Mỗi đơn vị, cơ quan Quân đội là một “pháo đài kiên cố” chống dịch
Những ngày qua, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến rất phức tạp, nguy hiểm, gây nhiều hậu quả nặng nề và hệ lụy khó lường trên nhiều lĩnh vực của đời sống xã hội. Đại tướng Lương Cường, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam nhấn mạnh, với mục tiêu bảo vệ sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, trước hết, Quân đội ta phải hoàn thành tốt nhiệm vụ huấn luyện, sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ), giữ vững vai trò nòng cốt trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN, đồng thời phải tiếp tục khẳng định vai trò là một trong những lực lượng nòng cốt, tiên phong trong cuộc chiến phòng chống dịch (PCD) COVID-19.
Hiện nay, toàn quân triển khai hơn 1.900 tổ, chốt PCD với trên 13.000 người tiến hành tuần tra, kiểm soát chặt chẽ trên biên giới, cửa khẩu, đường mòn, lối mở, trên biển, ngăn chặn xuất, nhập cảnh trái phép; phối hợp với địa phương tổ chức gần 5.000 tổ, chốt phòng dịch với sự tham gia của trên 22.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ tại các địa bàn có dịch; triển khai 190 điểm cách ly với hơn 270.000 người (hiện có 93 điểm đang tổ chức cách ly với trên 11.000 người); tổ chức 7 bệnh viện dã chiến với hàng nghìn bác sĩ, nhân viên quân y; chủ động phối hợp, liên kết nghiên cứu, thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 mang thương hiệu Việt Nam bước đầu có kết quả tốt…
Theo đó, các cơ quan, đơn vị toàn quân phải làm tốt công tác dự báo, chủ động xây dựng các phương án, kế hoạch SSCĐ, huấn luyện, hoạt động công tác Đảng, công tác chính trị phù hợp với tình hình thực tế của từng cấp độ dịch; chú ý đề phòng trường hợp “bão lũ, thiên tai chồng lên dịch”. Các doanh nghiệp quân đội chủ động triển khai hoạt động sản xuất, kinh doanh bảo đảm phù hợp với quy định PCD, đồng thời tích cực tham gia sản xuất, cung ứng các mặt hàng thiết yếu, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, phục vụ công cuộc phát triển đất nước.
“Trong mọi tình huống, cán bộ phải nêu gương trước cấp dưới và chiến sĩ, quân nhân phải nêu gương trước nhân dân và cộng đồng xã hội. Việc nêu gương được thể hiện rõ từ ý thức, hành vi phòng dịch đến thái độ, trách nhiệm chống dịch, thể hiện ở việc chấp hành nghiêm các nghị quyết, chỉ thị, quy định PCD và tinh thần “sống chung an toàn với dịch”; phấn đấu mỗi địa bàn đóng quân trở thành khu vực phòng thủ vững chắc, an toàn không để dịch xâm nhập, lây lan; mỗi đơn vị, cơ quan trong Quân đội phải là những “pháo đài kiên cố” chống lại sự lây nhiễm dịch bệnh, thể hiện rõ tinh thần phòng dịch tốt, giúp đỡ nhân dân hiệu quả, từng bước kiểm soát, tiến tới đẩy lùi dịch bệnh; đồng thời, tích cực vận động, hướng dẫn nhân dân thực hiện nghiêm các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, của cấp ủy, chính quyền địa phương về PCD; huy động các lực lượng xã hội cùng tham gia một cách hiệu quả”, Đại tướng Lương Cường nhấn mạnh.
Khi tham gia PCD, cán bộ, chiến sĩ toàn quân cần làm tốt hơn nữa công tác dân vận, giúp nhân dân phòng, chống và khắc phục hậu quả do dịch COVID-19 gây ra. Trên cơ sở đó, toàn quân tiếp tục triển khai thực hiện chủ trương kết hợp giữa việc cơ động lực lượng thực hiện nhiệm vụ PCD với tiến hành công tác dân vận trên từng địa bàn một cách bài bản, thiết thực, hiệu quả. Càng trong khó khăn, gian khổ, bộ đội càng phải gần dân, sát dân, nghe dân nói, làm dân tin, xứng đáng là chỗ dựa vững chắc cho cấp ủy, chính quyền và người dân trên địa bàn đóng quân và địa bàn PCD.
