còn phát triển dè dặt, cầm chừng, hệ số lấp đầy chưa ổn định. Nhu cầu nhà ở cho các đối tượng trong xã hội rất lớn, đặc biệt là nhà ở cho người có thu nhập trung bình và thấp, song mức độ đáp ứng lại hạn chế và giá nhà còn ở mức cao.

Từ thực trạng trên, ông Toan cho rằng không thể phủ nhận cơ chế và chính sách huy động nguồn vốn đối với thị trường bất động sản trong thời gian qua chưa thực sự rõ nét và phù hợp, thường có độ “trễ” lớn so với nhu cầu và biến động lớn của thị trường. Nhiều vấn đề mới được đặt ra chưa có sự giải quyết kịp thời và hợp lý của cơ quan quản lý Nhà nước; Doanh nghiệp vẫn phụ thuộc trước hết và chủ yếu vào vốn tín dụng ngân hàng, trong khi đó nguồn vốn này đang bị kiểm soát chặt chẽ và có xu hướng ngày càng bị thắt chặt. Do đó, việc cải thiện dòng vốn cho thị trường bất động sản cần là một trong những ưu tiên chính sách trong giai đoạn tới.

“Chưa bao giờ doanh nghiệp Việt Nam đối diện với nhiều khó khăn như giai đoạn hiện nay, nhất là về cơ chế, chính sách tiếp cận nguồn vốn và pháp lý.” – ông nhận định.

Theo vị Phó chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, để thị trường bất động sản sớm phục hồi sau đại dịch, một mặt góp phần vào sự phục hồi chung của nền kinh tế, mặt khác, tạo tiền đề cho những ngành kinh tế liên quan tăng trưởng, bên cạnh việc cần tập trung đảm bảo nguồn vốn, ưu đãi tín dụng cho vay bất động sản, với điều kiện ít nhất không thấp hơn so với tín dụng cho các ngành, lĩnh vực khác; cần tạo điều kiện để phát triển trái phiếu doanh nghiệp bất động sản an toàn và lành mạnh; Bên cạnh đó, cần nhận diện và có giải pháp nâng cao năng lực quản lý, điều tiết thị trường; hoàn thiện hệ thống chính sách, pháp luật và mạnh dạn có cơ chế thí điểm trong việc phát triển các nguồn vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam, nhất là với những loại hình mới và còn nhiều tiềm năng, dư địa tăng trưởng…

Ở Việt Nam trong những năm gần đây, nguồn vốn thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển dần trở nên phong phú hơn nhưng còn nhiều hạn chế trong cơ chế, chính sách và phương thức quản lý, điều tiết dòng vốn cho thị trường này, doanh nghiệp vẫn phụ thuộc trước hết và chủ yếu vào vốn tín dụng ngân hàng. Do đó, việc tiếp tục duy trì và cải thiện dòng vốn cho thị trường bất động sản cần là một trong những ưu tiên chính sách trong giai đoạn tới.

TS. Võ Trí Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chiến lược thương hiệu và cạnh tranh nhận định: “Cái khó ở Việt Nam hiện nay là làm sao thúc đẩy phát triển bất động sản, khơi thông các điểm nghẽn để thị trường này phát triển. Cần ổn định dòng tiền, ổn định tài chính đối với thị trường để giữ nhịp phát triển, sao cho thị trường không quá nóng nhưng cũng không bị đóng băng như giai đoạn 2011 – 2012.

Khơi thông dòng vốn cho thị trường bất động sản Việt Nam ảnh 2

Bên cạnh đó, cái khó nữa là chữ “lỡ” – lỡ về chính sách, lỡ về đầu tư, do đó cần ứng xử như thế nào để kéo lòng tin của thị trường trở lại, tránh bị mất mát. Phải phát triển thị trường bất động sản sao cho không đổ vỡ về mặt tài chính.

…..

(Tiếp tục cập nhật)

Tin liên quan