Theo đó, có tổng số 1.541 lượt ý kiến đóng góp, hầu hết các ý kiến đều nhất trí cao với nội dung các dự thảo văn kiện và cho rằng chủ đề Đại hội đã thể hiện đầy đủ các thành tố và ý chí phấn đấu, khát vọng đưa đất nước phát triển nhanh và bền vững. Tuy nhiên, có ý kiến đề nghị bổ sung cụm từ “Nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng” vào trước cụm từ “Tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng…”.
Về định hướng nhiệm vụ, giải pháp xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, nâng cao năng lực lãnh đạo, cầm quyền của Đảng, một số ý kiến đề nghị cần phát huy yếu tố văn hóa truyền thống trong công cuộc phòng, chống tham nhũng, quan tâm đến giáo dục đạo lý, nhân cách con người.
Các ý kiến cũng bày tỏ sự đồng tình và nhất trí cao đối với sáu nhiệm vụ trọng tâm và ba đột phá chiến lược trong nhiệm kỳ Đại hội XIII. Nhưng ở khâu đột phá thứ hai về phát triển nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao, có ý kiến đề xuất bổ sung nội dung “Ưu tiên phát triển nguồn nhân lực cho hệ thống y tế”.
Đồng thời, tại khâu đột phá thứ ba, nhiều ý kiến đề nghị bổ sung thêm nội dung: “Ưu tiên phát triển hạ tầng ứng phó biến đổi khí hậu; xử lý ô nhiễm môi trường, phòng chống dịch bệnh và thiên tai”.
Liên quan đến công tác xây dựng Đảng nhiệm kỳ Đại hội XIII, hầu hết ý kiến đều nhất trí với các nhóm nhiệm vụ, giải pháp nêu trong dự thảo Báo cáo chính trị là phù hợp, sát với yêu cầu. Nhiều ý kiến đề nghị nhấn mạnh hơn nữa việc tiếp tục phát huy mạnh mẽ vai trò lãnh đạo của Đảng trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực, quan liêu và suy thoái tư tưởng, đạo đức, lối sống của cán bộ, đảng viên, nhất là đối với cán bộ giữ chức vụ cao trong Đảng; phải xử lý nghiêm minh đối với trường hợp sai phạm.
Bên cạnh đó, có ý kiến cho rằng, trong việc xây dựng, chỉnh đốn Đảng trong sạch, vững mạnh, dự thảo Báo cáo chính trị phần lớn chỉ đưa ra nội dung nhiệm vụ, chủ trương, ít đề ra các giải pháp tương ứng cho các nhiệm vụ được đặt ra.
Để nhiệm kỳ Đại hội Đảng lần thứ XIII đạt nhiều kết quả cao, một số ý kiến đề xuất Trung ương cần ban hành các chủ trương, biện pháp quyết liệt hơn để ngăn chặn hiệu quả tình trạng tham nhũng, lãng phí nhằm tạo chuyển biến mạnh mẽ hơn trong việc khắc phục hạn chế mà dự thảo Báo cáo chính trị của Trung ương đã đánh giá. Ngoài ra, Trung ương sớm tổng kết, đánh giá việc thực hiện thí điểm các mô hình sắp xếp bộ máy; qua đó, triển khai nhân rộng những mô hình điển hình, có hiệu quả.
Ông Lữ Văn Hùng – Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Bạc Liêu – kiến nghị, trong nhiệm kỳ tới, Trung ương nên xem xét, ban hành Quy định phân biệt rõ việc vi phạm tư cách, đạo đức, nhiệm vụ của đảng viên theo Điều lệ Đảng với việc vi phạm pháp luật; xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm và kiên quyết ngăn chặn, đẩy lùi, chấm dứt tình trạng “chạy chức”, “chạy quyền”. Chỉ đạo chặt chẽ công tác cán bộ, nhất là việc tuyển chọn công chức, viên chức, tránh tình trạng lợi dụng chức vụ, quyền hạn đưa người thân vào cơ quan Nhà nước.
Đồng thời, ông Hùng kiến nghị Trung ương tập trung ưu tiên cho phát triển vùng đồng bào dân tộc, ven biển, biên giới, hải đảo; đẩy mạnh các hoạt động kết hợp kinh tế với quốc phòng – an ninh trên các địa bàn có ý nghĩa chiến lược, vùng biên giới, ven biển, hải đảo của Tổ quốc.
Trong công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật Đảng, Trung ương nên có quy định cấp nào kiểm tra thì cấp đó xác định, quyết định hình thức kỷ luật và chịu trách nhiệm về quyết định của mình. Có quy định chế tài cụ thể, nghiêm khắc đối với người đứng đầu khi vi phạm.