Phòng, chống tham nhũng, tiêu cực-đột phá mới và thách thức

Cập nhật: 27/12/2022 09:16

Năm 2022, đất nước mặc dù vừa tập trung phòng, chống dịch Covid-19, vừa chỉ đạo phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, song công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tiếp tục được đẩy mạnh, quyết liệt, đồng bộ, khẩn trương. Từ đó công tác này có bước phát triển mới, khẳng định mạnh mẽ quyết tâm kiên quyết, kiên trì đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tham nhũng, tiêu cực theo Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại Phiên họp thứ 20 của Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng. (Ảnh: TTXVN)

Hành động ngang tầm quyết tâm chính trị

Thực tế khẳng định, với quyết tâm của Ðảng, Nhà nước và toàn bộ hệ thống chính trị, lĩnh vực công tác này tiếp tục được tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, đã triển khai thực hiện có hiệu quả nhiều chủ trương, giải pháp đột phá, mạnh mẽ, đi vào chiều sâu, gắn kết chặt chẽ hơn giữa phòng, chống tham nhũng, tiêu cực với xây dựng, chỉnh đốn Ðảng, phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống trong cán bộ, đảng viên. Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá mới.

Theo đó, Trung ương Ðảng, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) đã chỉ đạo sơ kết, tổng kết, ban hành nhiều chủ trương, chính sách lớn về xây dựng chỉnh đốn Ðảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTNTC), tạo thống nhất cao về nhận thức và hành động theo tinh thần Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng.

Nổi bật là: Thành lập Ban Chỉ đạo PCTNTC cấp tỉnh; về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm; về luân chuyển cán bộ và bố trí công tác đối với cán bộ bị xử lý kỷ luật; về phân cấp quản lý cán bộ; về phân loại, xử lý tổ chức đảng và đảng viên có sai phạm. Quốc hội, Chính phủ tổ chức các phiên họp chuyên đề về xây dựng pháp luật; chỉ đạo các bộ, ngành chức năng rà soát, sửa đổi, bổ sung nhiều văn bản quy phạm pháp luật, khắc phục những sơ hở, bất cập, phục vụ quản lý, phát triển kinh tế-xã hội và PCTNTC. Nhiều quy định đi vào cuộc sống, phát huy hiệu quả ngay sau khi vừa ban hành.

Công tác phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực ngày càng quyết liệt, hiệu quả, tạo bước đột phá mới.

Ðồng thời, công tác kiểm tra, giám sát tiếp tục được đẩy mạnh nhằm phát hiện, xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm. Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã tổ chức 11 đoàn kiểm tra đối với 30 tổ chức đảng về việc triển khai thực hiện Nghị quyết Ðại hội XIII của Ðảng và việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII, Quy định những điều đảng viên không được làm; trách nhiệm nêu gương. Ban Chỉ đạo Trung ương tổ chức 8 đoàn kiểm tra chuyên đề công tác phát hiện, chuyển giao, tiếp nhận, xử lý nguồn tin về tội phạm và công tác giám định, định giá tài sản; qua kiểm tra đã kiến nghị sửa đổi, bổ sung, xây dựng nhiều cơ chế, chính sách, pháp luật; chỉ đạo xử lý 370 vụ án, vụ việc.

Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã tiến hành 26 cuộc kiểm tra khi có dấu hiệu vi phạm liên quan đến các vụ án, vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo; đã xử lý và kiến nghị xử lý kỷ luật 46 tổ chức đảng, 138 đảng viên, trong đó có 16 tổ chức đảng, 29 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý.

Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội tiến hành giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí. Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tổ chức góp ý đối với kết quả giám sát về công tác thu hồi tài sản tham nhũng. Ngành thanh tra, kiểm toán tập trung thanh tra, kiểm toán các lĩnh vực dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực, dư luận quan tâm, nhất là việc mua sắm; huy động, quản lý, sử dụng các nguồn lực phục vụ công tác phòng, chống dịch Covid-19 và các chính sách hỗ trợ.

Các cơ quan chức năng tiếp tục thực hiện nghiêm, hiệu quả cơ chế chỉ đạo phối hợp trong phát hiện, xử lý tham nhũng, tiêu cực qua công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án. Các bộ, ngành, địa phương đã chuyển 498 vụ việc có dấu hiệu phạm tội sang cơ quan điều tra để điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật (tăng gần hai lần so với cùng kỳ năm trước).

