Phân công nhiệm vụ thẩm tra gắn với kinh nghiệm, địa bàn, đơn vị

Cập nhật: 28/02/2024 08:16

Từ thực tế hoạt động, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Tuyên Quang cho rằng, quá trình thẩm tra, các Ban HĐND cấp huyện trên địa bàn cần chủ động phối hợp, đồng hành với các cơ quan chuyên môn ngay trong quá trình xây dựng dự thảo nội dung; làm việc với các đơn vị liên quan để tiếp cận trước các dự thảo, trao đổi các nội dung cần làm sáng tỏ. Khi xác định rõ cơ sở pháp lý, thẩm quyền, lãnh đạo Ban HĐND phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên gắn liền với kinh nghiệm chuyên môn và địa bàn, đơn vị của từng thành viên để nghiên cứu nội dung thẩm tra.

Thường trực HĐND huyện Sơn Dương khảo sát tiến độ thi công, chất lượng một số công trình, dự án trên địa bàn

Qua tiếp cận các báo cáo thẩm tra của HĐND một số huyện, thành phố trên địa bàn, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Tuyên Quang nhận thấy: các Ban của HĐND một số huyện, thành phố đã tập trung nghiên cứu tài liệu, khảo sát thực tế các nội dung liên quan phục vụ thẩm tra báo cáo, dự thảo nghị quyết bảo đảm chất lượng và có nhiều đổi mới. Hầu hết các báo cáo thẩm tra bảo đảm tính chặt chẽ, chất lượng, nhiều nội dung thẩm tra được UBND huyện, các cơ quan đơn vị tiếp thu, giải trình làm rõ, như: Báo cáo thẩm tra của Ban Pháp chế HĐND thành phố Tuyên Quang về tình hình thi hành pháp luật, đảm bảo quốc phòng, an ninh, trật tự an toàn xã hội năm 2023, nhiệm vụ năm 2024; báo cáo thẩm tra của Ban Kinh tế – Xã hội HĐND huyện Sơn Dương về thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội năm 2023, phương hướng nhiệm vụ năm 2024…

Các báo cáo thẩm tra đã đánh giá, phân tích những mặt tồn tại, hạn chế, chỉ ra được những nguyên nhân và đề xuất, kiến nghị cụ thể, thể hiện được chính kiến và có tính phản biện, làm cơ sở để các đại biểu thảo luận, xem xét các vấn đề về phát triển kinh tế – xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của huyện.

Chưa có nhiều đề xuất, kiến nghị

Tuy nhiên qua tiếp cận các báo cáo thẩm tra của Ban Dân tộc HĐND tỉnh Tuyên Quang cho thấy, vẫn còn Báo cáo thẩm tra của một số Ban HĐND cấp huyện sơ sài, chưa có chính kiến riêng của Ban, không chỉ ra được nguyên nhân vấn đề tồn tại, hạn chế qua giám sát, khảo sát và không có những kiến nghị để giải quyết khó khăn, vướng mắc về phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn. Theo Ban Dân tộc HĐND tỉnh, hạn chế này do: các thành viên Ban chưa có đủ tài liệu để nghiên cứu về nội dung báo cáo, nghị quyết thẩm tra; một số nội dung chưa có giám sát, khảo sát thực tiễn phục vụ công tác thẩm tra; việc trình các báo cáo, dự thảo nghị quyết của UBND huyện, các cơ quan chuyên môn còn chậm, sát với thời gian kỳ họp, phần nào ảnh hưởng đến thời gian nghiên cứu, phân tích sâu, phát hiện những vấn đề tồn tại làm ảnh hưởng đến chất lượng thẩm tra của Ban.

Qua tham dự các kỳ họp HĐND cấp huyện trên địa bàn trong năm 2023 và những năm trước, theo đại diện Ban Kinh tế – Ngân sách HĐND tỉnh Tuyên Quang, các nghị quyết trình tại các kỳ họp thường lệ của HĐND cấp huyện, số lượng nghị quyết được trình tại kỳ họp và được các Ban HĐND huyện thẩm tra không nhiều. Nội dung các Ban thẩm tra tập trung chủ yếu về báo cáo phát triển kinh tế – xã hội của UBND huyện trình tại kỳ họp. Tuy nhiên, trong báo cáo thẩm tra của các Ban HĐND vẫn còn thiếu và ít những thông tin thoát li ngoài báo cáo của UBND và chưa có nhiều đề xuất, kiến nghị thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội trong thời gian sau.

Việc giám sát thường xuyên của các Ban chủ yếu vào các lĩnh vực phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn, tuy nhiên trên địa bàn các huyện cũng xảy ra một số vấn đề nổi cộm, đặc thù tại địa phương nhưng chưa được các Ban HĐND cập nhật trong báo cáo thẩm tra hoặc tham mưu cho Thường trực HĐND huyện như: chưa thực hiện ký kết hợp đồng khoán bảo vệ rừng năm 2022 tại 3 huyện Na Hang, Lâm Bình, Sơn Dương; tình trạng cây lâm nghiệp chất lượng cao được hỗ trợ giống không phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng tại địa bàn huyện Na Hang, Lâm Bình; việc phát triển cây bản địa có giá trị kinh tế chưa được tuyên truyền, vận động để phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế của địa phương (huyện Na Hang, Lâm Bình).

Chủ động phối hợp, đồng hành

Từ thực tế hoạt động, Ban Dân tộc HĐND tỉnh Tuyên Quang cho rằng, quá trình thực hiện nhiệm vụ thẩm tra, các Ban HĐND phải chủ động liên hệ yêu cầu UBND và các cơ quan liên quan gửi báo cáo, đề án kèm theo các hồ sơ, tài liệu liên quan đúng thời hạn, bảo đảm thời gian để các Ban HĐND triển khai các hoạt động thẩm tra, có cơ sở nghiên cứu tài liệu kỹ lưỡng, thấu đáo. Chủ động phối hợp, đồng hành với các cơ quan chuyên môn ngay trong quá trình xây dựng dự thảo nội dung; làm việc với các đơn vị liên quan để tiếp cận trước các dự thảo, trao đổi các nội dung cần làm sáng tỏ; thường xuyên tiếp cận các dự thảo ngay từ ban đầu cho đến dự thảo cuối cùng.

Cùng với đó, khi xác định rõ cơ sở pháp lý, thẩm quyền, để phát huy sức mạnh tập thể, lãnh đạo Ban phân công nhiệm vụ cụ thể cho các thành viên Ban gắn liền với kinh nghiệm chuyên môn và địa bàn, đơn vị của từng thành viên để nghiên cứu nội dung thẩm tra. Tham gia nghiên cứu tài liệu và có ý kiến vào các phiên họp chuyên đề của cơ quan chuyên môn, UBND huyện đối với các nghị quyết Ban được phân công thẩm tra. Tranh thủ ý kiến chỉ đạo và trí tuệ tập thể của Thường trực HĐND huyện, ý kiến phản biện của Ủy ban Mặt trận tổ quốc trước khi tổ chức họp thẩm tra với cơ quan chủ trì soạn thảo hồ sơ dự thảo nghị quyết. Khi tổ chức hội nghị thẩm tra, Ban mời Thường trực HĐND cùng tham dự để cho ý kiến về nội dung thẩm tra. Đối với các hồ sơ dự thảo nghị quyết chưa phù hợp với tình hình thực tế, thiếu tính khả thi, còn có ý kiến trái chiều, Ban sớm báo cáo tại phiên họp Thường trực HĐND để có định hướng, bảo đảm tính khả thi của dự thảo nghị quyết.

theo Bảo Quyên – Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan