Tuy nhiên, về lâu dài, mục tiêu hướng đến của ngành thủy sản không chỉ là gỡ “thẻ vàng” mà cần phát triển nghề cá một cách bền vững. Muốn vậy, cần tiếp tục hoàn thiện khung khổ pháp lý, đồng thời có các giải pháp để tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra.
Mạnh tay xử lý các tàu cá vi phạm
Theo lãnh đạo Tổng cục Thủy sản, từ khi EC áp “thẻ vàng” (về khai thác IUU), việc xử lý các vụ tàu cá Việt Nam khai thác hải sản tại các vùng biển nước ngoài đã được tăng cường và khá mạnh tay. Thống kê sơ bộ từ tháng 10-2019 đến tháng 12-2020, các địa phương đã xử phạt 2.468 vụ với tổng số tiền xử phạt 42,557 tỷ đồng.
Vụ trưởng Vụ Pháp chế thanh tra (Tổng cục Thủy sản) Vũ Thị Huệ cho biết: Một số địa phương như Bình Ðịnh, Bình Thuận, Kiên Giang, Cà Mau, Bến Tre đã tăng cường điều tra, xử phạt hành vi vi phạm vùng biển nước ngoài, vi phạm quy định về thiết bị VMS. Tuy nhiên, tỷ lệ các vụ việc được xử lý còn thấp so với tổng số vụ việc vi phạm tại các địa phương. Các vụ việc tàu cá vượt ranh giới trên biển, tàu cá lắp đặt thiết bị VMS nhưng mất kết nối, vi phạm về giấy phép khai thác, nhật ký khai thác, không khai báo ra, vào cảng, khai thác sai vùng… diễn ra phổ biến nhưng công tác điều tra chưa quyết liệt, xử lý chưa nghiêm; hầu hết mới nhắc nhở, tuyên truyền là chính. Công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị chức năng để xử lý vi phạm khai thác IUU qua dữ liệu VMS chưa chặt chẽ, đồng bộ.
Tại Bình Ðịnh, năm 2020, thông qua phần mềm hệ thống giám sát tàu cá tại trạm bờ, đã phát hiện và cảnh báo 317 lượt tàu (208 tàu) vượt ra ngoài vùng tự do đánh bắt của Việt Nam. Từ đầu năm 2021 đến nay, phát hiện và cảnh báo bảy lượt tàu (năm tàu) vượt ra ngoài vùng tự do đánh bắt của Việt Nam.
Tại Cà Mau, từ khi triển khai lắp đặt VMS, tình trạng tàu cá và ngư dân ở đây vi phạm vùng biển nước ngoài, khai thác hải sản trái phép đã giảm dần qua từng năm và các cơ quan chức năng của tỉnh cũng mạnh tay hơn đối với các trường hợp vi phạm. Gần nhất là vào cuối tháng 3-2021, ông Nguyễn Văn Dol, chủ tàu cá CM 95248 TS (ngụ tại ấp 5, xã Khánh Hội, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) bị UBND tỉnh Cà Mau ra quyết định xử phạt hơn một tỷ đồng vì có hành vi khai thác thủy sản tại vùng biển của quốc gia khác mà không có giấy phép. Trước đó, trung tâm giám sát hành trình Bộ đội Biên phòng tỉnh Cà Mau phát hiện tàu cá CM 95248 TS vi phạm vùng biển nước ngoài trong các ngày 10, 12 và 15-1-2021.
Ðể chủ động ngăn chặn tàu cá vi phạm vùng biển nước ngoài, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN và PTNT) tỉnh Phú Yên đã chỉ đạo Chi cục Thủy sản, Ban Quản lý cảng cá tỉnh phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ hoạt động của tàu cá trên biển, kịp thời trao đổi thông tin và xử lý nghiêm các tàu cá vi phạm theo quy định. Chú trọng việc kiểm tra, kiểm soát, giám sát chặt chẽ tàu cá ngay tại cảng cá; tổ chức cho các thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài…
Qua hệ thống giám sát tàu cá, cơ quan chức năng kịp thời thông báo cho chủ tàu và thuyền trưởng tàu cá có dấu hiệu vượt ranh giới cho phép khai thác trên biển lập tức đưa tàu trở lại vùng biển Việt Nam và nhắc nhở khi tàu về bờ. Nhờ đó, từ năm 2019 đến nay, không tàu cá nào của tỉnh Phú Yên vi phạm khai thác hải sản ở vùng biển nước ngoài.
Ngoài việc phối hợp với Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh theo dõi, kiểm soát, giám sát chặt chẽ tàu cá ngay tại cảng cá, Sở NN và PTNT Phú Yên còn chỉ đạo Chi cục Thủy sản phối hợp với các lực lượng: Cảnh sát giao thông đường thủy, Bộ đội Biên phòng, UBND các xã, phường, thị trấn ven biển tổ chức thanh tra, kiểm tra trên biển về khai thác IUU; bảo đảm trật tự an toàn giao thông và trật tự xã hội trong lĩnh vực khai thác thủy sản.