Các địa phương đã thực hiện nghiêm chủ trương của Trung ương, xem xét miễn nhiệm, cho từ chức hoặc bố trí công tác khác đối với cán bộ sau khi bị kỷ luật, trong đó có cả trường hợp là chủ tịch HÐND tỉnh, chủ tịch UBND tỉnh.

Ðến nay các cơ quan tố tụng cả nước đã khởi tố, điều tra 2.474 vụ/4.646 bị can, truy tố 2.157 vụ/4.564 bị can, xét xử sơ thẩm 2.198 vụ/4.620 bị cáo về các tội tham nhũng, kinh tế, chức vụ (trong đó về tham nhũng đã khởi tố mới 414 vụ án, 939 bị can). Riêng Ban Chỉ đạo Trung ương đã tập trung chỉ đạo xử lý 108 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực nghiêm trọng, phức tạp; đã khởi tố mới, điều tra nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, xảy ra trong những lĩnh vực chuyên môn sâu, hoạt động khép kín, xảy ra cả trong khu vực nhà nước và khu vực ngoài nhà nước, như: Vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự (Bộ Ngoại giao); các vụ án xảy ra tại Tập đoàn FLC, Tân Hoàng Minh, Công ty AIC, Tập đoàn Vạn Thịnh Phát…; xử lý nhiều bị can là cán bộ cấp cao (đã khởi tố, điều tra 15 cán bộ cấp cao thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý cả đương chức và nghỉ hưu.

Vừa qua lần đầu tiên chúng ta cho thôi chức đối với 3 Ủy viên Trung ương Ðảng; miễn nhiệm 3 chủ tịch HÐND, UBND tỉnh) được cán bộ, đảng viên, nhân dân đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao.

Công tác PCTNTC ở địa phương, cơ sở được đẩy mạnh, đạt nhiều kết quả tích cực; số vụ án tham nhũng được phát hiện, xử lý có chiều hướng tăng cao so với các năm trước; trong 10 tháng đầu năm 2022, các địa phương đã khởi tố mới 382 vụ án tham nhũng (gấp 1,5 lần so với cùng kỳ năm trước). Mặc dù mới đi vào hoạt động, nhưng các Ban Chỉ đạo cấp tỉnh đã tích cực, chủ động đưa gần 400 vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực vào theo dõi, để tập trung chỉ đạo xử lý. Nhiều địa phương đã khởi tố cả lãnh đạo chủ chốt của tỉnh, như: Lào Cai, Phú Yên, Thái Nguyên, Thanh Hóa, Khánh Hòa, Quảng Ninh,…

Tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” đã giảm dần. Công tác thu hồi tài sản tham nhũng tiếp tục chuyển biến tích cực. Các cơ quan tiến hành tố tụng đã tạm giữ, kê biên tài sản, phong tỏa tài khoản, ngăn chặn giao dịch tài sản có giá trị hơn 160 nghìn tỷ đồng và nhiều tài sản có giá trị khác, đồng thời, đã kiến nghị khắc phục nhiều tồn tại, hạn chế, bất cập trong lĩnh vực này.

Những dấu ấn, thành quả nêu trên khẳng định quyết tâm, hành động, tạo bước tiến mới về nhận thức, lý luận, qua đó củng cố sự tin tưởng, quyết tâm cao trong toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân về PCTNTC.

Bảo đảm quyết liệt, đồng bộ giữa “xây và chống”

Tựu trung, với chủ trương, quyết tâm chính trị của Ðảng và Nhà nước, cùng sự chỉ đạo sâu sát, cụ thể của đồng chí Tổng Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC cùng nhiều đổi mới, đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo hoàn thiện thể chế, phòng ngừa tham nhũng, tiêu cực; quyết liệt chỉ đạo xử lý các vụ án, vụ việc tham nhũng, tiêu cực, với nhiều cơ chế, giải pháp, cách làm bài bản, hiệu quả. Ðồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc; chú trọng tổng kết thực tiễn, kịp thời sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ đáp ứng yêu cầu của đấu tranh PCTNTC.

