Làm tốt công tác kiểm tra, giám sát trong thực hiện chính sách xã hội

Cập nhật: 15/08/2024 08:34

 Đây là yêu cầu được Thủ tướng Phạm Minh Chính đặt ra khi chủ trì Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị số 40-CT/TW ngày 22/11/2014 của Ban Bí thư Trung ương Đảng khóa XI về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng chính sách xã hội, diễn ra chiều 14/8.

Thủ tướng Phạm Minh Chính nêu rõ 6 định hướng lớn thời gian tới để tín dụng CSXH tiếp tục là điểm sáng. (Ảnh: VGP)

Các báo cáo, ý kiến tại Hội nghị thống nhất đánh giá, kết quả đạt được trong 10 năm qua đã khẳng định Chỉ thị số 40-CT/TW và Kết luận số 06-KL/TW của Ban Bí thư là giải pháp đúng đắn, phù hợp, thiết thực, mang tính đột phá trong chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện tín dụng chính sách xã hội (CSXH), qua đó, nhận được sự đồng tình, ủng hộ của các cấp, các ngành và đông đảo mọi tầng lớp Nhân dân; sự đánh giá cao của Ngân hàng Thế giới và các tổ chức quốc tế, góp phần thực hiện có hiệu quả các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ quan trọng mà Đảng, Nhà nước đề ra.

Trong 10 năm, đã có hơn 21 triệu hộ được vay vốn ưu đãi để phát triển sản xuất – kinh doanh. Qua đó, giúp hơn 3,1 triệu hộ vượt qua ngưỡng nghèo; hơn 4,2 triệu lao động vay vốn tạo việc làm; xây dựng hơn 13,2 triệu công trình cung cấp nước sạch, vệ sinh, môi trường đến với người dân vùng nông thôn; hơn 610.000 học sinh, sinh viên vay vốn trang trải chi phí học tập; hơn 193.000 căn nhà cho người nghèo và các đối tượng chính sách và hơn 1,2 triệu lượt lao động được doanh nghiệp vay vốn trả lương do ảnh hưởng dịch COVID-19…

Kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, chủ trương xuyên suốt, nhất quán của Đảng, Nhà nước ta trong quá trình xây dựng đất nước là phát triển kinh tế đi đôi với thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, mọi người dân đều được thụ hưởng trong quá trình phát triển kinh tế – xã hội (KT-XH); không “hy sinh” tiến bộ và công bằng xã hội, môi trường để chạy theo tăng trưởng kinh tế đơn thuần…

Chỉ rõ một số tồn tại, hạn chế, nhất là về cơ cấu nguồn vốn chưa thực sự hợp lý và bảo đảm tính bền vững; một số chính sách tín dụng triển khai còn chậm… Thủ tướng cho biết, thời gian tới cần tiếp tục xác định tín dụng CSXH là giải pháp quan trọng nhằm thực hiện các chủ trương, chính sách, mục tiêu, nhiệm vụ của Đảng, Nhà nước về tăng trưởng kinh tế đi đôi với thực hiện công bằng xã hội, thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia cũng như phát triển KT-XH của đất nước.

Trên cơ sở kết quả tổng kết 10 năm thực hiện Chỉ thị 40-CT/TW, Thủ tướng nhấn mạnh 06 định hướng nhằm tiếp tục tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với tín dụng CSXH; đồng thời chỉ đạo hoàn thiện khuôn khổ pháp lý, cơ chế, chính sách các quy định liên quan tới tổ chức, hoạt động tín dụng CSXH của Ngân hàng CSXH; nghiên cứu, bổ sung chính sách hỗ trợ tín dụng phục vụ hoạt động sản xuất, kinh doanh đối với hộ có mức sống trung bình làm nông, lâm, ngư, diêm nghiệp. Bên cạnh đó, cần tiếp tục rà soát, hoàn thiện cơ chế, chính sách về tín dụng, tài chính, lao động, tiền lương… nhằm tạo điều kiện cho Ngân hàng CSXH phát triển thành tổ chức có khả năng tự chủ, phát triển ổn định, lâu dài, bền vững, đủ năng lực để thực hiện ngày một hiệu quả hơn tín dụng CSXH.

Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Xây dựng chủ trì, phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ tài chính, Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, xây dựng gói tín dụng 30 ngàn tỷ đồng (trong đó 15 ngàn tỷ đồng từ nguồn phát hành trái phiếu Chính phủ và 15 ngàn tỷ đồng từ nguồn vốn ngân sách địa phương ủy thác) cho vay mua, thuê mua, xây dựng hoặc cải tạo sửa chữa nhà ở để thực hiện CSXH và giao Ngân hàng CSXH thực hiện. Tập trung ưu tiên nguồn vốn cho đồng bào dân tộc thiểu số miền núi, vùng đặc biệt khó khăn, biên giới, hải đảo. Đồng thời, làm tốt công tác kiểm tra, giám sát, nâng cao năng lực dự báo, phân tích; xây dựng đội ngũ cán bộ có uy tín, phong cách làm việc tiên tiến, hiện đại, tận tâm, tận tụy phục vụ người dân.

Tin liên quan