Phát triển du lịch ở huyện Trần Văn Thời

Cập nhật: 01/10/2024 06:51

Huyện Trần Văn Thời thuộc tỉnh Cà Mau, có diện tích tự nhiên 70.346,7 ha, có 47.292 hộ, với 196.442 nhân khẩu. Huyện có 13 đơn vị hành chính, gồm 11 xã và 2 thị trấn, với 153 ấp, khóm. Thu nhập bình quân đầu người năm 2023 là 58,6 triệu đồng. Kết cấu hạ tầng giao thông tương đối hoàn chỉnh; tổng số điểm, hộ kinh doanh du lịch là 9 cơ sở.

Với đặc trưng của hệ sinh thái đa dạng và phong phú, huyện Trần Văn Thời hội tụ đủ các yếu tố để phát triển du lịch, nhất là du lịch sinh thái. Vườn Quốc gia U Minh Hạ và điểm du lịch hòn Ðá Bạc, xã Khánh Bình Tây, điểm du lịch sinh thái Cà Mau – ECo, ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi được nhiều du khách lựa chọn làm điểm đến để tham quan, du lịch. Ngoài ra, còn nhiều điểm đến để trải nghiệm khác, như cửa biển Sông Ðốc, đầm Thị Tường, Khu di tích Nghệ nhân văn hóa dân gian Nguyễn Long Phi (Bác Ba Phi) và các làng nghề truyền thống khác…

(Hòn Đá Bạc là cụm đảo thuộc ấp Kinh Hòn, xã Khánh Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).

 Thực hiện quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Cà Mau đến năm 2020, định hướng đến năm 2030, huyện Trần Văn Thời đã và đang xây dựng, phát triển du lịch trở thành điểm đến hấp dẫn, có uy tín và sức cạnh tranh cao; xây dựng một số sản phẩm, loại hình du lịch của huyện đạt thương hiệu du lịch khu vực, quốc gia; phát triển du lịch bảo đảm hài hòa giữa kinh tế – xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân. Đưa du lịch trở thành một trong những ngành kinh tế quan trọng, chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong cơ cấu kinh tế của huyện, tạo động lực phát triển kinh tế – xã hội của địa phương.

Ngành Du lịch huyện Trần Văn Thời đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp tăng cường công tác quản lý, công tác tuyên truyền, xúc tiến, quảng bá du lịch, phát triển sản phẩm dịch vụ hình thành tuyến du lịch, điểm dừng chân… tạo điểm nhấn, góp phần thu hút khách và tăng doanh thu cho huyện. Công tác quy hoạch, thu hút đầu tư phát triển du lịch được UBND huyện quan tâm, chỉ đạo. UBND huyện chỉ đạo các cơ quan liên quan và UBND xã Khánh Bình Tây thành lập Hợp tác xã du lịch sinh thái Đá Bạc với diện tích khoảng 30 ha trồng sen, phát triển các sản phẩm từ sen, như: hạt sen tươi, lá sen, ngó sen. Đặc biệt, trong thời gian qua, đã xây dựng được 3 điểm du lịch sinh thái: Cà Mau – Eco, ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi; Bà Ngoại homestay, ấp Tân Thành, xã Phong Lạc và Láng Sen Garden, ấp Đá Bạc, xã Khánh Bình Tây.

(Đầm Thị Tường tại huyện Phú Tân và huyện Trần Văn Thời tỉnh Cà Mau).

 Năm 2023, số khách du lịch đến tham quan và mua sắm là 126.955 lượt khách, vượt 26.955 khách so với chỉ tiêu kế hoạch được giao; doanh thu ước đạt 38.086.500.000 đồng, vượt 18.086.500.000 đồng so với kế hoạch năm 2023; xây dựng mới 01 điểm du lịch sinh thái. Trong 6 tháng đầu năm 2024, có 131.025 lượt khách đến tham quan, mua sắm trên địa bàn huyện; trong đó: khách quốc tế 342 người, doanh thu ước đạt 39.307.500.000 đồng, đạt 93,6% chỉ tiêu kế hoạch năm 2024.

Mặc dù số lượng du khách đến tham quan mua sắm có tăng so với cùng kỳ năm trước, nhưng thiếu tính bền vững, doanh thu từ du lịch còn thấp so với mặt bằng chung của tỉnh, chủ yếu từ dịch vụ ăn uống; các dịch vụ phụ trợ cho hoạt động du lịch còn thiếu, đặc biệt là dịch vụ lưu trú tại các điểm du lịch chưa có. Sản phẩm du lịch chưa đa dạng, chất lượng sản phẩm chưa đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của du khách. Các điểm du lịch chưa có sự liên kết, chia sẻ dịch vụ, lợi ích với nhau. Chất lượng nguồn nhân lực phục vụ du lịch còn yếu, nhất là đối với loại hình du lịch sinh thái hộ gia đình.

Việc mời gọi các tổ chức, cá nhân đầu tư các dự án du lịch, hỗ trợ phát triển du lịch hằng năm chưa được thực hiện, cơ bản là hạ tầng giao thông đường bộ chưa đáp ứng yêu cầu, tải trọng còn hạn chế nên chưa phù hợp với các tour có số lượng du khách lớn, bên cạnh đó, cũng chưa hình thành được những tuyến du lịch.

(Làng rừng Vồ Dơi tại ấp Vồ Dơi, xã Trần Hợi, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau).

 Việc hình thành làng văn hóa du lịch, du lịch cộng đồng, các điểm dừng chân còn gặp nhiều khó khăn, người dân đa phần là nông dân, chủ yếu sống bằng nghề nông, nên người dân còn có tâm lý chưa muốn tìm hiểu và đầu tư phát triển du lịch, du lịch sinh thái và du lịch kết hợp với nông nghiệp vì chưa có kinh nghiệm, kiến thức về du lịch, kiến thức và kỹ năng về quản lý cơ sở kinh doanh, khả năng vốn đầu tư có hạn, việc ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quảng bá thương hiệu và dịch vụ du lịch còn nhiều hạn chế.

Tuy bước đầu đã hình thành những điểm du lịch sinh thái, du lịch kết hợp với nông nghiệp trên địa bàn, nhưng nhìn chung quy mô còn nhỏ lẻ và rời rạc; chất lượng phục vụ, dịch vụ chưa cao và chưa đa dạng; việc duy tu, bảo dưỡng cơ sở vật chất chưa được thường xuyên nên một số cơ sở đã xuống cấp… do đó, vẫn chưa khai thác hết tiềm năng và lợi thế của huyện để phát triển du lịch.

Trong thời gian tới, huyện Trần Văn Thời tích cực triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm khai thác có hiệu quả các tiềm năng về du lịch, đặc biệt là du lịch sinh thái trên địa bàn huyện.

Tin liên quan