Người dân cần cảnh giác với hành vi giả mạo giấy tờ của Tòa án

Cập nhật: 04/06/2024 10:29

Thời gian gần đây, từ việc người dân lên nhờ trích lục hồ sơ giấy tờ mà TAND TP.HCM phát hiện nhiều vụ giả mạo các quyết đinh, văn bản của Tòa án. Điều này không những gây ảnh hưởng đến uy tín của cơ quan Tòa án, các cá nhân có chữ ký bị giả mạo, mà còn gây thiệt hại đến quyền lợi của người dân.

Trụ sở TAND TP.HCM

Để hiểu rõ hơn về hành vi giả mạo này, Báo Công lý đã có cuộc phỏng vấn ông Quách Hữu Thái, Phó Chánh án TAND TP.HCM.

Phóng viên: Thưa ông, từ thực tế diễn ra thời gian vừa qua, ông cho biết thực trạng làm giả các tài liệu, giấy tờ của cơ quan tổ chức hiện nay như thế nào?

Phó Chánh án Quách Hữu Thái: Hiện tượng phổ biến hiện nay, rất nhiều các đối tượng giả mạo mình là người của cơ quan, tổ chức hoặc làm giả các giấy tờ, quyết định của các cơ quan, tổ chức để thực hiện hành vi trái pháp luật. Theo quan sát, thì hiện tượng này ngày càng nở rộ. Chúng ta cần có nhiều giải pháp để ngăn chặn hiện tượng này.

TAND hai cấp TP.HCM đã và đang xét xử nhiều trường hợp các đương sự sử dụng các tài liệu, giấy tờ giả của các cơ quan, tổ chức. Theo quá trình tố tụng những trường hợp này, cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) sẽ điều tra và chuyển sang Viện Kiểm sát (VKS) khởi tố. Hiện nay, TAND xử nhiều vụ giả tài liệu, giấy tờ của cơ quan, tổ chức, đã có nhiều bản án nghiêm khắc, mang tính răn đe. Tuy nhiên, các đối tượng vẫn mở rộng các hình thức làm giả con dấu, tài liệu để thực hiện các hành vi gian dối, lừa đảo.

Loại tội phạm này thực hiện rất tinh vi, có nhiều trường hợp người dân chưa hiểu biết pháp luật, nhẹ dạ dễ bị các đối tượng này lợi dụng, dụ dỗ. Trong hoạt động hàng ngày của TAND hai cấp TP.HCM đã phát hiện nhiều trường hợp, đương sự đến yêu cầu Tòa án cho sao lục các bản án, quyết định. Sau khi tra cứu thì không có các bản án, quyết định đó. Đây là những bản án, quyết định đã bị làm giả.
Người dân không hiểu pháp luật nên dễ tin vào những gì mà các đối tượng vẽ ra để làm giả, vướng vào bẫy lừa đảo do các đối tượng này giăng ra.

z5460601924186_dbde6362ca4fc185b843d1cdf0ccedaa.jpg

Phóng viên: Xin ông cho biết những ví dụ cụ thể mà Tòa án đã phát hiện sự giả mạo đó?

Phó Chánh án Quách Hữu Thái: Vừa qua, có trường hợp người dân lên TAND TP.HCM nhờ sao lục các bản án, quyết định của Tòa án, tuy nhiên, khi nhìn các bản án, quyết định người dân đưa ra thì cán bộ Tòa án nhận biết tài liệu đó có dấu hiệu giả mạo. Sau khi tiến hành ra soát, kiểm tra thì đó là những bản án, quyết định hoàn toàn không có thật. Cũng có trường hợp đương sự lên Tòa án trình ra giấy triệu tập của Tòa án, ghi tên Thẩm phán của TAND TP.HCM, nhưng kiểm tra lại đó là những giấy tờ giả mạo, thậm chí có trường hợp Thẩm phán có tên trong quyết định giả mạo đã chuyển công tác nhiều năm.

Cũng có trường hợp, cơ quan CSĐT gửi công văn qua xác minh đương sự trong các vụ án mà họ đang điều tra nhưng lại có tên trong các văn bản do thẩm phán TAND TP.HCM ký, đến khi kiểm tra xác minh thì phát hiện tất cả giấy tờ đương sự nộp cho Công an là giả mạo, không phải do Tòa phát hành. Các giấy tờ giả mạo tinh vi đến mức có in cả mã vạch, chỉ đến khi đưa vào máy scan thì mới phát hiện mã vạch là của hồ sơ khác. Có những trường hợp làm giả cả các quyết áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để trục lợi.

Phóng viên: Vậy quy định pháp luật hành vi làm giả này bị xử lý như thế nào, thưa ông?

Phó Chánh án Quách Hữu Thái: Tùy vào từng trường hợp mà Bộ luật Hình sự có điều khoản để cụ thể hóa xử lý đối với các hành vi này. Ví dụ, Bộ luật Hình sự 2015 có điều luật quy định về tội làm giả tài liệu, con dấu của cơ quan, tổ chức và sử dụng giấy tờ, tài liệu giả của cơ quan, tổ chức. Hoặc trường hợp có thể cấu thành tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản thì sẽ bị xử lý thêm cả tội danh này.

Phóng viên: Trước thực trạng các tài liệu, giấy tờ của TAND hai cấp TP.HCM bị làm giả như vậy, TAND TP.HCM có kiến nghị gì, thưa ông ?

Phó Chánh án Quách Hữu Thái: Với góc độ Tòa án, chúng tôi đã có văn bản gửi Cơ quan CSĐT Công an TP.HCM để có các biện pháp nghiệp vụ để điều tra làm rõ các trường hợp giả mạo này. Đồng thời, thông tin rộng rãi đến người dân nắm được, chủ động ngăn ngừa, đối phó với những hành vi trái pháp luật này.

Phóng viên: Vậy ông có khuyến cáo gì cho người dân để tránh bị lừa đảo giả mạo như vậy?

Phó Chánh án Quách Hữu Thái: Hiện nay, Tòa án có quy trình tố tụng rất chặt chẽ, từ nhận đơn, xử lý đơn thư đến khâu xét xử. Vì vậy, người dân không nên tin vào những lời hứa hẹn của bất kỳ đối tượng nào. Hoàn toàn không có việc nộp chứng minh nhân dân, hình ảnh, tiền bạc để Tòa án ra một bản án, quyết định nào đó. Bởi lẽ, để ban hành được một bản án, quyết định, thì Tòa án thực hiện quy trình hết sức chặt chẽ, người dân phải nộp đơn khởi kiện và tiến hành hàng loạt thủ tục tố tụng, yêu cầu các đương sự trực tiếp đến Tòa án để giải quyết, trừ trường hợp đương sự có đơn xin xét xử vắng mặt thì vẫn phải lên gặp trực tiếp cán bộ Tòa án để làm đơn xin xét xử vắng mặt.

Mặt khác, trong quá trình làm việc, cán bộ Tòa án có đeo bảng tên, mặc đồng phục quần đen, áo trắng và làm việc trực tiếp tại trụ sở Tòa án, không làm việc bên ngoài trừ trường hợp đi công tác; nếu làm việc bên ngoài sẽ có đại diện chính quyền địa phương đi cùng. Người dân cần chú ý, không tiếp xúc với bất cứ ai ngoài trụ sở Tòa án để làm việc và hứa hẹn việc này, việc kia.

Trân trọng cảm ơn ông!

Tin liên quan