Đại tướng Lương Cường chỉ đạo: “Các cấp ủy, cơ quan, đơn vị, đội ngũ chính ủy, chính trị viên, người chỉ huy các cấp cần chú trọng làm tốt hơn nữa công tác hậu phương quân đội. Một mặt phải kịp thời động viên, chăm lo đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ đang ở tuyến đầu chống dịch; mặt khác, phải hết sức quan tâm, chăm lo đời sống hậu phương quân đội để cán bộ, chiến sĩ thật sự yên tâm tư tưởng, dành hết tâm huyết, trí tuệ, đề cao trách nhiệm tham gia PCD… Cần kết hợp chặt chẽ giữa công tác tư tưởng, công tác chính sách và chăm lo hậu phương quân đội một cách nhuần nhuyễn, kịp thời; phát huy sức mạnh của các lực lượng, nhất là sự phối hợp chặt chẽ giữa đơn vị quân đội với cấp ủy, chính quyền địa phương nơi gia đình quân nhân sinh sống để nâng cao chất lượng các mặt công tác nêu trên”.
“Quyết tâm” và “xin hứa”
Đại tướng Phan Văn Giang, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng cho biết, hiện Quân đội sẵn sàng triển khai lực lượng theo chỉ đạo của Thủ tướng và theo yêu cầu của các tỉnh, thành; trong đó có lực lượng y bác sĩ điều trị; tham gia vận chuyển, cung ứng hàng hóa tới người dân… Bộ Quốc phòng sẽ phối hợp với các bộ ngành làm việc trực tiếp, cụ thể với từng địa phương để tính toán phương án chi tiết cung ứng hàng hóa cho người dân. Cố gắng cao nhất để đáp ứng các yêu cầu “muôn hình vạn trạng” trong thực tiễn.
Trước đó, Bộ Quốc phòng đã chỉ đạo thành lập 7 bệnh viện dã chiến truyền nhiễm để tiếp nhận, điều trị bệnh nhân mắc COVID-19 trên địa bàn phía Nam. Theo Cục Quân y, tại TP HCM, lực lượng quân y tham gia chống dịch hiện có hơn 2.000 cán bộ, y bác sĩ, nhân viên…
Từ ngày 21 đến 23/8, dự kiến sẽ có thêm 1.000 cán bộ, nhân viên quân y và các trang thiết bị được vận chuyển vào Nam chống dịch theo đường hàng không. Những ngày qua, gần 300 y bác sĩ, học viên Học viện Quân y đã lên đường vào miền Nam chi viện cho cuộc chiến chống dịch COVID-19.
Đoàn được tổ chức thành 60 tổ quân y lưu động với quân số 295 y bác sĩ, học viên. Trong đó 113 bác sĩ, 2 cán bộ, 180 học viên năm thứ tư. Nhiệm vụ chính khi vào hỗ trợ các tỉnh phía Nam là tổ chức lấy mẫu xét nghiệm, tiêm phòng vắc xin, quản lý, điều trị, chăm sóc sức khỏe ban đầu các bệnh thông thường; quản lý, chăm sóc các trường hợp F0, cách ly, điều trị tại gia đình. Phối hợp vận chuyển, chuyển tuyến khi có yêu cầu và thực hiện các nhiệm vụ khác khi được giao.
Trung tướng Đỗ Quyết, Giám đốc Học viện Quân y cho biết, khi dịch lan rộng ở TP HCM, Học viện Quân y đã triển khai ngay 5 tổ xét nghiệm, 1 trung tâm xét nghiệm lớn phát hiện những ca bệnh để sàng lọc kịp thời. Ngày 23/7, Học viện đã cử 100 sinh viên lên đường chi viện cho bệnh viện dã chiến 5D tại Bình Dương. Lần này nhiệm vụ sẽ không chỉ lấy mẫu mà sẽ xuống chăm sóc bệnh nhân tại nhà, tại khu phố và làm bất cứ nhiệm vụ gì người dân yêu cầu. Vì vậy, ông yêu cầu phải phát huy tinh thần trách nhiệm, kiến thức đã được học để phục vụ người dân.
Để thể hiện lòng quyết tâm, trước khi lên đường, gần 300 y bác sĩ, học viên đã đồng lòng hô to khẩu hiệu 3 lần “xin hứa”, 3 lần “quyết tâm”.
