QCGL mới thực sự là bên “bị lừa” và bị chiếm dụng tài sản trái pháp luật

Cập nhật: 15/02/2022 10:09

Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Quốc Cường Gia Lai (QCGL) bác bỏ những cáo buộc không có căn cứ nêu trong đơn tố cáo của Công ty cổ phần đâu tư Sunny Island. Bà Nguyễn Thị Như Loan khẳng định, việc Sunny Island ký hợp đồng rồi không thực hiện và đang chiếm giữ tài sản có giá trị hơn 11 nghìn tỷ đồng của QCGL mới thực sự là việc làm có tính “lừa đảo”.

Ai lừa ai?

Cuộc chiến pháp lý giữa QCGL và Sunny Island, một doanh nghiệp do đại gia bất động sản và tài chính nổi tiếng TP Hồ Chí Minh lập ra, đã lan từ phiên xử của Hội đồng trọng tài sang cơ quan điều tra khi Sunny Island tìm cách trì hoãn vụ kiện để theo đuổi việc giải quyết tranh chấp bằng cách tố cáo đối tác.

Về sự việc Sunny Island liên tục có văn bản đề nghị Hội đồng trọng tài hoãn xử tranh chấp để cơ quan điều tra giải quyết tố cáo đối với Công ty QCGL, bà Nguyễn Thị Như Loan khẳng định, qua việc làm này của Sunny Island cho thấy, họ đã không đủ căn cứ chứng minh trước trước trọng tài. Do đó, thay bằng việc giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại một cách sòng phẳng, công ty này đi tố cáo đối tác một cách không có căn cứ.

Trong các văn bản chuyển đơn tố cáo, các cơ quan nhà nước nhận được đơn của Công ty Sunny Island đều nêu lý do công ty này tố cáo QCGL lừa đảo vì lý do diện tích giải phóng mặt bằng trong hồ sơ mà công ty này đang quản lý ít hơn so với diện tích nêu trong hợp đồng.

Tuy nhiên, về phía Công ty QCGL cho biết, hợp đồng hứa mua hứa bán giữa hai công ty đã có các điều khoản rất chặt chẽ do chính luật sư của Công ty Sunny Island soạn thảo. Theo đó, số tiền mà Sunny Island chuyển cho QCGL chỉ bằng một phần rất nhỏ so với số tài sản mà Sunny Island cầm giữ của QCGL.

Cụ thể, theo hợp đồng hứa mua hứa bán, Công ty Sunny Island sẽ chuyển trước cho QCGL 4.800 tỷ đồng để thực hiện các công việc liên quan đến giải phóng mặt bằng và các thủ tục pháp lý của dự án và QCGL phải bàn giao toàn bộ hồ sơ giải phóng mặt bằng đã có, với trị giá tại thời điểm năm 2017 khoảng 11 nghìn tỷ đồng (theo ước tính của QCGL). Thực tế, Sunny Island mới chuyển được 2.882 tỷ đồng thì dừng lại nhưng công ty này, thông qua đơn vị đại diện, đã cầm giữ tài sản của QCGL với trị giá hơn 11 nghìn tỷ đồng.

Việc nắm giữ một tài sản khổng lồ của đối tác trong khi chỉ mới thực hiện được một phần nghĩa vụ, nhưng Công ty Sunny lại tố cáo QCGL là “lừa đảo”. Với thực tế như trên, ai mới là bên bị lừa cũng đã rõ.

Lạm dụng pháp luật hình sự

Như Báo Pháp luật Việt Nam phản ánh trong các kỳ trước ý kiến của các chuyên gia pháp luật về tình trạng lạm dụng quan hệ pháp luật hình sự để giải quyết tranh chấp kinh doanh thương mại. Đặc biệt, tư tưởng hình sự hóa quan hệ dân sự không chỉ tồn tại trong đầu các bên có việc mà còn tồn tại trong không ít công chức của các cơ quan bảo vệ pháp luật.

Việc hai bên ký hợp đồng kinh doanh thương mại, với các điều khoản có đi có lại để đảm bảo thực hiện nghĩa vụ đã rất rõ ràng. Thậm chí, trước khi ký hợp đồng, hai bên đã tìm hiểu rất kỹ công việc sẽ hợp tác. Khi có tranh chấp, thay vì giải quyết tranh chấp theo quy định, người ta lại kêu toáng lên là “bị lừa”. Những doanh nhân “tỷ đô” đâu dễ bị lừa đến thế.

Theo Luật sư Nguyễn Văn Tú, không loại trừ việc vụ việc tranh chấp kinh doanh thương mại đang cố tình bị đẩy vào quỹ đạo hình sự.

“Có thể thấy rất rõ việc ký kết và thực hiện hợp đồng được thực hiện bởi 2 pháp nhân là Công ty QCGL và Công ty Sunny Island. Toàn bộ quyền và nghĩa vụ đều do hai pháp nhân thực hiện. Tiền và tài sản được trao đổi trong giao dịch này cũng là tài sản của hai pháp nhân. Do vậy, tranh chấp phát sinh giữa hai pháp nhân phải được giải quyết theo quy định của pháp luật dân sự. Việc gán ghép trách nhiệm của pháp nhân sang trách nhiệm của cá nhân rõ ràng là ý muốn hình sự hóa sự việc này”, Luật sư Nguyễn Văn Tú nhấn mạnh.

Hiện nay, Hội đồng trọng tài VIAC đang xét xử tranh chấp này, thế nhưng Công ty Sunny Island hai lần đề nghị VIAC dừng xét xử để chờ công an giải quyết vụ việc. Tuy nhiên, VIAC đã từ chối vì VIAC không giải quyết các vấn đề hình sự mà chỉ giải quyết tranh chấp phát sinh từ hợp đồng.

Theo đại diện Công ty QCGL cho biết, Sunny và cá nhân và Trương Mỹ Lan đã biết rất rõ về tình trạng pháp lý của dự án Khu dân cư Phước Kiển mà QCGL đang phát triển và được chấp thuận dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật dự án; biết rất rõ về QCGL đã giải phóng mặt bằng phần lớn diện tích đất của dự án và thực tế đã cầm giữ hồ sơ giải phóng mặt bằng của dự án. Do đó, bà Trương Mỹ Lan và Công ty Sunny hoàn toàn không bị lừa, không bị che dấu về thông tin của dự án khi ký hợp đồng. Việc cho rằng QCGL “lừa” hoàn toàn là hành vi vu khống.

Đại diện QGLG cũng cho rằng, khi xảy ra tranh chấp hợp đồng do một bên vi phạm Hợp đồng thì các bên phải thực hiện giải quyết tranh chấp theo quy định của pháp luật. QCGL có trách nhiệm trả lại tiền cho Sunny như thế nào và Sunny có trách nhiệm trả lại tài sản cho QCGL như thế nào phải được hai bên thỏa thuận hoặc thực hiện theo quyết định của Trọng tài thương mại nếu hai bên không thống nhất được phương án giải quyết, đó mới là sự tôn trọng pháp luật.

theo Nhóm PV – Báo pháp luật Việt Nam

Tin liên quan