Trong đó, đáng chú ý là Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi) đã bổ sung nhiều quy định nhằm ngăn ngừa tình trạng sở hữu chéo, thao túng, chi phối tổ chức tín dụng.
Đầu tiên là quy định giảm tỷ lệ sở hữu cổ phần nhằm tăng số lượng các cổ đông, tăng tính đại chúng cũng như đa dạng hóa cơ cấu cổ đông của các tổ chức tín dụng. Theo Điều 63, một cổ đông cá nhân không được sở hữu cổ phần vượt quá 5% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng; một cổ đông tổ chức không được sở hữu cổ phần vượt quá 10% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng. Đồng thời, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần vượt quá 15% vốn điều lệ của tổ chức tín dụng. Cổ đông lớn của một tổ chức tín dụng và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu cổ phần từ 5% vốn điều lệ trở lên của một tổ chức tín dụng khác. Cùng với đó, cổ đông sở hữu từ 1% vốn điều lệ trở lên sẽ phải thực hiện cung cấp thông tin và tổ chức tín dụng phải công bố công khai thông tin của các cổ đông này để bảo đảm minh bạch (Điều 49).
Thứ hai, Luật quy định theo hướng giảm giới hạn cấp tín dụng cho một khách hàng và người có liên quan với lộ trình cụ thể, nhằm hạn chế rủi ro tập trung vốn tín dụng cho một khách hàng và nhóm khách hàng lớn, ngăn chặn cho vay “sân sau” (Điều 136). Ngay từ ngày 1.7.2024, thời điểm Luật có hiệu lực thi hành, đến hết năm 2025, tổng dư nợ cấp tín dụng không được vượt quá 14% vốn tự có đối với một khách hàng; 23% vốn tự có đối với một khách hàng và người có liên quan của khách hàng. Trong năm 2026, các tỷ lệ này lần lượt là 13% và 21%; năm 2027 là 12% và 19%; năm 2028 là 11% và 17%; từ năm 2029 là 10% và 15%.
Thứ ba, Luật mở rộng đối tượng không được đảm nhiệm chức vụ, không cùng đảm nhiệm chức vụ (Điều 43) và điều chỉnh tiêu chuẩn, điều kiện đối với người quản lý, người điều hành (Điều 41). Điều này nhằm bảo đảm tính độc lập của thành viên độc lập cũng như hạn chế trường hợp thao túng, chi phối khi điều chỉnh quy định về không cùng đảm nhiệm chức vụ đối với thành viên độc lập.
Có thể nói, những quy định trên đây đã góp phần hoàn thiện cơ sở pháp lý nhằm ngăn ngừa sở hữu chéo. Vậy nhưng, sở hữu chéo hay thao túng ngân hàng bản chất rất phức tạp. Nếu nhìn trên giấy tờ, nhiều cổ đông sở hữu thấp hơn tỷ lệ cho phép nhưng thực tế họ vẫn nắm quyền chi phối. Những trường hợp sai phạm vừa qua cho thấy, tỷ lệ sở hữu thực sự của những chủ thể này cao hơn rất nhiều so với quy định thông qua các công ty con, công ty liên kết hoặc các cá nhân đứng tên đó. Đồng thời, những hệ lụy đang tồn tại có nguyên nhân chủ yếu nằm ở việc giám sát sự thực thi pháp luật trong ngăn chặn sở hữu chéo, khi mà sự liên quan giữa doanh nghiệp và ngân hàng thương mại đang rất rõ ràng, tại sao trên sổ sách lại không ghi nhận!
Vì vậy, sửa đổi pháp luật để phù hợp thực tiễn rất cần thiết nhưng để ngăn chặn sở hữu chéo thì cần phải bảo đảm hiệu quả trong thực thi quy định pháp luật. Bên cạnh những quy định cụ thể tại Luật – mà Chính phủ cần sớm tuyên truyền, phổ biến và xây dựng các văn bản quy định chi tiết thi hành thì Chính phủ cần chỉ đạo tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, giám sát ngân hàng nhằm kịp thời phát hiện những hành vi cố tình “lách” các quy định về sở hữu cổ phần, về người có liên quan, hoặc xác định các quan hệ giữa cổ đông lớn của tổ chức tín dụng với các doanh nghiệp “sân sau”. Đồng thời, chỉ đạo hoàn thiện cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, hệ thống thông tin của cơ sở dữ liệu đăng ký doanh nghiệp để minh bạch hóa thông tin về cá nhân, doanh nghiệp có liên quan đến hoạt động ngân hàng.