Làm rõ sai phạm của cá nhân, tập thể liên quan xuất khẩu gạo ở Bộ Công Thương

Cập nhật: 06/04/2022 13:44

Bộ Công Thương vừa có báo cáo việc thực hiện kết luận thanh tra của Thanh tra Chính phủ (TTCP) về việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý Nhà nước về xuất khẩu gạo (XKG).

Bộ Công Thương đang chỉ đạo làm rõ trách nhiệm của chuyên viên, lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu sau KLTT

Cần thiết sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP

Trước đó, ngày 8/3/2022, TTCP có công văn yêu cầu Bộ Công Thương báo cáo kết quả thực hiện Kết luận thanh tra (KLTT) số 2015/KL-TTCP ngày 12/11/2021 của TTCP về việc chấp hành các quy định pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về XKG thời gian qua.

Liên quan nội dung rà soát, tham mưu sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2018/NĐ-CP, Bộ Công Thương cho biết, ngày 6/4/2020, Bộ đã có văn bản báo cáo Thủ tướng Chính phủ về XKG trong bối cảnh dịch bệnh và hạn hán, xâm nhập mặn. Từ thực tế thương nhân kinh doanh XKG chưa thực hiện nghiêm quy định chế độ báo cáo, Bộ Công Thương đã kiến nghị Chính phủ có Nghị quyết cho phép Bộ được thu hồi giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh XKG trong trường hợp DN XKG không thực hiện chế độ báo cáo định kỳ.

Ngày 10/4/2020, Văn phòng Chính phủ có văn bản thông báo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng, giao Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp Bộ Tư pháp và cơ quan liên quan căn cứ yêu cầu công tác quản lý và quy định Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung nội dung liên quan chế tài với DN XKG không thực hiện chế độ báo cáo cho Bộ Công Thương theo Nghị định 107/2018/NĐ-CP (nếu cần thiết).

Trong quá trình làm việc với đoàn TTCP năm 2020, Bộ Công Thương đã nhiều lần báo cáo về thực trạng thương nhân thực hiện không nghiêm túc chế độ báo cáo định kỳ và kiến nghị sửa đổi Nghị định 107/2018/NĐ-CP. Vấn đề này đã được TTCP ghi nhận tại KLTT 2015/KL-TTCP và đã được Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đồng ý.

Trong năm 2020 và năm 2021, công tác quản lý Nhà nước với mặt hàng gạo và thực thi Nghị định 107/2018/NĐ-CP tiếp tục ghi nhận thêm nhiều vấn đề như đảm bảo an ninh lương thực trong bối cảnh dịch COVID-19, nhập khẩu gạo tăng đột biến…

Trên cơ sở rà soát, tổng hợp các ý kiến góp ý các cơ quan liên quan, công tác quản lý Nhà nước trong thực tế và triển khai chỉ đạo của Thủ tướng, Bộ Công Thương đã ban hành văn bản gửi các bộ, ngành, địa phương trao đổi về kết quả thực thi Nghị định 107/2018/NĐ-CP và đề nghị cho ý kiến về đề xuất nội dung sửa đổi, bổ sung trong thời gian tới.

3 đơn vị đang xác định trách nhiệm đối tượng vi phạm

Theo đó, Bộ Công Thương đề nghị cho ý kiến với một số đề xuất sửa đổi, bổ sung Nghị định 107/2018/NĐ-CP, đề nghị bổ sung chế tài với trường hợp thương nhân không báo cáo hoặc báo cáo không đúng, đầy đủ; ứng dụng công nghệ thông tin trong thu thập, khai báo, báo cáo số liệu trên nền tảng trực tuyến. Bộ Công Thương đang tổng hợp ý kiến về các vấn đề này.

Về xây dựng quy chế phối hợp trong quản lý, điều hành XKG, Bộ Công Thương thông tin Nghị định 107/2018/NĐ-CP đã quy định cụ thể trách nhiệm các bộ, ngành, địa phương trong điều hành XKG như: điều tiết giá cả, bình ổn thị trường nội địa, phát triển thị trường xuất khẩu, ký kết, tổ chức thực hiện các bản ghi nhớ, thỏa thuận về thương mại gạo với các nước, điều hành thị trường tập trung, xây dựng vùng nguyên liệu, liên kết sản xuất, tiêu thụ lúa gạo, bảo đảm chất lượng gạo xuất khẩu.

Để tăng cường phối hợp công tác quản lý Nhà nước về ngành hàng (trong đó có mặt hàng gạo), trong năm 2021, Bộ Công Thương đã triển khai ký kết Chương trình phối hợp phát triển sản xuất, chế biến, tiêu thụ và xuất khẩu sản phẩm nông nghiệp góp phần thực hiện mục tiêu công nghiệp hoá nền nông nghiệp Việt Nam; và khẳng định thương hiệu nông sản Việt Nam tại thị trường trong nước và quốc tế; ký kết thoả thuận phối hợp công tác giữa Bộ Tài chính – Công Thương.

Về nội dung tổ chức kiểm điểm, chấn chỉnh những tồn tại, hạn chế nêu tại KLTT, Bộ Công Thương đã giao Vụ Tổ chức cán bộ, Thanh tra Bộ, Cục Xuất nhập khẩu xác định rõ các cá nhân, tập thể có liên quan như các chuyên viên phụ trách theo dõi thụ lý công việc; phòng nghiệp vụ; lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu.

Sau khi làm rõ các cá nhân liên quan, yêu cầu các đơn vị thông báo đến từng cá nhân có bản kiểm điểm theo phân công công việc, báo cáo cụ thể quá trình thẩm định, thụ lý công việc được giao. Cục Xuất nhập khẩu đã tổ chức họp kiểm điểm tập thể, cá nhân liên quan đến các kiến nghị của TTCP nêu tại KLTT.

“Đơn vị tham mưu về công tác kỷ luật cán bộ, công chức và các đơn vị chuyên môn liên quan đang tiến hành đánh giá, xem xét, làm rõ trách nhiệm các cá nhân, tập thể và có hình thức xử lý theo quy định”, Bộ Công Thương cho biết.

theo Gia Khánh – Báo Pháp luật Việt Nam

Tin liên quan

Tuần cuối Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV (ngày 25-30/11): Quốc hội xem xét công tác nhân sự, thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng - Cập nhật: 25/11/2024 14:27
Bế mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội - Cập nhật: 20/11/2024 08:57
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 4: Dấu ấn ngành Tư pháp - Cập nhật: 19/11/2024 08:47
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam - Cập nhật: 18/11/2024 08:41
Đột phá từ Trung ương - Cập nhật: 15/11/2024 09:58
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 13/11/2024 10:16
Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành, quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Đảng - Cập nhật: 12/11/2024 12:51
Lắng nghe, thấu hiểu và quyết liệt tháo gỡ - Cập nhật: 11/11/2024 10:08
Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Trọng tâm là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 11/11/2024 09:04
90 tác phẩm được trao Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” - Cập nhật: 10/11/2024 11:24