Trước diễn biến dịch COVID-19 tại TP HCM vẫn đang rất phức tạp và có khả năng lây lan nhanh, TP HCM đề xuất Quân khu 7 hỗ trợ quân nhân, bác sĩ giúp thành phố chống dịch. Theo đó, Tổ Điều phối nguồn nhân lực đề xuất 2.060 nhân viên quân y, gồm 400 bác sĩ, 1.600 nhân viên y tế khác, 30 lái xe cứu thương và 30 nhân viên y tế theo xe. Đồng thời, kiến nghị hỗ trợ thêm 4.000 cán bộ, chiến sĩ của các đơn vị chủ lực thuộc Bộ Tư lệnh Quân khu 7 và 30 xe cứu thương… tham gia chống dịch.
Việc đề xuất này, theo Tổ điều phối nhân lực, nhằm giúp thành phố đẩy nhanh tiến độ kiểm soát dịch bệnh theo chỉ đạo tại Nghị quyết 86 của Chính phủ. Ngày 19/8, Cục Hậu cần Quân khu 7 đã có văn bản yêu cầu các Bộ chỉ huy quân sự Bình Thuận, Lâm Đồng, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa – Vũng Tàu và các sư đoàn, lữ đoàn thuộc quân khu rà soát lại lực lượng quân y, điều động 2/3 lực lượng này đến TP HCM để tham gia chống dịch.
TP HCM cũng giao Bộ Tư lệnh TP HCM, Công an, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng thành phố thành lập khoảng 200 đội công tác đặc biệt để kiểm soát việc thực hiện giãn cách, hỗ trợ lương thực, thực phẩm đến tận tay người dân; 400 trạm y tế lưu động tại các phường, xã có nhiều F0; xét nghiệm nhanh và RT-PCR toàn bộ các hộ dân trong “vùng đỏ”; bổ sung thêm một số đối tượng nguy cơ cao… Thành phố đề nghị hỗ trợ thêm hàng ngàn cán bộ y tế, hàng trăm đội lấy mẫu, xét nghiệm; một số xe xét nghiệm lưu động… Với tốc độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 hiện nay, đến cuối tháng 8 TP có thể đạt tỷ lệ 70% dân số được tiêm vắc xin.
Theo thông tin từ Bộ Tư lệnh TP HCM, kể từ khi dịch bùng phát đến nay, hơn 30.000 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ trực thuộc đã tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch COVID-19 trên địa bàn thành phố.
Với 5 huyện, thành phố được xác định là “vùng đỏ”, Đồng Nai đã huy động gần 11.000 cán bộ, chiến sĩ công an, quân đội tham gia các hoạt động phòng, chống dịch… Trong 2 tuần tới, tỉnh quyết tâm để bóc tách cho hết F0 ra khỏi cộng đồng.
Sư đoàn 5, Quân khu 7 chi viện TP HCM chống dịch
Sáng 22/8, Sư đoàn 5, Quân khu 7 đã tổ chức lễ xuất quân hỗ trợ nhân dân TP HCM phòng chống dịch COVID-19, với tâm thế “đâu có giặc là ta cứ đi”.
Trận chiến chống COVID-19 tại TP HCM đang bước vào giai đoạn quyết liệt nhất. Thực hiện Chỉ thị 660 của Thường vụ Đảng uỷ, Bộ Tư lệnh Quân khu về việc mở chiến dịch cao điểm giúp dân vượt qua đại dịch và chấp hành công điện khẩn của Tư lệnh Quân khu, gần 2.000 cán bộ, chiến sĩ của Sư đoàn 5, sáng nay đã gấp rút lên đường tiến thẳng vào tâm dịch hỗ trợ nhân dân TP HCM chống dịch COVID-19.
Phát biểu tại buổi lễ Thượng tá Lê Xuân Bình Sư đoàn trưởng Sư đoàn 5 khẳng định: “Đây được xem là nhiệm vụ “chiến đấu” của đơn vị trong thời bình, không những là niềm vinh dự to lớn đối với Sư đoàn mà còn là nghĩa cử cao đẹp, trách nhiệm của mỗi cán bộ, chiến sĩ đối với đất nước và nhân dân Thành phố mang tên Bác Hồ kính yêu. Vì sức khỏe, tính mạng của nhân dân là trên hết, với quyết tâm sắt đá, bằng mọi giá phải giúp Nhân dân vượt qua hiểm nguy, phòng chống hiệu quả dịch bệnh COVID-19”.