Bổ sung hình thức xử lý khi chủ thể chịu sự giám sát không thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát
Dự thảo Luật đã bổ sung quy định bảo đảm việc thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát. Theo đó, Nghị quyết, kết luận việc thực hiện nghị quyết, kết luận giám sát phải được gửi đến người đứng đầu, cơ quan cấp trên của cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát; đăng tải trên cổng thông tin điện tử của cơ quan tiến hành giám sát, trên phương tiện thông tin đại chúng, trừ trường hợp phải bảo đảm bí mật nhà nước theo quy định của pháp luật.
ĐBQH Vũ Thị Liên Hương (Quảng Ngãi) cho rằng, các giải pháp nêu trên cơ bản kế thừa quy định hiện hành tại khoản 1, Điều 89, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. Trong khi đó, theo đại biểu, “việc có cơ chế hiệu quả để đảm bảo thực hiện nghiêm kết luận, kiến nghị
giám sát là một trong những vấn đề được đại biểu Quốc hội, đại biểu HĐND các cấp và cử tri quan tâm nhất hiện nay, nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của cơ quan dân cử”. Do đó, đại biểu đề nghị nghiên cứu, bổ sung các giải pháp mới để tăng cường theo dõi, đôn đốc, ràng buộc trách nhiệm của các cơ quan chịu sự giám sát, đảm bảo thực hiện đầy đủ, kịp thời, nghiêm túc các kết luận, kiến nghị giám sát.
ĐBQH Nguyễn Thị Ngọc Xuân (Bình Dương) cho biết, tại khoản 3, Điều 89, Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND hiện hành đã quy định: “Trường hợp cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đúng yêu cầu trong nghị quyết, kết luận, kiến nghị giám sát thì xử lý theo thẩm quyền hoặc kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý”, nhưng hầu như chưa thực hiện được do chưa có quy định chi tiết và chế tài cụ thể.
Thực tế vẫn còn nhiều kết luận, kiến nghị sau giám sát của cơ quan dân cử chậm hoặc không được thực hiện. Vì vậy, đại biểu kiến nghị giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội ban hành quy định cụ thể về trình tự, thủ tục thẩm quyền, thời gian kiến nghị và chủ thể giải quyết kiến nghị này để thực hiện cho hiệu quả.
ĐBQH Huỳnh Thị Phúc (Bà Rịa – Vũng Tàu) cho rằng, quy định trách nhiệm thực hiện kết luận, kiến nghị giám sát của chủ thể giám sát đối với các cơ quan, đơn vị chịu sự giám sát là cần thiết. Cơ quan, tổ chức, cá nhân chịu sự giám sát của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội phải thực hiện đầy đủ kết luận, kiến nghị giám sát, nếu không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ thì các chủ thể giám sát có quyền kiến nghị lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội để báo cáo Quốc hội xem xét và quyết định các biện pháp xử lý.
Bên cạnh đó, đại biểu đề xuất, cần bổ sung quy định về hình thức xử lý khi chủ thể chịu sự giám sát không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ các kết luận, kiến nghị giám sát. Nếu chỉ đề cập chung chung là xem xét trách nhiệm thì chưa rõ và khó thực hiện khi Luật được ban hành. Để đảm bảo có tính ràng buộc, nên bổ sung các hình thức xử lý vi phạm, như: xử lý về hành chính, bãi nhiệm hoặc quy trình xử lý cao hơn theo từng cấp độ vi phạm của chủ thể chịu sự giám sát.
Xây dựng cơ sở dữ liệu về giám sát của cơ quan dân cử
Dự thảo Luật cũng bổ sung quy định về ứng dụng công nghệ thông tin, số hóa trong hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND. ĐBQH Tô Ái Vang (Sóc Trăng) bày tỏ sự tán thành cao, vì đây là yêu cầu cấp thiết trong giai đoạn hiện nay.
