Kiểm soát quyền lực

Cập nhật: 28/04/2022 09:33

Làm trong sạch đội ngũ không chỉ để đội ngũ đó vững mạnh mà còn mang lại niềm tin cho Nhân dân – điểm tựa của mọi thành công.

Ảnh minh họa.

Hoạt động và kết quả, cách thức làm việc và xử lý cán bộ của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng và tiêu cực cho thấy việc kiểm soát quyền lực đã được thực hiện và khẳng định hiệu quả trong đời sống xã hội, đặc biệt trong đời sống pháp luật có sự quyết liệt, khẩn trương, nghiêm minh và công khai của các cơ quan tư pháp, tiến hành tố tụng, bảo vệ pháp luật.

Bàn tay kiểm soát quyền lực đã với tới những vị trí cao nhất của quyền lực như Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng, Thứ trưởng, các tướng lĩnh Quân đội, Công an. Chủ trương “không có vùng cấm”, “không kể bất kỳ ai” đã trở thành hiện thực.

Những hành vi của việc lạm dụng quyền lực như cố ý làm trái, lợi dụng chức vụ, quyền hạn, sai phạm trong quản lý đất đai, đấu thầu, tham ô,… bị phanh phui ra trước dư luận và chịu sự trừng phạt của pháp luật không chỉ được đông đảo nhân dân đồng tình, hưởng ứng mà còn làm cho những người đã từng hoặc có định sử dụng quyền lực vào mưu đồ cá nhân phải run sợ và chùn tay.

Đáng chú ý là với tội danh “Đưa và Nhận hối lội” hoặc “Môi giới hối lộ” trước kia chỉ truy tố và xét xử những vụ lẻ tẻ, thậm chí có bị cáo là nông dân cũng bị buộc tội này hoặc chỉ truy tố người đưa hối lộ mà không có người nhận thì giờ đây, mọi sự đã khác hẳn, những đường dây hối lộ có đủ cả 03 yếu tố đưa, nhận và môi giới đã hiện hình trong một “liên minh ma quỷ”. Các vụ trọng án với tội danh “Hối lộ” được đưa lên hàng đầu như vụ xảy ra ở Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, vụ Công ty Việt Á hoặc vụ xảy ra ở Đồng Nai và một số tỉnh thành khác vừa được đưa vào “tầm ngắm” của Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực.

Điểm nhấn nữa là chủ trương “người đứng đầu phải chịu trách nhiệm để tham nhũng, tiêu cực xảy ra tại cơ quan, đơn vị mình” cũng không chỉ còn là sự hô hào chung chung mà hiện tại, chủ trương này đã đi vào đời sống với không ít những dẫn chứng từ thực tế người đứng đầu phải nhận kỷ luật vì để xảy ra nhưng vi phạm pháp luật trong cơ quan mình.

Điều đáng ghi nhận nữa là hiện tại đã thay đổi tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong việc phòng chống tham nhũng, tiêu cực được chỉ ra từ nhiều năm trước. Mới đây là việc khởi tố bị can với một Phó ban thường trực, Ban Tổ chức Tỉnh ủy Gia Lai với cáo buộc “Tham ô tài sản”. Ông này từng kinh qua chức vụ cấp phòng, Chủ tịch, Bí thư thị xã An Khê, Giám đốc Sở Nội vụ. Việc tham ô tài sản xảy ra trong thời kỳ ông làm Giám đốc Sở, ông bị bắt giam từ tháng 12 năm ngoái nhưng đến nay mới bị khởi tố.

Ở một góc nhìn khác về kiểm soát quyền lực thì những vụ có tính chất bảo kê cho tội phạm lộng hành xảy ra hoặc lọt lưới pháp luật ở các cơ quan quyền lực hoặc địa phương khác nhau cũng được xử lý mạnh mẽ trong các ngành Công an, Hải quan, Quản lý thị trường,… và cả đến những người giữ cương vị chủ chốt trong đấu tranh chống tham nhũng như Kiểm toán, Thanh tra cũng bị bàn tay kiểm soát quyền lực sờ tới.

Làm trong sạch đội ngũ không chỉ để đội ngũ đó vững mạnh mà còn mang lại niềm tin cho Nhân dân – điểm tựa của mọi thành công.

theo NHỊ NGỌC – Tạp chí luật sư VN

https://lsvn.vn/kiem-soat-quyen-luc1651080735.html

Tin liên quan