Chốt 4 nhóm vấn đề chất vấn
Thông tin cụ thể về nhóm vấn đề chất vấn, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ, đối với nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực xây dựng, phiên chất vấn sẽ tập trung vào các nội dung: Thực trạng, giải pháp nâng cao chất lượng quy hoạch và quản lý phát triển đô thị của Việt Nam, nhất là ở các thành phố lớn; Việc di dời trụ sở bộ, ngành khỏi nội đô thành phố Hà Nội; Quản lý thị trường bất động sản; Việc xử lý các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật trong hoạt động giao dịch, huy động vốn, kinh doanh bất động sản; Việc xây dựng nhà ở xã hội cho người có thu nhập thấp, công nhân lao động, nhất là tại các khu kinh tế, khu công nghiệp và các thành phố lớn; Trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Xây dựng trong xây dựng, ban hành, thực hiện các tiêu chuẩn kỹ thuật, đơn giá, định mức trong xây dựng cơ bản, việc kiểm soát giá và bảo đảm nguồn nguyên, vật liệu để xây dựng các công trình, dự án, nhất là các dự án quan trọng quốc gia.
Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Thanh Nghị. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Giao thông vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Lao động – Thương binh và Xã hội, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Đối với nhóm vấn đề thứ 2 thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông, phiên chất vấn sẽ tập trung vào các nội dung: việc ứng dụng công nghệ thông tin vào quản lý nhà nước, xây dựng Chính phủ số, chính quyền số, công tác xây dựng, kết nối, chia sẻ, khai thác các cơ sở dữ liệu quốc gia; Việc tiếp cận thông tin và phát triển nguồn nhân lực công nghệ thông tin tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; Việc quản lý các thuê bao, đầu số của các nhà mạng; công tác kiểm tra, quản lý các trang mạng, trang thông tin điện tử và các nền tảng trực tuyến khác, việc xử lý các cá nhân, tổ chức có hành vi đăng tải thông tin xuyên tạc, sai sự thật trên các trang thông tin điện tử, thu thập, mua bán trái phép dữ liệu thông tin cá nhân.
Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng. Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Nội vụ, Công an, Tư pháp, Khoa học và Công nghệ, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Đối với nhóm vấn đề thứ 3 thuộc lĩnh vực nội vụ, phiên chất vấn sẽ tập trung vào các nội dung: Việc sắp xếp tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế, cơ cấu lại các đơn vị sự nghiệp công lập, xây dựng hệ thống vị trí việc làm gắn với cơ cấu lại đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và việc triển khai thực hiện cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, việc ban hành các văn bản thực hiện quy định của Bộ luật Lao động về tuổi nghỉ hưu đối với cán bộ, công chức, viên chức; Giải pháp nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, nhất là công tác tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, nhận xét, đánh giá, xử lý vi phạm; Nguyên nhân, giải pháp trước tình trạng công chức, viên chức nghỉ việc gia tăng trong thời gian gần đây, nhất là lĩnh vực, vị trí địa bàn đông dân cư, chịu nhiều áp lực công việc (như viên chức y tế…), việc bảo đảm biên chế cho ngành giáo dục, đáp ứng yêu cầu dạy – học; Giải pháp giải quyết những vấn đề khó khăn, bất cập của đội ngũ cán bộ, công chức cấp xã và người hoạt động không chuyên trách ở cấp xã, thôn, tổ dân phố (về số lượng người làm việc, về chế độ, chính sách…), nhất là công chức cấp xã dôi dư sau sắp xếp.
Người trả lời chất vấn là Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà. Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Giáo dục và Đào tạo, Y tế, Lao động – Thương binh và Xã hội cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Đối với nhóm vấn đề thứ 4 thuộc lĩnh vực thanh tra, phiên chất vấn sẽ tập trung vào các nội dung: Nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động thanh tra, kịp thời phòng ngừa, ngăn chặn vi phạm pháp luật; Biện pháp xử lý, thu hồi tài sản sau thanh tra, việc xử lý đối với tập thể, cá nhân vi phạm, nhất là những nơi để xảy ra vi phạm pháp luật nghiêm trọng; Công tác tuyên truyền, giáo dục về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực; Giải pháp tăng cường phòng, chống tham nhũng, tiêu cực trong hoạt động thanh tra; Giải pháp ngăn chặn, xử lý nghiêm và thu hồi tài sản tham nhũng để tạo lòng tin trong Nhân dân; Công tác phối hợp và giải pháp khắc phục chồng chéo, trùng lắp trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, kiểm toán.
