Giữa tháng 11/2021, Phòng Cảnh sát môi trường Công an tỉnh Tây Ninh phục kích, bắt quả tang năm tàu đang bơm hút cát trái phép với tổng khối lượng khoảng 105 m3 cát tại khu vực ngã ba Suối Bà Chiêm, thuộc xã Tân Hòa (huyện Tân Châu). Ngày 27/10, Công an huyện Ba Vì (TP Hà Nội) khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can và tạm giam đối với bốn đối tượng gồm: An Ngọc Phương, Bùi Văn Hùng, Hà Quốc Hội và Nguyễn Ðắc Trà về tội “Vi phạm quy định khai thác tài nguyên”, quy định tại Ðiều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Ðây là các đối tượng bị bắt quả tang khi đang hoạt động khai thác cát trái phép trên sông Ðà (thuộc địa phận xã Khánh Thượng, huyện Ba Vì). Tại thời điểm kiểm tra, lực lượng chức năng phát hiện trên tàu có chứa khoảng 105 m3 cát. Ngày 25/6, Tòa án nhân dân tỉnh Sóc Trăng mở phiên tòa xét xử và tuyên án một năm tù đối với bị cáo Nguyễn Văn Ðương (sinh năm 1961, xã Tân Phước, huyện Tân Hồng, tỉnh Ðồng Tháp) về tội vi phạm quy định về khai thác tài nguyên. Trước đó, tháng 9/2020, đối tượng Ðương điều khiển ghe gỗ đến tuyến sông Hậu để tiến hành bơm, hút cát trái phép thì bị bắt quả tang.
Thời gian vừa qua, tại các địa phương, liên tiếp xảy ra các vụ khai thác cát lòng sông trái phép. Một số cán bộ cảnh sát hình sự, cảnh sát giao thông đường thủy tại các địa phương cho biết, do hoạt động xây dựng tăng mạnh, trong khi việc khai thác cát, sỏi cho thu nhập cao hơn so với làm nông khiến một số cá nhân cố tình khai thác trái phép. Ngoài ra, công tác quản lý tại một số địa phương chưa thật sự chặt chẽ, dẫn đến không chỉ khai thác trái phép mà tại một số nơi còn để các bãi tập kết cát, sỏi không đúng quy hoạch hoạt động. Việc phối hợp các lực lượng trên địa bàn để giải tỏa, ngăn chặn hoạt động khai thác khoáng sản trái phép chưa thường xuyên và chưa có phương án xử lý triệt để. Thủ đoạn khai thác cũng ngày càng tinh vi, gây khó khăn cho công tác phát hiện xử lý. Các đối tượng thường lợi dụng đêm tối, sông lớn hoặc khu vực có nhiều nhánh sông nhỏ, giáp ranh giữa các địa phương để dễ trốn tránh khi bị phát hiện; sử dụng các phương tiện khai thác cát không neo đậu, vừa di chuyển vừa bơm, hút cát. Nhiều đối tượng tập trung thành nhóm, cử người canh gác để cảnh báo khi thấy lực lượng chức năng đi tuần tra…
Theo Nghị định số 23/2020/NÐ-CP ngày 24/2/2020 của Chính phủ quy định về quản lý cát, sỏi lòng sông và bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, mọi hành vi buôn bán, kinh doanh cát, sỏi lòng sông không có nguồn gốc hợp pháp được xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật về khoáng sản, pháp luật khác có liên quan. Thời gian được phép hoạt động khai thác trong ngày, từ 7 giờ đến 17 giờ, không được khai thác ban đêm; trong quá trình vận chuyển cát, sỏi trên sông, chủ phương tiện phải mang theo hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc của cát, sỏi là hợp pháp; thông tin, dữ liệu, sổ sách, chứng từ về khối lượng cát, sỏi đang vận chuyển; bên bán phải xuất hóa đơn cho bên mua theo quy định của pháp luật. Theo Ðiều 227 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), hành vi khai thác cát, sỏi không có giấy phép hoặc không đúng với nội dung trong giấy phép tùy theo mức độ, có thể bị xử phạt hành chính lên đến năm tỷ đồng và phạt tù mức cao nhất là bảy năm. Tuy nhiên, để ngăn chặn có hiệu quả hành vi khai thác cát, sỏi trái phép tại các khu vực sông, suối, các cơ quan có thẩm quyền cần có biện pháp vận động, tuyên truyền đến người dân theo hướng tích cực; nghiên cứu, sử dụng các vật liệu mới thay thế cát, sỏi; có thêm các chế tài xử phạt nghiêm minh hơn nữa… ■
theo Phan Ngọc – Báo nhân dân điện tử