Theo Giám đốc Sở NN và PTNT Bình Ðịnh Trần Văn Phúc, biện pháp xử lý đối với các tàu cá bị cảnh báo được thực hiện rất mạnh tay như: Thông báo ngay cho chủ tàu, thuyền trưởng quay về vùng biển Việt Nam và không được vi phạm vùng biển nước ngoài; gửi danh sách đến UBND các xã, phường phối hợp với các Ðồn Biên phòng, các đơn vị liên quan tổ chức làm việc, xử lý đối với thuyền trưởng tàu vi phạm, yêu cầu ký cam kết không tái phạm ngay sau khi tàu về bờ; gửi danh sách cho Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh phối hợp xác minh, đề xuất xử lý từng trường hợp vi phạm cụ thể theo quy định; đưa các tàu cá bị cảnh báo vào danh sách tàu cá có nguy cơ cao vi phạm khai thác IUU để chỉ đạo các Ban quản lý cảng cá, các Tổ IUU của Chi cục Thủy sản, các đồn, trạm kiểm soát biên phòng trong tỉnh thực hiện kiểm tra 100% khi tàu xuất bến, về bến; đồng thời gửi danh sách cho các Sở NN và PTNT, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng các tỉnh phía nam đề nghị phối hợp chỉ đạo kiểm tra, kiểm soát chặt chẽ những tàu bị cảnh báo này.
Việc chính quyền địa phương và các cơ quan chức năng phối hợp triển khai quyết liệt các biện pháp chống khai thác IUU đã tạo được nhiều chuyển biến tích cực. Từ năm 2018 đến 2020, tỉnh Bình Ðịnh phát hiện 23 vụ tàu cá vi phạm khai thác hải sản xa bờ, đã xử phạt tổng số tiền 11 tỷ đồng. Từ đầu năm 2021 đến nay đã không còn những vi phạm này.
Khắc phục khó khăn về nhân lực
Một trong những vấn đề nổi lên trong quá trình thực hiện chống khai thác IUU và lâu dài hơn là thực hiện Luật Thủy sản năm 2017 là vấn đề khó khăn nhân lực. Tại Văn phòng đại diện thanh tra, kiểm tra, kiểm soát nghề cá tại cảng cá Ðông Tác – một trong những cảng cá chủ lực tại TP Tuy Hòa (Phú Yên), Thường trực Văn phòng Ðoàn Thượng Huỳnh cho biết, đây thực chất là “văn phòng IUU” đặt tại cảng cá này với chức năng chính là rà soát tàu rời cảng, cập cảng, lập sổ theo dõi tàu cá cập cảng bốc xếp thủy sản, tổ chức thu và kiểm tra 100% nhật ký khai thác (đối chiếu với VMS); theo dõi tình hình thiết bị VMS hoạt động của hàng nghìn con tàu đang hoạt động trên các ngư trường chính khu vực Nam Trung Bộ.
Tiếng là có lực lượng đa ngành tham gia, gồm ít nhất ba thành phần là Chi cục Thủy sản, cảng cá và Bộ đội Biên phòng nhưng hầu như thường trực tại Văn phòng chỉ có mình ông Huỳnh – chuyên viên Chi cục Thủy sản được biệt phái sang. Ông Huỳnh vừa phải làm chức năng quản lý đại diện cho văn phòng, vừa phải theo dõi tín hiệu từ hàng trăm tàu cá đang hoạt động trên các ngư trường, đồng thời phải xử lý hàng chục công việc không tên khác liên quan đến khai thác IUU… Theo ông Huỳnh, lực lượng văn phòng chuyên trách như này là quá mỏng, mỗi người chỉ trực tám tiếng/ngày cũng là quá sức chứ chưa nói làm liên tiếp 24 giờ trong ngày như quy định để theo dõi tàu cá qua hệ thống giám sát VMS…
Qua tìm hiểu thực tế, chúng tôi thấy việc thiếu nhân lực đang là vấn đề chung của các “văn phòng IUU” tại nhiều địa phương như: Bình Ðịnh, Phú Yên, Nghệ An…
Muốn gỡ “thẻ vàng”, phải xóa bỏ khai thác IUU
Việt Nam đã xây dựng và hoàn thiện khung khổ pháp lý bao gồm Luật Thủy sản năm 2017, hai nghị định của Chính phủ, một quyết định của Thủ tướng Chính phủ và một thông tư của Bộ NN và PTNT. Ðây là căn cứ để triển khai các nhiệm vụ chống khai thác IUU. Ðặc biệt, Việt Nam đã gia nhập và triển khai thực hiện Hiệp định về Biện pháp quốc gia có cảng nhằm ngăn chặn, chống lại khai thác bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định của FAO và Hiệp định Ðàn cá di cư của Liên hợp quốc. Ðây là những hiệp định quốc tế, giúp chúng ta quản lý và khai thác, chế biến, xuất khẩu sản phẩm khai thác từ biển một cách bền vững.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Ðình Luân cho rằng, để gỡ “thẻ vàng” của EC, bắt buộc chúng ta phải ngăn chặn, tiến tới xóa bỏ tình trạng khai thác IUU. Về lâu dài, cần phát triển nghề cá có trách nhiệm và hội nhập quốc tế. Ðây là chủ trương xuyên suốt của Ðảng và Nhà nước ta, đã được thể chế hóa thông qua Luật Thủy sản, là quyết tâm chính trị của Việt Nam trong việc giải quyết các kiến nghị của EC.
