Nối dài nhịp cầu hợp tác, hữu nghị Việt Nam-Thụy Sĩ

Cập nhật: 28/06/2023 09:22

Nhận lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, Chủ tịch Hội đồng Quốc gia (Hạ viện) Thụy Sĩ Martin Candinas thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 đến 30/6. Chuyến thăm của Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ thể hiện sự coi trọng của Thụy Sĩ đối với Việt Nam, đồng thời là hoạt động đối ngoại nghị viện quan trọng nối lại trao đổi đoàn cấp cao giữa hai nước sau đại dịch Covid-19.

Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas thăm chính thức Việt Nam từ ngày 27 đến 30/6 theo lời mời của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ. (Ảnh: TTXVN)

Nằm ở khu vực Trung Âu, Thụy Sĩ là một quốc gia thanh bình, tươi đẹp, theo đuổi chính sách đối ngoại trung lập và là một trong những nước có nền sản xuất công nghiệp, mức sống cao hàng đầu thế giới. Thụy Sĩ là trung tâm ngân hàng, bảo hiểm lớn của thế giới, với nhiều ngân hàng lớn, hãng bảo hiểm nổi tiếng tập trung tại thành phố Zurich.

Trên chặng đường hợp tác kéo dài hơn nửa thế kỷ qua, bất chấp khoảng cách địa lý xa xôi và những biến cố, thăng trầm của lịch sử, quan hệ giữa Việt Nam và Thụy Sĩ không ngừng được vun đắp và phát triển. Hai nước đã gặt hái những kết quả hợp tác tích cực trên nhiều lĩnh vực, từ chính trị-ngoại giao, kinh tế-thương mại cho đến văn hóa, giáo dục, khoa học-kỹ thuật… Các cuộc tiếp xúc, trao đổi đoàn cấp cao và các cấp là minh chứng cho mối quan hệ hữu nghị truyền thống tốt đẹp giữa hai nước.

Tháng 2/2023, Chính phủ Thụy Sĩ thông qua Chiến lược Đông Nam Á giai đoạn 2023-2026 nhằm củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ với khu vực Đông Nam Á, trong đó, Việt Nam được xem là nền kinh tế năng động của khu vực và là đối tác ngày càng quan trọng của Thụy Sĩ.

Tháng 2/2023, Chính phủ Thụy Sĩ thông qua Chiến lược Đông Nam Á giai đoạn 2023-2026 nhằm củng cố và làm sâu sắc hơn quan hệ với khu vực Đông Nam Á, trong đó, Việt Nam được xem là nền kinh tế năng động của khu vực và là đối tác ngày càng quan trọng của Thụy Sĩ.

Quan hệ hữu nghị và hợp tác nghị viện hai nước phát triển tích cực. Quốc hội hai nước thường xuyên trao đổi, tiếp xúc cấp cao, trao đổi kinh nghiệm giữa các cơ quan của Quốc hội. Nhóm Nghị sĩ hữu nghị Quốc hội hai nước đã được thành lập và triển khai nhiều hoạt động nhằm thúc đẩy quan hệ nghị viện cũng như hợp tác giữa hai nước.

Tại các diễn đàn đa phương như Liên minh Nghị viện Thế giới (IPU), Liên minh Nghị viện Pháp ngữ (APF), hai bên thường xuyên phối hợp chặt chẽ, tham vấn về các vấn đề quốc tế và khu vực.

Hợp tác kinh tế giữa hai nước nhìn chung phát triển tốt đẹp. Trước khi đại dịch Covid-19 bùng phát, kim ngạch thương mại song phương đạt hơn 2,8 tỷ USD vào năm 2019. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của đại dịch, kim ngạch thương mại song phương năm 2022 đạt khoảng 806 triệu USD.

Thụy Sĩ đứng thứ 22 về đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam với 206 dự án còn hiệu lực và tổng vốn đăng ký khoảng 1,9 tỷ USD. Hai bên đang thúc đẩy sớm kết thúc đàm phán Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Khối Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA), qua đó mở ra triển vọng tươi sáng trong quan hệ thương mại song phương, nhất là khi đại dịch được kiểm soát và nền kinh tế thế giới phục hồi.

Việt Nam tiếp tục là một trong số ít nước nằm trong danh sách đối tác ưu tiên hợp tác của Thụy Sĩ.

Việt Nam tiếp tục là một trong số ít nước nằm trong danh sách đối tác ưu tiên hợp tác của Thụy Sĩ. Tháng 3/2021, Thụy Sĩ đã công bố Chương trình hợp tác phát triển Thụy Sĩ-Việt Nam giai đoạn 2021-2024 với vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) khoảng 76 triệu USD.

Năm 2023, Thụy Sĩ tăng cường đầu tư vào các dự án công nghiệp tiên tiến, công nghệ cao, quản trị hiện đại giúp kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu. Các dự án hợp tác phát triển do Thụy Sĩ tài trợ cả song phương và đa phương được triển khai tích cực, hướng tới thực hiện các mục tiêu phát triển bền vững của Việt Nam.

Hợp tác trong các lĩnh vực như giáo dục-đào tạo, khoa học-kỹ thuật… cũng là những điểm sáng nổi bật.

Thụy Sĩ nổi tiếng là trung tâm đào tạo có uy tín trong lĩnh vực ngân hàng, du lịch, bảo hiểm và công nghệ cao.

Thụy Sĩ tích cực giúp đỡ Việt Nam thông qua các dự án hỗ trợ giáo dục về môi trường, quản lý và các dự án đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ các chuyên ngành tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh.

Hai nước đã ký Hiệp định về bảo hộ sở hữu trí tuệ và hợp tác trong lĩnh vực sở hữu trí tuệ, triển khai Chương trình hợp tác đặc biệt Việt Nam-Thụy Sĩ về sở hữu trí tuệ (SPC) và Dự án hợp tác về sở hữu trí tuệ (SVIP).

Cộng đồng người Việt Nam tại Thụy Sĩ hiện có khoảng 8.000 người, trong đó hơn một nửa đã nhập quốc tịch Thụy Sĩ nhưng vẫn giữ quốc tịch Việt Nam, luôn nỗ lực hòa nhập tốt, được chính quyền sở tại đánh giá cao và góp phần bắc nhịp cầu đoàn kết, hữu nghị giữa hai đất nước.

Việc đón tiếp Chủ tịch Hội đồng Quốc gia Thụy Sĩ Martin Candinas thăm chính thức Việt Nam khẳng định chủ trương nhất quán của Việt Nam luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị truyền thống, hợp tác nhiều mặt Việt Nam-Thụy Sĩ. Chuyến thăm thể hiện quyết tâm của lãnh đạo hai nước làm sâu sắc hơn quan hệ gần gũi, tin cậy giữa Việt Nam và Thụy Sĩ trên các lĩnh vực.

Tin liên quan