Hiện nay, tiến độ khắc phục vấn đề này chưa đáp ứng yêu cầu vì ảnh hưởng của dịch Covid-19 kéo dài, nhưng cũng có nguyên nhân chủ quan là năng lực các đơn vị tư vấn còn hạn chế, sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng chưa chặt chẽ.
Dự án kéo dài, lãng phí
Dự án Khu dân cư Ðiềm Thụy rộng hơn 10 ha ở trung tâm xã Ðiềm Thụy, huyện Phú Bình đang trong quá trình san gạt mặt bằng, xây dựng hạ tầng thì phải dừng lại. Qua nhiều năm nằm “bất động”, dự án trở thành bãi tập lái xe ô-tô, chăn thả gia súc, chứa rác thải của người dân địa phương, thậm chí gần đây trở thành bãi tập kết vật liệu xây dựng đường ÐT 266. Dự án này được Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên chấp thuận chủ trương đầu tư tại Quyết định số 2192/QÐ-UBND ngày 28/8/2015 và Công ty TNHH Tập đoàn Minh Phúc (Công ty Minh Phúc) được chỉ định là nhà đầu tư.
Sau khi được phê duyệt quy hoạch chi tiết, phương án bồi thường giải phóng mặt bằng, thiết kế hạ tầng kỹ thuật, từ năm 2016, Công ty Minh Phúc tiến hành san lấp mặt bằng, đúc cấu kiện bê-tông, xây dựng hạ tầng và đã đầu tư gần 40 tỷ đồng. Tuy nhiên, ngày 31/3/2020, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành Quyết định số 854/QÐ-UBND thu hồi Quyết định số 2192/QÐ-UBND, ngày 28/8/2015 về chủ trương đầu tư dự án khu dân xã Ðiềm Thụy. Từ đó đến nay, dự án này nằm “bất động”. Dọc đường ÐT 266 thuộc xã Ðiềm Thụy còn có hai dự án khu dân cư khác cũng đang trong tình trạng xây dựng dở dang. Ðó là, Dự án nhà ở 379 City do Công ty TNHH Phát triển nhà 379 làm chủ đầu tư và Khu tái định cư kết hợp khu dân cư xóm Trung 3 đều trong tình trạng bỏ hoang sau khi phải dừng thi công.
Trên địa bàn huyện Phú Bình, có năm dự án khu dân cư, khu đô thị đang trong tình trạng xây dựng dở dang thì dừng lại. Tại thị xã Phổ Yên, các thành phố Sông Công, Thái Nguyên, huyện Ðại Từ đều có những dự án tương tự. Nhà đầu tư những dự án này đã mất nhiều thời gian, công sức và đầu tư số vốn lớn để bồi thường giải phóng mặt bằng, xây dựng hạ tầng, nhưng phải dừng thi công và Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên thu hồi dự án do thiếu thủ tục pháp lý.
Hàng trăm tỷ đồng đã được các doanh nghiệp đầu tư, nhưng sau đó phải tạm dừng không chỉ gây lãng phí nguồn lực đất đai, thiệt hại cho nhà đầu tư, mà các khoản thu từ những dự án này cũng bị chậm nộp vào ngân sách. Thái Nguyên là tỉnh thu hút nhiều nhà đầu tư, người lao động từ các tỉnh, thành phố khác đến làm việc, nhu cầu về nhà ở trên địa bàn rất lớn, nhưng nhiều dự án khu dân cư, khu đô thị lâm vào tình trạng dở dang, chậm tiến độ đã góp phần làm cho giá đất tăng cao, người thu nhập thấp không thể tiếp cận được nhà ở.
Cần sớm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc
Thiếu thủ tục pháp lý, trong đó có việc giao dự án không thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư đã khiến hàng chục dự án bị “treo”. Giám đốc Công ty Minh Phúc Phạm Thống Nhất cho biết: Ðể khởi động lại Dự án Khu dân cư Ðiềm Thụy, cần làm lại quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500, tiến hành thiết kế, dự toán lại, trình cơ quan có thẩm quyền thẩm định, phê duyệt, sau đó đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư mới có thể triển khai được. Tuy nhiên, hai năm qua do ảnh hưởng của dịch Covid-19, địa phương thay đổi quy hoạch cho nên việc triển khai bị chậm, chưa biết đến bao giờ dự án mới tiếp tục thi công trở lại.
Khắc phục những hạn chế, bất cập, vướng mắc về thủ tục pháp lý, ngày 26/4/2021, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thái Nguyên ban hành Chỉ thị số 04-CT/TU về tăng cường công tác quản lý các dự án đầu tư ngoài ngân sách, đặc biệt là các khu dân cư, khu đô thị trên địa bàn. Trong đó xác định, việc phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương trong công tác quản lý nhà nước đối với dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhất là dự án các khu dân cư, khu đô thị còn thiếu chặt chẽ, có lúc, có nơi còn có dấu hiệu buông lỏng quản lý; một số dự án triển khai chậm tiến độ, năng lực, kinh nghiệm của nhà đầu tư hạn chế dẫn đến dự án không được thực hiện đúng cam kết đầu tư. Việc xử lý đối với những dự án vi phạm chưa được thực hiện quyết liệt, đúng quy định.
Thực hiện Chỉ thị 04, thời gian vừa qua, Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên ban hành kế hoạch, tổ chức kiểm tra, rà soát, phân loại những khó khăn, vướng mắc, giao nhiệm vụ cụ thể cho từng sở, ngành, địa phương khẩn trương tháo gỡ, nhưng tiến độ chưa đáp ứng yêu cầu đề ra. Ủy ban nhân dân huyện Phú Bình cũng đã tổ chức nhiều hội nghị, mời đại diện các sở, ngành chức năng của tỉnh bàn giải pháp tháo gỡ khó khăn để tiếp tục triển khai xây dựng các khu dân cư, khu đô thị đang đầu tư dở dang, nhưng đến nay cả năm dự án trên địa bàn huyện mới đang trong quá trình bổ sung, hoàn thiện lại hồ sơ, thực hiện quy trình, thủ tục pháp lý theo quy định, chưa có dự án nào được thi công trở lại.
Trên thực tế, để làm được điều đó, cần sự tích cực, khẩn trương, phối hợp chặt chẽ hơn của các cấp, ngành chức năng của tỉnh nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là hoàn thiện, đáp ứng các quy định của pháp luật; lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm thông qua đấu thầu công khai đúng luật, để nhanh chóng hoàn thiện các dự án dở dang.