Tham dự Tọa đàm, các đại biểu tập trung bàn thảo những vấn đề đặt ra trong quản lý vận tải đường bộ ở Việt Nam hiện nay; tổng quan về tình hình, mục đích nghiên cứu nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực vận tải đường bộ; thực tiễn hoạt động kinh doanh vận tải đường bộ và vướng mắc của doanh nghiệp; nguy cơ tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động phối hợp với các cơ quan hành chính nhà nước và đề xuất giải pháp của Hiệp hội vận tải ô tô Việt Nam; thực tiễn và hạn chế trong quản lý vận tải đường bộ…
Phát biểu tại Tọa đàm khoa học, Trợ lý Trưởng Đại diện Thường trú UNDP tại Việt Nam, Bà Diana Torres nêu rõ: Theo kết quả từ Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh của Việt Nam (PCI) của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong năm 2012, hơn một nửa số công ty được khảo sát cho biết đã phải trả các khoản “chi phí không chính thức”. Con số này năm 2019 là 53,6%, tuy thấp hơn các năm trước, nhưng vẫn khá cao. Việt Nam đang gia tăng áp lực phải thực hiện các biện pháp để giải quyết tình trạng này trong bối cảnh các quốc gia trên thế giới đang tăng cường thực thi luật phòng, chống hối lộ. Kết quả là yêu cầu thực hiện nghiêm các chương trình kiểm soát tuân thủ phòng, chống hối lộ của doanh nghiệp này tại các thị trường mới nổi ngày càng chặt chẽ, trong đó có Việt Nam.
Cũng tại Tọa đàm, đánh giá nguy cơ tham nhũng trong lĩnh vực vận tải đường bộ ở Việt Nam, ThS. Nguyễn Việt Hoàng, Chuyên gia UNDP chia sẻ, giao thông vận tải là một lĩnh vực quan trọng trong sự phát triển kinh tế của Việt Nam và do đó thu hút các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Tuy nhiên, đây cũng là khu vực có nguy cơ tham nhũng cao. Có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng ngành thanh tra giao thông vận tải luôn đứng trong top 5 tỷ lệ tham nhũng. Mặc dù có nhiều nghiên cứu và điều tra liên quan đến tham nhũng, nhưng chưa có bất kỳ đánh giá rủi ro tham nhũng nào trong lĩnh vực giao thông vận tải nói chung và vận tải đường bộ nói riêng.