Tối 7/6, Bộ Công an cho biết, quá trình điều tra mở rộng vụ án “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng”, “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ”, “Đưa hối lộ”, “Nhận hối lộ” xảy ra tại Cty CP Công nghệ Việt Á và các đơn vị, địa phương liên quan, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tống đạt quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam các ông Nguyễn Thanh Long, nguyên Bộ trưởng Y tế; Chu Ngọc Anh, nguyên Chủ tịch UBND TP Hà Nội và ông Phạm Công Tạc, nguyên Thứ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ.
Xử nghiêm những cán bộ suy thoái
Sáng cùng ngày, thông tin với báo chí, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội (QH), Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho biết, việc bãi nhiệm đại biểu QH khóa XV và cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2021- 2026 đối với ông Nguyễn Thanh Long được căn cứ theo Điều 7 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Điều 22, Điều 40 Luật Tổ chức QH năm 2014; Nghị quyết số 17-NQ/TW ngày 6/6/2022 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII và đề nghị của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam về việc bãi nhiệm đại biểu QH đối với ông Nguyễn Thanh Long.
Theo Trưởng Ban Công tác đại biểu, kết quả bỏ phiếu kín cho thấy, có 473 đại biểu QH tán thành việc bãi nhiệm đại biểu QH đối với ông Nguyễn Thanh Long (bằng 94,79% tổng số đại biểu QH); 471 đại biểu tán thành việc cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông này (bằng 94,39% tổng số đại biểu QH). Các Nghị quyết của QH về việc bãi nhiệm đại biểu QH đối với ông Nguyễn Thanh Long và phê chuẩn đề nghị của Thủ tướng Chính phủ về việc cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế đối với ông Long sau đó cũng đã được QH thông qua với tỷ lệ đại biểu tán thành cao.
Thông tin về những hành vi chủ yếu dẫn đến việc QH quyết định bãi nhiệm đại biểu QH khóa XV và cách chức Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2021 – 2026 đối với ông Nguyễn Thanh Long, bà Nguyễn Thị Thanh cho biết, theo kết luận của các cơ quan có thẩm quyền, ông Nguyễn Thanh Long đã thiếu trách nhiệm, buông lỏng lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý; thiếu kiểm tra giám sát; can thiệp, tác động, hỗ trợ Công ty Việt Á trong quá trình cấp sổ đăng ký lưu hành tạm thời và chính thức, hiệp thương giá và kiểm tra giá hiệp thương đối với bộ kit xét nghiệm để việc ban hành các thông báo giá, các sinh phẩm, trang thiết bị y tế chẩn đoán COVID-19 trái quy định.
“Từ các hành vi này, các cơ quan có thẩm quyền đã kết luận ông Nguyễn Thanh Long đã suy thoái về chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống, vi phạm quy định của Đảng và Nhà nước, vi phạm quy định về những điều đảng viên không được làm, trách nhiệm nêu gương; gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thất thoát, lãng phí lớn ngân sách nhà nước, ảnh hưởng đến công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, gây bức xúc trong xã hội, gây ảnh hưởng và làm giảm uy tín của tổ chức Đảng mà ông Nguyễn Thanh Long là Bí thư Ban Cán sự; giảm uy tín và không đảm bảo tiêu chuẩn làm đại biểu QH, Bộ trưởng Bộ Y tế”, Trưởng Ban Công tác đại biểu Nguyễn Thị Thanh cho hay.
Cũng liên quan đến công tác nhân sự, chiều 7/6, HĐND TP Hà Nội khóa XVI đã tổ chức Kỳ họp thứ 6 để xem xét, quyết định công tác nhân sự thuộc thẩm quyền của HĐND TP. Tại kỳ họp, 100% đại biểu HĐND TP Hà Nội có mặt đã biểu quyết bãi nhiệm chức vụ Chủ tịch UBND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Chu Ngọc Anh theo quy định. Tiếp đó, 100% đại biểu HĐND TP có mặt cũng đã biểu quyết bãi nhiệm đại biểu HĐND TP Hà Nội khóa XVI, nhiệm kỳ 2021-2026 đối với ông Chu Ngọc Anh do vi phạm các quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, không đáp ứng đủ các tiêu chuẩn của đại biểu HĐND.
Sẽ tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa
Những việc làm trên cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng và Nhà nước ta trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng chống tham nhũng, tiêu cực; đó là không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai.
Phát biểu tại Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng giai đoạn 2013-2020, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng nhấn mạnh, việc xử lý nghiêm nhiều cán bộ, kể cả cán bộ cấp cao sai phạm là điều không ai mong muốn, thậm chí rất đau xót, rất đau lòng, nhưng vì sự nghiệp chung, vì sự nghiêm minh kỷ luật của Đảng, thượng tôn pháp luật của Nhà nước, sự trong sạch, vững mạnh và uy tín của Đảng, Nhà nước và ý nguyện của Nhân dân, chúng ta phải làm và kiên quyết làm. “Kỷ luật một vài người để cứu muôn người và sẽ còn phải tiếp tục làm quyết liệt, mạnh mẽ hơn nữa trong thời gian tới theo tinh thần Bác Hồ đã dạy: “Cắt bỏ một vài cành cây sâu mọt để cứu cả cái cây” – Tổng Bí thư nhấn mạnh.
Tại các cuộc tiếp xúc cử tri ở Hà Nội, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng nhiều lần khẳng định, tham nhũng là “khuyết tật bẩm sinh” của quyền lực, là một trong những nguy cơ đe dọa sự tồn vong của chế độ ta. Do vậy, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không được chủ quan, nóng vội, thỏa mãn; không được né tránh, cầm chừng, không ngừng, không nghỉ…
Phát biểu tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, người đứng đầu Đảng ta đã phân tích rất kỹ về sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, tham nhũng, tiêu cực, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Tình trạng này có cả nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, trong đó nguyên nhân chủ quan là chủ yếu, bắt nguồn từ chủ nghĩa cá nhân, từ việc bản thân cán bộ, đảng viên thiếu tu dưỡng, rèn luyện; lập trường tư tưởng không vững vàng; sa vào chủ nghĩa cá nhân, quên mất trách nhiệm, bổn phận trước Đảng, trước dân.
Cùng trong ngày 7/6, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 686/QĐ-TTg về việc giao ông Đỗ Xuân Tuyên, Phó Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Thứ trưởng Thường trực Bộ Y tế phụ trách điều hành hoạt động của Bộ Y tế cho đến khi có quyết định nhân sự Bộ trưởng Bộ Y tế của cơ quan có thẩm quyền.
Ban Thường vụ Thành ủy Hà Nội cũng đã xem xét thống nhất phân công ông Lê Hồng Sơn, Phó Chủ tịch thường trực UBND TP Hà Nội phụ trách điều hành hoạt động của thành phố cho đến khi kiện toàn chức danh Ban Cán sự Đảng UBND TP nhiệm kỳ 2021-2026 và Chủ tịch UBND TP nhiệm kỳ 2021-2026.