Đại biểu nhận định, Quốc hội Khóa XIV, XV luôn coi trọng phát triển công nghệ thông tin. Đến nay, cơ sở hạ tầng công nghệ thông tin, hệ thống mạng máy tính đã phát huy được hiệu quả trong việc phục vụ các hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan thuộc Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hạn chế việc sử dụng văn bản giấy. Nhiều kho thông tin dữ liệu đã được xây dựng thường xuyên, được cập nhật, đảm bảo an ninh, an toàn. Các đại biểu Quốc hội và cán bộ, công chức đều được trang bị máy tính, kết nối và khai thác thông tin trong mạng nội bộ và internet.
Đặc biệt, mặc dù đại dịch Covid – 19 diễn ra hết sức phức tạp, nhưng trước yêu cầu quan trọng của đất nước, Quốc hội vẫn tiến hành họp trực tiếp kết hợp trực tuyến. Được biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Quốc hội số và đang quyết liệt chỉ đạo công tác chuyển đổi số trong hoạt động của các cơ quan của Quốc hội, trong đó có hoạt động giám sát.
Cùng với đó, HĐND các địa phương cũng rất chú trọng đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số để phục vụ hoạt động, đã trang bị máy tính bảng cùng với phần mềm ứng dụng cung cấp thông tin, tài liệu cho đại biểu. Trang thông tin điện tử cập nhật khá đầy đủ các văn bản pháp luật mới, đăng tải tin bài phản ánh các mặt hoạt động của Đoàn đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp. Xây dựng chuyên mục góp ý để thu thập ý kiến, kiến nghị của cử tri; phần mềm theo dõi, quản lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
Đại biểu cho biết, việc khai thác thông tin, soạn thảo, xử lý văn bản đến và đi, văn bản trình lãnh đạo ký, phát hành được thực hiện qua hệ thống quản lý văn bản điện tử eOffice. Ứng dụng này đã trở thành kho dữ liệu nội bộ, góp phần tiết kiệm chi phí hành chính, rất tiện lợi trong thông tin chuyển tài liệu đến đại biểu. Qua đó nâng cao chất lượng, hiệu quả trong công tác quản lý và tăng hiệu suất làm việc của HĐND các cấp, trong đó phục vụ tốt cho hoạt động giám sát.
Để thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ hơn nữa, thực hiện chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm về chuyển đổi số là “động lực quan trọng phát triển lực lượng sản xuất, hoàn thiện quan hệ sản xuất đưa đất nước bước vào kỷ nguyên mới”, đại biểu Tô Ái Vang đề nghị, cơ quan soạn thảo cần hướng dẫn cụ thể quy trình, thủ tục xây dựng cơ sở dữ liệu giám sát, bảo đảm đồng bộ, liên thông từ Quốc hội đến HĐND tỉnh, từ HĐND tỉnh đến HĐND cấp huyện, thị xã, thành phố và đến xã; phân công cụ thể cơ quan chịu trách nhiệm chính trong việc đảm bảo liên thông về dữ liệu giám sát giữa các cơ quan của Quốc hội và HĐND các cấp.
Đồng thời, thực hiện xây dựng cơ sở dữ liệu chung, sử dụng phần mềm để theo dõi, đôn đốc, giám sát kết quả thực hiện các nghị quyết, kết luận sau giám sát; công tác giải quyết kiến nghị của cử tri, công tác giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân.
“Công khai kết quả giám sát để cử tri, dư luận xã hội trực tiếp giám sát việc thực hiện. Vì thế, dự thảo luật nên xem xét có nên quy định mức độ công khai kết quả giám sát thông qua các phương tiện điện tử số hóa hay không, bởi lẽ do yêu cầu và tính chất của nội dung làm việc nên có lúc Quốc hội và HĐND họp riêng nội bộ”, đại biểu đề xuất.
ĐBQH Nguyễn Thị Sửu (Thừa Thiên Huế) cũng đề nghị phải xây dựng cơ sở dữ liệu về giám sát của cơ quan dân cử để tăng chất lượng quản trị và đồng bộ với cơ sở dữ liệu quốc gia sắp tới.