Trước thềm cuộc họp của Ban Chỉ đạo quốc gia về IUU lần thứ năm dự kiến vào tháng 6-2021 về công tác triển khai các giải pháp chống khai thác IUU, mới đây Bộ NN và PTNT đã có văn bản kiến nghị, đề xuất Thủ tướng Chính phủ một số giải pháp trọng tâm gồm: Thứ nhất, ưu tiên bố trí nguồn vốn đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021 – 2025 để đầu tư, nâng cấp hệ thống hạ tầng nghề cá ven biển, đặc biệt là hệ thống cảng cá chỉ định phục vụ cho công tác chứng nhận, xác nhận, truy xuất nguồn gốc sản phẩm thủy sản từ khai thác để xuất khẩu.
Thứ hai, tăng cường nguồn lực và củng cố hệ thống tổ chức, bộ máy quản lý thủy sản từ trung ương đến địa phương (Tổng cục Thủy sản, các cơ quan quản lý thủy sản cấp vùng và tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển) để đáp ứng yêu cầu chống khai thác IUU, phù hợp với mô hình quản lý thủy sản của các quốc gia ven biển; trong đó Tổng cục Thủy sản là cơ quan trung ương tham mưu cho Bộ NN và PTNT, Chính phủ quản lý nhà nước, chỉ đạo thực thi pháp luật thủy sản. Thứ ba, chỉ đạo UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển tập trung chỉ đạo quyết liệt hơn nữa trong công tác chỉ đạo, điều hành, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy đảng, chính quyền tại địa phương; trong đó ưu tiên bố trí kinh phí, phân bổ biên chế công chức, viên chức cho cơ quan quản lý thủy sản địa phương để đáp ứng yêu cầu thực thi pháp luật thủy sản tại địa phương, trọng tâm là nhiệm vụ chống khai thác IUU, gỡ “thẻ vàng” của EC. Ðặc biệt, chỉ đạo Bộ Quốc phòng tập trung nguồn lực để ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng tàu cá Việt Nam khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài.
Trên thực tế, thời gian qua, cùng với việc triển khai các giải pháp chống khai thác IUU, chúng ta đã có được những kết quả rất tích cực trong việc triển khai thực hiện Luật Thủy sản năm 2017. Tuy nhiên, để Luật Thủy sản năm 2017 thật sự phát huy tác dụng trong thực tế, các địa phương cần tiếp tục đẩy mạnh các biện pháp tuyên truyền đến ngư dân, đồng thời thực hiện nghiêm việc xử lý vi phạm, bảo đảm tính răn đe, giáo dục. Bên cạnh đó, các bộ, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất các giải pháp để khắc phục những khó khăn, vướng mắc đang đặt ra, nhất là khó khăn về nhân lực, đồng thời hoàn thiện khung khổ pháp lý, giúp phát triển nghề cá một cách bền vững.
Bảy giải pháp chống khai thác IUU
Theo Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Trần Ðình Luân, trong thời gian tới, cần thực hiện tốt bảy giải pháp để chống khai thác IUU: Một là, tiếp tục quán triệt, tổ chức thực hiện nghiêm túc, có kết quả các nhiệm vụ: triển khai Luật Thủy sản năm 2017 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật, các quy định liên quan về chống khai thác IUU.
Hai là, triển khai đồng bộ các giải pháp để ngăn chặn, chấm dứt tình trạng tàu cá địa phương vi phạm khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài.
Ba là, khẩn trương hoàn thành việc lắp đặt thiết bị giám sát hành trình tàu cá, tổ chức khai thác, vận hành, sử dụng có hiệu quả để theo dõi, giám sát tàu cá hoạt động trên biển, phục vụ cho công tác xử lý các hành vi khai thác IUU.
Bốn là, kiểm soát tàu cá ra vào cảng, kiểm soát sản lượng thủy sản bốc dỡ qua cảng bảo đảm theo chuỗi, đúng quy định phục vụ cho công tác truy xuất nguồn gốc thủy sản khai thác.
Năm là, tăng cường công tác điều tra, kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi khai thác IUU theo quy định tại Nghị định số 42/2019/NÐ-CP của Chính phủ.
Sáu là, rà soát, bố trí đủ nguồn nhân lực, kinh phí, hạ tầng nghề cá tại địa phương phục vụ cho công tác triển khai các nhiệm vụ chống khai thác IUU theo quy định.
Bảy là, gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp tại địa phương, kiểm điểm người thiếu tinh thần trách nhiệm trong việc thực hiện nhiệm vụ chống khai thác IUU tại địa phương theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại các Công điện số: 732/CÐ-TTg, 1275/CÐ-TTg và Chỉ thị số 45/CT-TTg.