Việc cấp “sổ đỏ” ở khu vực dự kiến xây hồ chứa nước Đan Kia 2 bị chỉ ra nhiều vi phạm. |
Đất rừng phòng hộ vẫn được cấp “sổ đỏ”
Trước đó, tháng 4/2022, UBND tỉnh Lâm Đồng chỉ đạo thanh tra việc cấp GCN tại khu vực dự kiến đầu tư xây dựng hồ chứa nước Đan Kia 2.
Theo Kết luận thanh tra (KLTT), đơn xin đăng ký quyền sử dụng đất (QSDĐ) tại 32 hồ sơ cấp GCN theo Quyết định 192 ngày 14/12/1999 không kê khai đầy đủ nội dung như nguồn gốc, ý kiến UBND xã, ý kiến quyết định của UBND huyện.
Việc xác nhận phù hợp quy hoạch sử dụng đất của UBND thị trấn Lạc Dương tại 41 hồ sơ cấp GCN còn chưa đúng theo quy hoạch SDĐ huyện Lạc Dương tại thời điểm cấp GCN. Trong đó 39 GCN thuộc dự án khu du lịch Đan Kia – Suối Vàng; 2 GCN thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ.
Cơ quan chức năng địa phương chưa thực hiện niêm yết công khai 2 hồ sơ cấp GCN tại nơi có đất với thửa đất số 37 và 41, tờ bản đồ 58. Việc lấy ý kiến của khu dân cư về nguồn gốc thời điểm SDĐ tại 11 hồ sơ (cấp từ 2016 tới nay) chưa chặt chẽ do không thể hiện nhân thân, địa chỉ thường trú, quá trình sinh sống của những người được lấy ý kiến để xác định những người đó có biết về nguồn gốc và thời điểm sử dụng hay không.
Về sự phù hợp với các quy hoạch, hồ sơ cấp GCN cho các trường hợp tại khu vực dự kiến xây hồ chứa nước Đan Kia 2 thể hiện: Phòng TN&MT đã kiểm tra, đối chiếu bản đồ phân định ranh giới đất nông nghiệp, lân nghiệp huyện và đối chiếu các quy hoạch có liên quan khi tham mưu UBND huyện cấp GCN.
Lãnh đạo tỉnh Lâm Đồng khảo sát thực địa vị trí dự kiến xây dựng hồ chứa nước Đan Kia 2 thuộc thị trấn Lạc Dương. |
Qua thanh tra cho thấy, các GCN được cấp đều thuộc phân định đất nông nghiệp theo ranh giới phân định nông lâm huyện ban hành kèm theo Quyết định 2480/QĐ-UB ngày 8/8/2000 của UBND tỉnh. Tuy nhiên, 41/82 GCN với mục đích QSDĐ trồng cây lâu năm tại khu vực dự kiến xây hồ chứa nước Đan Kia 2 còn chưa phù hợp với quy hoạch SDĐ tại thời điểm cấp, trong đó có 5 GCN đã chuyển nhượng, cho tặng.
Cụ thể: 39 GCN đã cấp năm 2013 thuộc đất dự án khu du lịch Đan Kia – Suối Vàng theo quy hoạch SDĐ tới 2010 huyện Lạc Dương đã được UBND tỉnh phê duyệt năm 2007; 2 GCN cấp năm 2018 thuộc đất rừng phòng hộ theo quy hoạch SDĐ đến 2020 huyện được UBND tỉnh phê duyệt 2014. Trong đó có 1 trường hợp có một phần (398m2) đất thuộc quy hoạch đất rừng phòng hộ xung yếu theo quy hoạch điều chỉnh 3 loại rừng tại Lạc Dương giai đoạn 2013 – 2020 được UBND tỉnh phê duyệt 2013.
Đặc biệt, qua đối chiếu các vị trí được cấp GCN với bản đồ kiểm kê rừng cho thấy có 7 thửa đất có rừng nhưng vẫn được cấp GCN. Các thửa này có diện tích từ hơn 2.000m2 đến hơn 8.000m2.
Liên quan diện tích đất thuộc khu vực dự kiến xây hồ chứa nước Đan Kia 2 có 3 vị trí diện tích hơn 19.000m2 nằm giáp rừng thông hiện hữu đã được rào, đào hồ và trồng mới một số cây như cà phê, mai anh đào. Tại thời điểm thanh tra, mới chỉ có 1 vị trí được Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà lập hồ sơ xử lý và UBND tỉnh đã xử phạt 100 triệu đồng, yêu cầu khắc phục hiện trạng đất.
