Ngành Thanh tra đã đóng góp tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng

Cập nhật: 23/11/2020 08:54

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đã nhấn mạnh như vậy trong những lần tới thăm và làm việc với Thanh tra Chính phủ (TTCP) và ngành Thanh tra.

Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình trao Huân chương Lao động hạng Nhất cho ngành Thanh tra. Ảnh: LL

Với tư cách là người được Chính phủ giao theo dõi và chỉ đạo trực tiếp, trong những qua, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình luôn dành những tình cảm đặc biệt cho TTCP và ngành Thanh tra. Phó Thủ tướng luôn có mặt trong các sự kiện quan trọng của ngành Thanh tra để kịp thời biểu dương kết quả đạt được cũng như có những chỉ đạo sát sao giúp ngành Thanh tra hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ mà Đảng và Nhà nước giao phó.

Chỉ tính riêng năm 2020, Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình đã có 3 lần tới dự và chỉ đạo tại các hội nghị quan trọng của ngành Thanh tra như Hội nghị triển khai nhiệm vụ công tác ngành Thanh tra năm 2020; Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2020 và gần đây nhất là Đại hội Thi đua yêu nước ngành Thanh tra lần thứ V.

Phát biểu chỉ đạo tại các hội nghị này, Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình đã thay mặt Thủ tướng Chính phủ biểu dương những nỗ lực và thành tích rất đáng tự hào của cán bộ, công chức, viên chức và người lao động trong toàn ngành Thanh tra đã phát huy truyền thống của ngành, bám sát định hướng và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thủ trưởng cơ quan quản lý Nhà nước, xây dựng triển khai thực hiện kế hoạch thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, chú trọng triển khai các nhiệm vụ được Quốc hội, Chính phủ giao cho.

Theo Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình, kết quả thanh tra trong 5 năm qua, phát hiện vi phạm về kinh tế 417.490 tỷ đồng, 94.578ha đất; kiến nghị xử lý kỷ luật hành chính 9.772 tập thể, cá nhân; chuyển cơ quan điều tra 462 vụ, 671 đối tượng… đã khẳng định vai trò của TTCP và ngành Thanh tra những năm gần đây, trong phát hiện, xử lý vi phạm chấn chỉnh quản lý Nhà nước, đóng góp tích cực vào công cuộc phòng, chống tham nhũng (PCTN). Điểm nổi bật là TTCP đã thực hiện nhiều nhiệm vụ theo Chương trình công tác của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN; tiến hành thanh tra và kết luận nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật, rất nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, có tính chất phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm, tạo nên sự đột phá trong đấu tranh xử lý tham nhũng; kiến nghị xử lý trách nhiệm các tổ chức, cá nhân vi phạm, thu hồi nhiều tài sản, đất đai có giá trị lớn, điển hình là thanh tra dự án Mobifone mua 95% cổ phần của AVG.

Toàn ngành tích cực đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN. Trong đó, TTCP giúp Chính phủ trình Quốc hội thông qua Luật PCTN (sửa đổi); trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc. xây dựng, hoàn thiện,  ban hành Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTN cấp tỉnh năm 2018, tham gia và tổ chức nhiều hoạt động hợp tác quốc tế về PCTN. Hướng dẫn, đôn đốc các ngành, các cấp thực hiện các giải pháp phòng ngừa tham nhũng.

Trong công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo (KN,TC), TTCP vừa làm tốt vai trò quản lý Nhà nước, vừa thực hiện nhiệm vụ công tác tiếp công dân, giải quyết KN,TC đã phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc đông người, phức tạp, kéo dài. Kết quả 5 năm qua, cơ quan hành chính các cấp tiếp 1.856.180 lượt công dân; tiếp nhận, xử lý 1.435.990 đơn KN, TC, đã giải quyết 107.794/127.947 vụ việc thuộc thẩm quyền (đạt 84,2%) đã thể hiện rất rõ vai trò và công sức của ngành Thanh tra trong công tác này.

Có thể khẳng định trong 5 năm qua ngành Thanh tra đã kế thừa, phát huy được truyền thống của ngành, vai trò, vị thế của Thanh tra không ngừng được nâng cao.

Để hoàn thành nhiệm vụ nặng nề nhưng rất vẻ vang mà Đảng, Nhà nước và nhân dân giao cho trong thời gian tới, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình đề nghị toàn ngành Thanh tra tập trung thực hiện 4 nhiệm vụ trọng tâm.

