Ngăn chặn hành vi trục lợi từ xăng dầu

Cập nhật: 10/02/2022 09:20

Mấy ngày gần đây, hàng loạt cửa hàng kinh doanh xăng dầu tại các tỉnh, thành phố như Cần Thơ, An Giang, Sóc Trăng, Hậu Giang, Long An, Đắk Lắk,… treo biển hết hàng, nghỉ bán khiến người dân trên địa bàn lo lắng.

Lực lượng quản lý thị trường lấy mẫu, kiểm tra hoạt động kinh doanh xăng dầu tại tỉnh Bình Dương.

Theo lý giải của các đại lý và thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu, việc ngừng bán hàng do nguồn cung ứng xăng bị hạn chế, chiết khấu bán hàng thấp dẫn đến tình trạng càng bán, doanh nghiệp càng thua lỗ. Cục Quản lý thị trường tỉnh An Giang đã tiến hành kiểm tra 153/489 cửa hàng kinh doanh xăng dầu trên địa bàn, phát hiện nhiều cửa hàng treo biển hết xăng xin nghỉ bán, ngừng hoạt động vì không có lãi, cửa hàng đang hoạt động nhưng hết xăng chờ giao hàng,… Tại Long An, cũng có 25/478 cửa hàng bán lẻ xăng dầu tạm ngừng hoạt động, nêu nguyên nhân do nhân viên bán hàng nghỉ Tết, hoặc nghỉ do nhiễm Covid-19, cửa hàng đã hết xăng dầu nhưng đơn vị đầu mối, phân phối không cung cấp hoặc chưa nhập xăng dầu để bán vì chiết khấu đại lý rất thấp. Lực lượng quản lý thị trường sẽ tiếp tục kiểm tra giám sát, làm rõ từng trường hợp đóng cửa, không hoạt động và xử lý nghiêm nếu có dấu hiệu đầu cơ, găm hàng trong hoạt động kinh doanh xăng dầu theo quy định.

Tình trạng các cửa hàng kinh doanh xăng dầu treo biển hết xăng nghỉ bán hàng đã xảy ra tại một số địa phương từ trước Tết Nguyên đán. Tuy nhiên, hiện vẫn không được khắc phục mà đang có dấu hiệu lan rộng ra ở nhiều tỉnh, thành phố khác. Một trong những lý do chính được đưa ra là nguồn cung xăng dầu bị ảnh hưởng khi Nhà máy lọc hóa dầu Nghi Sơn giảm công suất hoạt động. Trước bối cảnh đó, từ cuối tháng 1 đến nay, Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã nâng công suất hoạt động lên 105%, cung cấp ra thị trường hơn 680 nghìn tấn sản phẩm xăng dầu các loại để đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước.

Mặt khác, để bảo đảm nguồn cung xăng dầu, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Công thương có các phương án xử lý, giao các đầu mối xăng dầu chủ động nhập hàng trong thời gian nhanh, sớm nhất nhằm cung ứng và điều tiết thị trường. Việc các cửa hàng kinh doanh xăng dầu treo biển hết hàng, ngừng hoạt động diễn ra không phải hiếm, nhất là trước mỗi dịp giá xăng dầu thế giới biến động tăng cao hay trước thời điểm điều chỉnh giá xăng dầu của liên Bộ Công thương-Tài chính. Ngày 11/2 tới đây được dự báo giá xăng dầu tăng mạnh, chính là cơ hội để các cửa hàng gia tăng lợi nhuận. Thực tế không thể có chuyện thiếu xăng dầu đến mức hàng loạt cửa hàng phải tạm dừng hoạt động. Vì lợi nhuận, một số cửa hàng đã bất chấp các quy định, vin đủ lý do để găm hàng, đầu cơ, tích trữ, tạo khan hiếm nhằm kiếm lợi bất chính.

Tại cuộc họp về sản xuất, cung ứng xăng dầu cho thị trường trong nước mới đây, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành đã khẳng định, xăng dầu là mặt hàng dự trữ chiến lược đặc biệt quan trọng, có tác động lớn đến đời sống và nền kinh tế. Hiện nay, lượng dự trữ xăng dầu trong nước còn nhiều, Chính phủ có đầy đủ công cụ, bộ máy để điều tiết, Bộ Công thương có trách nhiệm và phải chủ động hơn, tuyệt đối không để thiếu trong mọi hoàn cảnh. Do đó, các lực lượng chức năng ngành công thương cần tăng cường kiểm tra, giám sát thị trường để kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm găm hàng nhằm trục lợi, thậm chí có thể truy tố trước pháp luật để làm gương.

Đồng thời, bảo đảm cân đối giữa sản xuất và nhập khẩu xăng dầu, có kế hoạch chi tiết, chính xác để kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả hơn nữa. Các đơn vị chức năng rà soát cơ chế, chính sách hiện hành, đề xuất cơ quan có thẩm quyền để điều chỉnh phù hợp bởi đây là mặt hàng ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, lưu thông, phân phối hàng hóa và đời sống nhân dân nên bắt buộc phải quản lý chặt chẽ, khoa học.

theo QUỲNH CHI – Báo nhân dân điện tử

https://nhandan.vn/cung-suy-ngam/ngan-chan-hanh-vi-truc-loi-tu-xang-dau-685134/

Tin liên quan