Thanh tra tỉnh nêu rõ, việc không niêm yết hồ sơ cấp GCN tại nơi có đất đã vi phạm Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Việc lấy ý kiến chưa chặt chẽ, chưa đủ tính chính xác, khách quan của người được lấy ý kiến; việc cấp 41 GCN (39 cấp năm 2013 và 2 cấp năm 2018) là chưa đúng Điều 50 Luật Đất đai 2003 và Điều 101 Luật Đất đai 2013.
Thanh tra cũng kết luận việc quản lý đất dự kiến xây hồ chứa nước của UBND thị trấn Lạc Dương và Vườn Quốc gia Bidoup – Núi Bà chưa chặt chẽ, để người dân lấn chiếm đất với tổng diện tích 19.501m2 tại 3 vị trí giáp rừng thông hiện hữu.
Dấu hiệu buông lỏng quản lý
Để xảy ra những tồn tại, hạn chế trên, theo thanh tra, bên cạnh các nguyên nhân khách quan như khu vực có nhiều quy hoạch quản lý đất đai, quản lý rừng; các quy hoạch còn chưa thống nhất… thì có lỗi chủ quan. Chủ tịch, Phó Chủ tịch phụ trách có liên quan tới các tồn tại, hạn chế có dấu hiệu buông lỏng quản lý, thiếu kiểm tra, giám sát nên không phát hiện việc tham mưu cấp GCN của phòng chuyên môn trực thuộc chưa đảm bảo quy định pháp luật.
Phòng TN&MT, Chi nhánh VPĐKĐĐ huyện Lạc Dương chưa thực hiện đúng quy định về cấp GCN; UBND thị trấn Lạc Dương thiếu kiểm tra việc SDĐ tại khu vực dự kiến xây hồ chứa nước Đan Kia 2 nên không phát hiện việc lấn chiếm, phá rừng.
Trách nhiệm để xảy ra những tồn tại, hạn chế trên trước tiên thuộc về Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương phụ trách qua các thời kỳ. Ngoài ra, Trưởng phòng TN&MT; Giám đốc, Phó Giám đốc Chi nhánh VPĐKĐĐ qua các thời kỳ cũng chịu trách nhiệm trong việc tham mưu, đề xuất cấp GCN; Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Lạc Dương có liên quan qua các thời kỳ chịu trách nhiệm trong xác nhận nguồn gốc, thời điểm SDĐ không đúng thực tế và xác nhận không đúng nội dung theo quy hoạch SDĐ; chưa kịp thời phát hiện, xử lý việc lấn chiếm, san gạt đất tại các vị trí qua kiểm tra thực tế đã được Đoàn thanh tra phát hiện.
Thanh tra tỉnh kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo với 41 GCN đã cấp không phù hợp quy hoạch, về nguyên tắc phải thu hồi. Tuy nhiên, qua kiểm tra cho thấy các hộ được cấp GCN đều là người đồng bào dân tộc thiểu số tại địa phương, đã đang SDĐ ổn định theo đúng mục đích sử dụng được cấp. Mặt khác, theo quy hoạch SDĐ huyện tới 2020 thì toàn bộ diện tích, vị trí của 34/41 GCN đã cấp (trừ 7 GCN đất có một phần hiện trạng còn rừng) đến nay được quy hoạch là đất trồng cây lâu năm nên nếu thu hồi cũng không làm mất đi quyền được bồi thường về đất theo Điều 75 Luật Đất đai 2013 mà còn làm phát sinh đơn thư phức tạp. Do đó, kiến nghị UBND tỉnh không chỉ đạo thu hồi các GCN đã cấp nêu trên.
Thanh tra kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ tổ chức kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm, xử lý Chủ tịch, Phó Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương có liên quan qua các thời kỳ với các tồn tại, hạn chế trong việc cấp GCN; UBND tỉnh chỉ đạo Chủ tịch UBND huyện Lạc Dương rà soát, thu hồi 7 GCN đã cấp trên diện tích có rừng.
Đáng chú ý, Thanh tra tỉnh kiến nghị Chủ tịch UBND tỉnh báo cáo Ban Thường vụ Tỉnh ủy chỉ đạo kiểm tra tổ chức đảng và đảng viên có dấu hiệu vi phạm để xem xét xử lý theo Quy định 69-QĐ/TW ngày 6/7/2022.