Kiểm tra giá thép tăng cao bất thường: Doanh nghiệp xây dựng mong ‘bắt’ được nguyên nhân

Cập nhật: 25/06/2021 08:23

Đoàn liên ngành vừa được thành lập để kiểm tra việc giá thép tăng bất thường. Nhiều doanh nghiệp xây dựng bày tỏ hy vọng đoàn kiểm tra sẽ “bắt” được nguyên nhân thực sự và xử lý nghiêm nếu có vi phạm.

Doanh nghiệp xây dựng ảnh hưởng nặng nề do giá thép tăng cao bất thường. (Ảnh minh họa)

Kiểm tra các doanh nghiệp thép lớn

Trao đổi với PLVN sáng 24/6, ông Đàm Đức Biên – Cục trưởng Cục Kinh tế Xây dựng (Bộ Xây dựng), một thành viên của Đoàn kiểm tra liên ngành cho biết Đoàn liên ngành được thành lập để kiểm tra việc giá thép tăng bất thường, tuy nhiên, đến thời điểm trao đổi với PLVN, Đoàn chưa chính thức hoạt động.

Theo tìm hiểu của PLVN, thành phần của Đoàn liên ngành này do Bộ Công Thương chủ trì, cùng một số cơ quan khác của Bộ Xây dựng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tổng cục Hải quan, Tổng cục Thuế, Hiệp hội Thép Việt Nam và một số đơn vị liên quan thuộc Bộ Công Thương.

Đối tượng làm việc chủ yếu sẽ là các doanh nghiệp (DN) thép trong nước có thị phần lớn. Ngoài ra, đoàn liên ngành sẽ làm việc với một số Hiệp hội liên quan để nắm thêm các thông tin, quan điểm. Dự kiến, đoàn sẽ làm việc trong 1 tháng, phụ thuộc vào diễn biến dịch Covid-19, thời gian làm việc của đoàn liên ngành có thể thay đổi. Theo kế hoạch, Đoàn sẽ làm việc với các DN thép phía Bắc trước.

Theo ông Nguyễn Ngọc Thành – Phó Cục trưởng Cục Công nghiệp (Bộ Công Thương), ngoài việc nắm bắt các thông tin liên liên quan đến nguyên liệu đầu vào làm giá thép tăng, đoàn còn xem xét các nguyên nhân, tác động khác khiến giá thép tăng bất thường trong thời gian qua.

Cần giải quyết từ gốc rễ

Không được mời làm thành viên của Đoàn liên ngành, đại diện Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC), ông Nguyễn Quốc Hiệp – Chủ tịch VACC bày tỏ mong muốn Đoàn liên ngành sẽ làm việc đạt hiệu quả cao, tìm ra được đúng nguyên nhân khách quan và chủ quan của việc giá thép tăng bất thường, đồng thời có những cơ chế chính sách, giải pháp để giá thép ổn định lâu dài.

“Hiện giá thép có giảm đôi chút, nhưng chủ yếu là do nguyên nhân khách quan từ bên ngoài tác động chứ chưa phải do có sự tác động chủ quan từ các biện pháp của cơ quan quản lý nhà nước (QLNN)…” – ông Hiệp thẳng thắn.

Theo Chủ tịch VACC, một số cách giải quyết vừa rồi của cơ quan QLNN chưa giải quyết được dứt điểm vấn đề, chưa “đến đầu đến đũa”, thành ra hiệu quả chưa cao. “Tức là vẫn có thể xảy ra những đợt tăng giá thép tương tự. Không chỉ thép mà giá của nhiều vật liệu xây dựng khác cũng sẽ tăng. Do đó, cơ quan QLNN nên có những trao đổi, thống nhất để giả sử có những tình huống tăng giá tương tự thì xử lý được dứt điểm” – ông Hiệp đề xuất và cho rằng, nếu liên ngành không đủ thẩm quyền để xử lý thì nên có kiến nghị lên cấp QLNN cao hơn. “Nếu tìm được những nguyên nhân chủ quan do DN thép tự nâng giá bất thường, không đúng quy luật thị trường để chuộc lợi thì phải xử lý nghiêm” – đại diện VACC đề nghị.

Một số DN xây dựng khác cũng cho rằng Bộ Công Thương nên xem xét giảm mức thuế tự vệ đối với phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam. Hiện phôi thép và thép dài nhập khẩu vào Việt Nam chịu thuế tự vệ là 13,5% và 9,4%. Nhiều DN xây dựng cho rằng biện pháp phòng vệ thương mại này là một trong những nguyên nhân đẩy giá thép trong nước lên cao như trong thời gian qua.

Chia sẻ với PLVN, lãnh đạo một DN xây dựng lớn tại Hà Nội cho rằng, muốn giải quyết vấn đề giá thép tăng cao như hiện nay cần giải quyết từ gốc rễ. Biện pháp phòng vệ thương mại của Bộ Công Thương chính là một phần gốc rễ của vấn đề. Theo vị này, việc đánh thuế phôi thép và thép dài khi nhập vào Việt Nam nhằm bảo hộ DN thép trong nước. Khi đó, thép nước ngoài khó tiếp cận thị trường Việt Nam, từ đó giá thép trong nước được một số DN đầu ngành có cơ hội tăng lên bất thường.

Theo Vụ trưởng Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), Việt Nam có thể xem xét điều chỉnh chính sách thuế tự vệ đối với phôi thép và các sản phẩm thép xây dựng trong giai đoạn hiện nay để làm giảm giá thép xây dựng bán ra trên thị trường trong nước.

Tại sao Thép Hòa Phát lãi kỷ lục?

Ông Trần Đình Long – Chủ tịch Tập đoàn Hòa Phát mới đây phát biểu rằng giá thép tăng do nguyên liệu đầu vào tăng. Tuy nhiên theo ghi nhận của PLVN, thời gian qua Hòa Phát báo lãi liên tục và đạt những kỷ lục mới. Cụ thể, chỉ trong quý I/2021, Hòa Phát đã đạt 31.000 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế 7.000 tỷ đồng. Câu hỏi đặt ra, tại sao Hòa Phát nói giá thép tăng do nguyên liệu đầu vào mà lợi nhuận lại đạt cao kỷ lục đến thế?

theo Minh Hữu – Báo pháp luật Việt Nam

Tin liên quan