Phiên xét xử vụ án gây thất thoát lãng phí liên quan đến khu đất vàng ở quận 1, TP HCM đã kết thúc với việc cựu Phó chủ tịch TP HCM Nguyễn Thành Tài bị tuyên phạt 8 năm tù.
Trước đó, khi được nói lời sau cùng trước khi tòa nghỉ nghị án, giọng ông Tài run rẩy, nói rất xấu hổ khi cuối đời phải chịu cảnh vô cùng nghiệt ngã. Bị cáo cũng cho biết đã gây ra lo lắng cho xã hội, đặc biệt là các đồng đội, về việc phải chăng phẩm chất một người được trui rèn trong lửa đạn chiến tranh đã suy thoái hết? Nhiều lần nghẹn giọng, ông Tài gửi lời xin lỗi đầu tiên tới người mẹ 97 tuổi, gửi lời xin lỗi các bậc lão thành, xin lỗi người dân.
Có lẽ, khi đặt bút ký vào các văn bản sai quy định, trái chủ trương của thành phố, khiến khu đất vàng gần 5.000m2 của Nhà nước rơi vào tay tư nhân, ông Tài đã không nghĩ tới việc sẽ có ngày hôm nay. Nước mắt của ông Tài cùng những tự sự trong lời nói sau cùng có lẽ cũng khiến không ít người cảm thương, song trên tất cả, đó là những gì mà ông Tài phải nhận do hành vi của mình gây ra.
Ông Tài không phải là cựu quan chức đầu tiên bật khóc khi phải đứng trước bục bị cáo. Trước đó, vào năm 2018, cựu Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phan Văn Vĩnh cũng đã bật khóc khi phải ra tòa với thân phận là bị cáo, trong vụ án đánh bạc nghìn tỷ xảy ra tại Phú Thọ. Mới đây nhất, hồi tháng 5/2020, trong vụ xét xử thâu tóm đất công liên quan tới hai cựu Chủ tịch Đà Nẵng là Trần Văn Minh và Văn Hữu Chiến, không ít bị cáo từng là thuộc cấp của ông Chiến và ông Minh cũng đã nghẹn ngào khóc trước tòa.
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, đã có hơn 70 cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý bị thi hành kỷ luật Đảng và xử lý hình sự, một con số kỷ lục chưa từng có. Nhiều người nhìn vào đó và cho rằng, làm quan chức thời nay thật rủi ro!
Tuy nhiên, có lẽ điều đó chỉ đúng một phần. Bởi, rủi ro chỉ rình rập đối với những quan chức không biết tiết chế lòng tham, lợi ích nhóm, không tu dưỡng về đạo đức và phẩm chất chính trị, tha hóa. Đối với những người như vậy, họ sẵn sàng bất chấp các quy định của Đảng, của pháp luật để làm trái, đục khoét và vơ vét tài sản làm giàu cho gia đình và bản thân. Các quan chức chỉ có thể tránh được rủi ro nếu như họ thật sự liêm khiết, làm mọi việc vì nước vì dân, không tư lợi.
Với việc nhiều vụ đại án sẽ được lần lượt đưa ra xét xử, rồi đây sẽ còn nhiều cựu quan chức sẽ phải đứng trước tòa, trong đó có những người như ông Vũ Huy Hoàng, Nguyễn Đức Chung…., rất có thể sẽ lại có những giọt nước mắt rơi, những lời xin lỗi Đảng, xin lỗi nhân dân được đưa ra.
Đó chắc hẳn sẽ là bài học để những người đang được Đảng và nhân dân giao phó trách nhiệm lấy đó tự răn mình, rằng cần tu tâm dưỡng tính, suy ngẫm thật kỹ trước khi định làm việc gì đó, nếu không muốn có ngày phải rơi lệ trước tòa.
Theo Tuấn Dũng – Báo giao thông
https://www.baogiaothong.vn/quan-chuc-va-nhung-giot-nuoc-mat-o-toa-d479964.html