Thứ nhất, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, trong đó tập trung vào những lĩnh vực trọng điểm dễ nảy sinh tham nhũng, tiêu cực, lãng phí qua đó kịp thời phát hiện, ngăn chặn, xử lý nghiêm minh vi phạm pháp luật, thu hồi tiền, tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát về cho Nhà nước.

Thứ hai, thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả công tác tiếp dân, giải quyết KN,TC; tiếp tục kiểm tra, rà soát, giải quyết các vụ việc KN,TC đông người, phức tạp, kéo dài chú ý là phải khách quan, công tâm, có lý có tình đánh giá đúng bản chất vụ việc KN,TC để có giải pháp toàn diện trong giải quyết, bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp của Nhà nước, người dân, doanh nghiệp; gắn công tác tiếp dân, giải quyết KN,TC với tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật.

Thứ ba, tiếp tục hoàn thiện thể chế, thực hiện đồng bộ các giải pháp PCTN, trong đó triển khai có hiệu quả Chiến lược Quốc gia về PCTN, Chỉ thị số 33-CT/TW ngày 3/1/2014 của Bộ Chính trị về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc kê khai và kiểm soát việc kê khai tài sản”, Chỉ thị số 50-CT/TW ngày 7/12/2015 về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng” và Luật PCTN, các văn bản hướng dẫn thi hành; quan tâm triển khai đồng bộ các gải pháp phòng ngừa, chú trọng phát hiện, xử lý tham nhũng; khen thưởng, bảo vệ người tố cáo và tố giác hành vi tham nhũng.

Thứ tư, chú trọng xây dựng ngành, lực lượng thanh tra trong sạch, vững mạnh. Mỗi cán bộ, công chức ngành thanh tra phải có đầy đủ ý chí, nghị lực và lòng dũng cảm, kiên quyết bảo vệ lẽ phải, bảo vệ chân lý, không để bị cám dỗ, bị mua chuộc, không vì bất cứ áp lực nào mà làm sai pháp luật. Thực hiện đúng lời dạy của Bác Hồ là “phẩm chất của người cán bộ thanh tra là tự mình nghiêm chỉnh và phải có đạo đức cách mạng”.

Tiếp tục đẩy mạnh thực hiện có hiệu quả Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng gắn với thực hiện Chỉ thị 05 của Bộ Chính trị về học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh nhằm ngăn chặn, đẩy lùi suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ; thực hiện phê bình và tự phê bình.

Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình lưu ý, làm công tác thanh tra là góp phần cùng với Đảng và Nhà nước xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, liêm chính, kiến tạo, phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.

Trong xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, luôn lấy phòng là chính. Vì thế, công tác thanh tra phát hiện các sơ hở, thiếu sót, lỏng lẻo trong công tác quản lý nhà nước, quản lý xã hội, xây dựng pháp luật. Từ đó, kiến nghị xây dựng thể chế, chính sách pháp luật để phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm.

Thanh tra không chỉ chú trọng vào việc phát hiện và xử lý vi phạm để trừng phạt. Công tác “phòng” là cực kỳ quan trọng, là công tác nghiệp vụ cơ bản, có “phòng” tốt thì mới “chống” tốt được. Không chỉ là phòng chống tiêu cực, tham nhũng mà còn chống lãng phí. Bên cạnh đó, ngoài việc phòng ngừa, phát hiện vi phạm, cần phải chú ý cả việc phòng chống “tham nhũng vặt”, những hành vi tham nhũng nghiêm trọng, có tổ chức.

“Nhìn lại chặng đường 75 năm qua, đội ngũ những người làm công tác thanh tra sẽ thấy vinh dự, tự hào bởi những trang sử truyền thống được các thế hệ tô thắm bằng sự lớn mạnh, trưởng thành không ngừng và bằng bề dày thành tích qua từng năm. Sự lớn mạnh và trưởng thành của đội ngũ cán bộ thanh tra đã góp phần quan trọng vào công cuộc PCTN, góp phần xây dựng đất nước ngày càng phồn vinh, giàu đẹp. Niềm tin của Đảng, của Nhân dân vào đội ngũ cán bộ thanh tra ngày càng được nâng lên”, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Trương Hòa Bình nhấn mạnh.

theo Phương Hiếu – Báo Thanh tra

https://thanhtra.com.vn/theo-dong-thoi-cuoc/nganh-thanh-tra-da-dong-gop-tich-cuc-vao-cong-cuoc-phong-chong-tham-nhung-174419.html

Tin liên quan