Còn 12.749 thửa đất chưa được cấp GCN
Là tỉnh miền núi phía Bắc, Bắc Giang có diện tích tự nhiên gần 385.000 ha với 10 đơn vị hành chính (9 huyện và 1 TP; có 230 xã, phường, thị trấn), trong những năm qua, Bắc Giang có tốc độ tăng trưởng kinh tế cao. Lãnh đạo tỉnh đã chú trọng, quan tâm phát triển đầu tư hạ tầng giao thông, công nghiệp, đô thị, nhà ở và hạ tầng xã hội, mang lại những kết quả thiết thực.
Tuy nhiên, theo TTCP, với tốc độ đầu tư phát triển nhanh này, Bắc Giang đã bộc lộ không ít tồn tại, hạn chế như quy hoạch sử dụng đất (SDĐ) đến năm 2020, kế hoạch SDĐ kỳ đầu (2011- 2015) dù đã được Chính phủ phê duyệt, nhưng UBND tỉnh lại phê duyệt tại cấp huyện chậm.
Điều chỉnh quy hoạch SDĐ đến năm 2020, kế hoạch SDĐ kỳ cuối (2016 – 2020) cấp tỉnh và cấp huyện đến 2018 mới được Chính phủ phê duyệt, do vậy một số dự án (DA), công trình phát sinh năm 2016, 2017 phải điều chỉnh cục bộ quy hoạch SDĐ cấp huyện do chưa có trong quy hoạch, kế hoạch SDĐ trong kỳ.
Chất lượng quy hoạch, kế hoạch SDĐ còn hạn chế, chưa có dự báo hợp lý nên thường phải điều chỉnh, bổ sung khi quy hoạch ngành biến động hoặc nhu cầu về đầu tư, phát triển kinh tế – xã hội có sự thay đổi.
Kết quả thực hiện một số chỉ tiêu quy hoạch, kế hoạch SDĐ còn thấp. Một số DA, công trình đã có trong quy hoạch, kế hoạch SDĐ nhưng chưa được thực hiện, nhất là những DA sử dụng vốn ngân sách Nhà nước (NSNN).
Việc cập nhật quy hoạch ngành sau điều chỉnh, bổ sung vào quy hoạch SDĐ còn chưa kịp thời. Công tác quản lý quy hoạch sau khi được phê duyệt còn yếu; công tác thanh tra, kiểm tra về quy hoạch, kế hoạch SDĐ chưa đáp ứng được yêu cầu. Việc thu hút đầu tư vẫn chưa chủ động theo quy hoạch SDĐ, một số nhà đầu tư năng lực còn hạn chế, có biểu hiện chuyển nhượng DA sau khi được giao đất, cho thuê đất mà không đầu tư.
Đối với việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (GCNQSDĐ), theo TTCP, đến nay trên địa bàn tỉnh còn 12.749 thửa đất ở còn tồn tại, vướng mắc chưa được cấp GCN, do các trường hợp này đều có nguồn gốc rất phức tạp như hiện trạng SDĐ không phù hợp quy hoạch; thửa đất được giao không đúng thẩm quyền; đất đang có tranh chấp; không thực hiện nghĩa vụ tài chính; các trường hợp lấn chiếm, tự ý chuyển mục đích SDĐ.
Phối cảnh KCN Đình Trám |
Thanh tra các dự án, TTCP tiến hành thanh tra đối với DA xây dựng hạ tầng khu công nghiệp (KCN) Đình Trám, diện tích 127,1 ha do Cty Phát triển Hạ tầng KCN Bắc Giang làm chủ đầu tư (CĐT), vốn NSNN.
Sau 8 lần điều chỉnh quy hoạch, 4 lẫn điều chỉnh mục đích SDĐ và 2 lần điều chỉnh khác, đến nay DA đã hoàn thành. Tuy nhiên, sau các lần điều chỉnh giảm diện tích đất, đến nay UBND tỉnh vẫn chưa điều chỉnh GCNQSDĐ đã cấp, vi phạm quy định tại Điều 95 Luật Đất đai năm 2013.
Thôn tự ý ký hợp đồng giao thầu, cho thuê SDĐ công ích
Thanh tra việc quản lý và SDĐ công ích, TTCP đã chỉ ra nhiều địa phương trong tỉnh để quỹ đất công ích phân tán, không quy hoạch thành khu, vùng tập trung mà để rải rác, xen kẹp trong khu dân cư không tách được phần đất công ích và đất giao ổn định lâu dài.
