Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật về hoạt động chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu tại Việt Nam

Cập nhật: 22/07/2022 10:18

Theo quy luật chung, sự phát triển của các mối quan hệ xã hội luôn đi trước các quy định của pháp luật, do đó các quy định pháp luật luôn phải được cập nhật, bổ sung và đổi mới liên tục để bắt kịp những thay đổi của cuộc sống xã hội ngày càng hiện đại và phức tạp. Các quy định về chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu cũng không phải ngoại lệ. Đất nước càng hội nhập sâu rộng với thế giới thì hoạt động chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu tại Việt Nam ngày càng được quan tâm nhiều hơn.

Ảnh minh họa.

Trong thời gian gần đây, Việt Nam đã gia nhập nhiều các điều ước quốc tế, trong đó có Hiệp định CPTPP. Điều này càng thúc đẩy các quy định pháp luật của Việt Nam phải thay đổi để phù hợp với thông lệ quốc tế, kịp thời điều chỉnh những quan hệ mới phát sinh trong xã hội và sửa chữa những quy định còn chưa hợp lý gây cản trở cho hoạt động phát triển hoạt động chuyển giao quyền sử dụng nói riêng và quá trình phát triển kinh tế, xã hội đất nước nói chung. Một số kiến nghị nhằm hoàn thiện pháp luật có thể tham khảo cụ thể như sau:

Thứ nhất, học hỏi theo kinh nghiệm lập pháp của Liên minh châu Âu, pháp luật không nên định sẵn một hợp đồng khuôn mẫu bắt buộc các bên khi tham đàm phán phải tuân thủ mà nên mang tính gợi mở, tạo điều kiện cho các bên thỏa thuận theo chiến lược của mình. Do đó, nên thay thế cụm từ “phải có” tại khoản 1 Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ. Hợp đồng là sự thỏa thuận giữa các bên, đây là nguyên tắc chung của pháp luật dân sự, trong khi đó cụng từ “phải có” khiến nội dung của hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu bị bó buộc phải áp dụng một cách máy móc và cứng nhắc.

Thứ hai, đối với các quy định cấm các điều khoản hạn chế trong hợp đồng chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu. Theo các quy định tại khoản 2 Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành, chủ sở hữu không được đưa các điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên nhận chuyển quyền, đặc biệt là những điều khoản không xuất phát từ quyền của bên chuyển giao đối với nhãn hiệu. Mặc dù vậy, các quy định này vẫn còn một số điểm bất cập. Do đó tác giả xin có một số kiến nghị như sau:

– Mở rộng quyền bị điều chỉnh tại điểm b khoản 2 Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ, không chỉ giới hạn tại quyền xuất khẩu. Bởi quyền sử dụng nhãn hiệu không chỉ có quyền lưu thông hàng hóa, xuất khẩu mà còn có các quyền khác như nhập khẩu, lưu thông, quảng cáo sản phẩm mang đối tượng sở hữu công nghiệp nói chung và nhãn hiệu nói riêng. Việc không cấm bên chuyển quyền hạn chế các quyền khác đối với bên nhận chuyển quyền thể hiện sự không công bằng với bên được chuyển quyền, mặc dù quy định này được đặt ra để đảm bảo quyền lợi của bên được chuyển quyền đó. Do đó, pháp luật nên chỉnh sửa điểm này theo hướng cấm bên chuyển quyền trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế bên được chuyển quyền thực hiện các quyền sở hữu công nghiệp đối với hàng hóa, dịch vụ được sản xuất hoặc cung cấp theo hợp đồng sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp đó sang thị trường nước ngoài.

– Sửa điểm c khoản 2 Điều 144 Luật Sở hữu trí tuệ theo hướng cấm bên chuyển quyền buộc bên nhận chuyển quyền phải mua toàn bộ hoặc một tỉ lệ nhất định các nguyên liệu, linh kiện, thiết bị của bên chuyển quyền hoặc của bên thứ ba do bên chuyển quyền chỉ định theo những điều kiện bất hợp lý. Những điều kiện bất hợp lý này sẽ được bên nhận chuyển quyền – bên trực tiếp chịu tác động của điều khoản này chứng minh trong trường hợp các bên xảy ra tranh chấp.

Thứ ba, về vấn đề giải quyết tranh chấp trong quan hệ hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu: Thực tiễn cho thấy, một vụ việc về quyền sở hữu công nghiệp thương liên quan tới rất nhiều vấn đề như hành chính, kinh tế, dân sự và còn có thể là hình sự, đòi hỏi cần phải giải quyết vụ việc trong một tổng thể. Ở nhiều nước như Hoa kỳ, Pháp, Đức, Nhật Bản, Thái Lan,… đều đã thành lập các tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ để giải quyết mọi vấn đề liên quan trong cùng một vụ việc và rất có hiệu quả. Lý do đó là gần như các thẩm phán hiện nay đều chưa được trang bị kịp thời và đầy đủ các kiến thức liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ chứ chưa tính đến việc kiến thức của họ chưa chuyên sâu. Mặc dù chúng ta còn có cơ chế trọng tài, thế nhưng trong nhiều trường hợp Tòa án vẫn là lựa chọn cần thiết để kết quả xét xử có thể công khai, đòi lại danh tiếng, cải chính những thông tin sai lệch trên thị trường. Do đó, trong thời gian tới, việc thành lập tòa chuyên trách về sở hữu trí tuệ ở nước ta là rất cần thiết.

Thứ tư, về quy định kiểm soát chất lượng hàng hóa, dịch vụ của bên chuyển quyền đối với bên nhận chuyển quyền. Như đã giới thiệu và phân tích ở trên, từ lâu pháp luật của Trung Quốc, Liên minh châu Âu hay Mỹ để đã có những quy định rất cụ thể về việc kiểm soát chất lượng hàng hóa, dịch vụ trong hoạt động chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu. Thế nhưng, hiện nay trong Luật Sở hữu trí tuệ Việt Nam chưa hề có quy định điều chỉnh vấn đề này. Để đảm bảo hàng hóa, dịch vụ khi chuyển quyền sử dụng vẫn đảm bảo được chất lượng như khi bên chuyển quyền cung cấp, theo người viết đòi hỏi pháp luật cần có những quy định rõ ràng về trách nhiệm của bên nhận chuyển quyền trong việc đảm bảo chất lượng hàng hóa, dịch vụ.

Bên cạnh đó, bên nhận chuyển quyền cũng phải có trách nhiệm tạo điều kiện thuận lợi cho bên chuyển quyền sử dụng nhãn hiệu tiến hành kiểm tra, giám sát. Những quy định như vậy sẽ giúp thể hiện rõ quyền luôn đi kèm với nghĩa vụ đối với bên nhận chuyển giao quyền sử dụng nhãn hiệu. Đồng thời, bên chuyển quyền cũng phòng tránh được các rủi ro khi bên nhận chuyển quyền lợi dụng uy tín của nhãn hiệu để bán những hàng hóa, cung cấp dịch vụ kém chất lượng từ đó gây thiệt hại cho người tiêu dùng cũng như gây thiệt hại cho chính chủ sở hữu nhãn hiệu đó.

theo NGÔ ANH DŨNG

Tòa án Quân sự khu vực Thủ đô Hà Nội – Tạp chí Luật sư VN

https://lsvn.vn/mot-so-kien-nghi-nham-hoan-thien-phap-luat-ve-hoat-dong-chuyen-giao-quyen-su-dung-nhan-hieu-tai-viet-nam1658416056.html

Tin liên quan