Tuy nhiên, hiện nay, cùng với sự phát triển của đất nước và quá trình hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, các hành vi tham nhũng, tiêu cực sẽ ngày càng tinh vi, phức tạp, khó lường hơn; không chỉ diễn ra trong nước mà vượt ra cả phạm vi quốc tế, không chỉ xảy ra trong khu vực nhà nước mà cả ở khu vực ngoài nhà nước, không chỉ một vài cá nhân vi phạm mà đã có nhiều tập thể vi phạm, hình thành các “nhóm lợi ích”, đảng viên và nhân dân. Tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên một số lĩnh vực vẫn còn nghiêm trọng, diễn biến phức tạp; nổi lên là các sai phạm lớn trong lĩnh vực đất đai, đấu thầu, chứng khoán, phát hành trái phiếu doanh nghiệp,… gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng gây bức xúc trong cán bộ, đảng viên và nhân dân.

Mặt khác, công tác tự kiểm tra, giám sát trong nội bộ vẫn chuyển biến chậm, rất ít vụ việc được phát hiện qua tự kiểm tra; việc thu hồi tài sản mặc dù được làm mạnh, tăng cao so với các năm trước, nhưng giá trị tài sản phải thu hồi còn tồn đọng lớn; một số vụ án, vụ việc chậm kết thúc xử lý theo kế hoạch của Ban Chỉ đạo; việc giám định, định giá tài sản trong một số vụ án, vụ việc còn chậm, phối hợp chưa tốt…

Thách thức và yêu cầu của cuộc đấu tranh này đòi hỏi cần tiếp tục quán triệt, vận dụng hiệu quả 6 bài học quý, có giá trị cả về mặt lý luận và thực tiễn, được Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh tại Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác PCTNTC giai đoạn 2012-2022.

Trong đó: Cần nhận thức thật đầy đủ, sâu sắc vị trí, ý nghĩa, tầm quan trọng của công tác đấu tranh PCTNTC để từ đó có quyết tâm chính trị rất cao, biện pháp rất trúng và phải đặt dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo, tập trung, thống nhất của Ðảng, mà trực tiếp, thường xuyên là Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTNTC trực thuộc Bộ Chính trị; phải biến quyết tâm chính trị thành hành động thực tế của cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức và nhân dân, trước hết là sự gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm của các đồng chí lãnh đạo Ðảng, Nhà nước, của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, cơ quan, tổ chức, đơn vị trên mặt trận này.

Phòng, chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”; là cuộc đấu tranh ngay trong bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức… Vì vậy phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Trong đấu tranh PCTNTC cần phải làm quyết liệt và đồng bộ giữa xây và chống; giữa xây dựng, hoàn thiện thể chế bịt kín những lỗ hổng với thực hiện các giải pháp phòng ngừa; giữa tăng cường kiểm tra, giám sát, thanh tra, kiểm toán để phát hiện tham nhũng, tiêu cực với điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án; giữa kỷ luật đảng với kỷ luật hành chính và xử lý hình sự; sự quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương,… Xử lý nghiêm các sai phạm theo đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”.

Vừa qua, việc xử lý nghiêm nhiều tổ chức đảng, đảng viên vi phạm, có cả Ủy viên Trung ương Ðảng, bộ trưởng, thứ trưởng, cán bộ chủ chốt cấp tỉnh, thành phố và nhiều cán bộ cấp cao là minh chứng rõ nhất và tiếp tục phải làm như vậy; kể cả đối tượng phạm tội bỏ trốn ra nước ngoài. Gắn liền với đó, kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, uy tín thấp theo phương châm: “Có vào, có ra, có lên, có xuống”.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ rõ: Phòng, chống tham nhũng là “chống giặc nội xâm”; là cuộc đấu tranh ngay trong bản thân mỗi con người, trong mỗi cơ quan, tổ chức… Vì vậy phải có thái độ thật kiên quyết, không khoan nhượng và hành động thật quyết liệt, cụ thể, hiệu quả.

Thực tiễn khẳng định, càng đẩy mạnh đấu tranh PCTNTC, Ðảng của chúng ta càng mạnh lên, càng củng cố, tăng cường niềm tin của nhân dân đối với Ðảng, Nhà nước và chế độ, làm cho bộ máy trong sạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội, giữ vững ổn định chính trị, tăng cường quốc phòng, an ninh và đối ngoại, đồng thời bác bỏ luận điệu sai trái của các thế lực xấu, thù địch, chống đối….

Tin liên quan