Đoàn thanh tra cũng chỉ ra tình trạng để thôn tự ý ký hợp đồng giao thầu, cho thuê SDĐ công ích không đúng thẩm quyền, không đúng đối tượng, không đúng mục đích sử dụng và thời hạn theo quy định của pháp luật từ trước đây vẫn chưa được giải quyết triệt để.
Việc thực hiện công tác bàn giao hồ sơ, sổ sách khi thay đổi cán bộ qua các thời kỳ không chặt chẽ dẫn đến hồ sơ về quản lý đất đai không đầy đủ, do đó các địa phương thiếu tài liệu, gặp khó khăn trong việc xác định diện tích đất công ích để quản lý.
Ngoài ra, TTCP cũng chỉ ra một số tồn tại, vi phạm khác về đất đai như tự ý chuyển mục đích SDĐ lúa sang đất nông nghiệp khác, tự ý chuyển mục đích SDĐ nông nghiệp sang đất phi nông nghiệp; lấn chiếm, xây dựng nhà ở trái phép trên đất vi phạm hành lang an toàn, vi phạm quy hoạch xây dựng; xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp; giao đất trái thẩm quyền tại các huyện: Hiệp Hòa, Lục Nam, Lục Ngạn và Tân Yên, Việt Yên, Yên Dũng, Yên Thế và TP Bắc Giang …
Từ năm 2006 – 2017, tổng số tiền SDĐ và tiền thuê hạ tầng gắn với đất KCN còn nợ đọng số tiền lên tới hàng trăm tỷ đồng, trong đó, các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân còn nợ hơn 79,5 tỷ đồng; các đơn vị thuê đất trong KCN Đình Trám còn nợ hơn 6,7 tỷ đồng; các đơn vị trong KCN Song Khê – Nội Hoàng (khu phía Bắc) còn nợ hơn 24,2 tỷ đồng; Cty CP XNK Bắc Giang nợ hơn 8 tỷ đồng; Cty CP In và Bao bì công nghệ cao Hưng Thịnh nợ hơn 13,5 tỷ đồng; Cty CP KOSY nợ hơn 13,7 tỷ đồng, tiền SDĐ của DA khu dân cư mới thị trấn cầu Gồ, huyện Yên Thế.
Đối với việc quản lý và SDĐ của một số DA, từ năm 2002 – 2007, có 43 doanh nghiệp được chấp thuận và cấp phép đầu tư vào KCN Đình Trám, tổng diện tích đất cho thuê hơn 662 nghìn m2, nhưng UBND tỉnh Bắc Giang lại có văn bản cho phép không thu tiền, gây thất thoát NSNN số tiền hơn 7 tỷ đồng theo đơn giá tại thời điểm cho thuê.
Chưa hết, việc thu hồi đất có hạ tầng trong KCN để giao và cho thuê cũng có nhiều thiếu sót như Cty Phát triển hạ tầng KCN Bắc Giang cho Bưu điện tỉnh, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh thuê đất để xây dựng trụ sở làm việc thuộc quy hoạch trung tâm điều hành không phải là đất cho thuê, nhưng không thực hiện các trình tự, thủ tục điều chỉnh quy hoạch SDĐ, thay đổi mục đích, cơ cấu SDĐ để trình cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định.
UBND tỉnh Bắc Giang thu hồi hơn 9,1 nghìn m2 đất cho Cty TNHH Thương mại dịch vụ Bắc Giang thuê để thực hiện DA ĐTXD chợ Hoàng Ninh không phù hợp với quy hoạch được phê duyệt. Thực tế khu đất đã xây dựng các dãy nhà liền kề từ 4 – 6 tầng.
Đến thời điểm thanh tra, UBND tỉnh Bắc Giang vẫn chưa chỉ đạo thực hiện xong việc đưa 3 doanh nghiệp (Cty TNHH Sản xuất và Thương mại Quỳnh An; Cty TNHH Vương Vỹ; Cty TNHH VinaSolar Technologi) ra khỏi đất KCN Đình Trám do các doanh nghiệp này đã SDĐ KCN để xây dựng kinh doanh dịch vụ khách sạn, ki ốt cho thuê, vui chơi giải trí, karaoke, xông hơi; chấp thuận đầu tư DA khi chưa có ý kiến chấp thuận của Thủ tướng Chính phủ về việc chuyển mục đích SDĐ lúa tại các DA: KĐT phía Tây thị trấn Vôi, huyện Lạng Giang; KĐT An Huy thị trấn Cao Thượng, huyện Tân Yên; điều chỉnh quy mô một số KCN khi chưa có ý kiến của Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành liên quan.