Người trả lời chất vấn là Tổng Thanh tra Chính phủ Đoàn Hồng Phong. Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và Bộ trưởng các Bộ: Tài chính, Công an, Tư pháp; Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.
Chuẩn bị sớm hơn, kỹ lưỡng hơn
Trao đổi về công tác chuẩn bị cho phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Kỳ họp thứ Tư, Tổng Thư ký Quốc hội Bùi Văn Cường nhấn mạnh, thực hiện phương châm “từ sớm từ xa” của Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, công tác chuẩn bị đã được tiến hành sớm hơn rất nhiều so với các kỳ họp trước đây.
Cụ thể, theo chương trình, phiên chất vấn sẽ bắt đầu từ chiều 3.11 nhưng ngay từ ngày 4.10.2022, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Chủ tịch Quốc hội và Phó Chủ tịch Quốc hội phụ trách lĩnh vực về chuẩn bị tổ chức chất vấn và dự kiến nhóm vấn đề chất vấn tại Kỳ họp thứ Tư trên cơ sở tổng hợp từ các ý kiến đề xuất của các vị đại biểu Quốc hội bởi từ ngày 21.9.2022, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản gửi xin ý kiến đại biểu Quốc hội về nội dung, lĩnh vực chất vấn. Chính vì thế, ngay sau ngày khai mạc Kỳ họp, Tổng Thư ký Quốc hội đã có văn bản gửi xin ý kiến đại biểu về báo cáo tổng hợp ý kiến đại biểu Quốc hội nhóm vấn đề chất vấn. Trên cơ sở tổng hợp các nguồn thông tin liên quan và tiêu chí lựa chọn nhóm vấn đề chất vấn và dự kiến chương trình kỳ họp, 6 nhóm vấn đề chất vấn đã được Tổng thư ký Quốc hội gửi xin ý kiến Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Ban thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
“6 nhóm vấn đề đề xuất chất vấn đã được tổng hợp, lựa chọn kỹ lưỡng trên cơ sở thống kê hoạt động chất vấn và tập hợp nội dung chất vấn trong nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XV; đề xuất chất vấn của Đoàn đại biểu Quốc hội tại Kỳ họp thứ Tư; ý kiến, kiến nghị của cử tri gửi đến Kỳ họp thứ Tư qua Báo cáo của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam; những vấn đề nổi lên qua báo cáo của Chính phủ, báo cáo thẩm tra của Ủy ban Kinh tế của Quốc hội về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế – xã hội”, Tổng Thư ký Quốc hội nêu rõ.
Tiếp đó, 6 nhóm vấn đề này đã được trình xin ý kiến Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chọn 5 nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn. Trên cơ sở 5 nhóm vấn đề này, ngay trong ngày khai mạc Kỳ họp, 20.10, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có văn bản xin ý kiến đại biểu Quốc hội để bỏ phiếu lựa chọn quyết định 4 nhóm vấn đề chất vấn và người trả lời chất vấn chính thức tại Kỳ họp.
“Ngay trong chiều nay, 25.10, Tổng Thư ký Quốc hội đã có công văn gửi Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ thông báo nội dung, chương trình cụ thể phiên chất vấn để Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ báo cáo Thủ tướng Chính phủ phân công các thành viên Chính phủ tham dự phiên chất vấn, chỉ đạo các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ phụ trách 4 lĩnh vực chuẩn bị báo cáo. Công văn cũng yêu cầu rõ thời hạn gửi báo cáo đến các đại biểu Quốc hội chậm nhất vào 15h30, thứ Bảy, ngày 29.10.2022. Với việc triển khai sớm như vậy, các đại biểu Quốc hội sẽ có đủ thời gian để nghiên cứu kỹ lưỡng báo cáo của các bộ trưởng, trưởng ngành, trên cơ sở đó tiếp tục chất vấn làm rõ các nội dung, làm rõ trách nhiệm và giải pháp để tạo chuyển biến thực sự trong các lĩnh vực này, đồng thời có thời gian để các cơ quan chuẩn bị nghị quyết về trả lời chất vấn kỹ lưỡng, chất lượng hơn”, Tổng Thư ký Quốc hội nhấn mạnh.