Sa thải nhiều quan chức vì tham nhũng tại các dự án du lịch

Cập nhật: 25/08/2020 09:58

Những người bị sa thải bao gồm thống đốc của 2 thành phố ven Biển Đỏ là Umluj và Al-Wajh, người đứng đầu bộ phận an ninh biên giới, một số sỹ quan chỉ huy địa phương và quan chức từ Bộ Nội vụ.

Quốc vương Salman ban hành Sắc lệnh Hoàng gia sa thải một số quan chức do vi phạm pháp luật trong Dự án Biển Đỏ. Ảnh: AFP

Theo Hãng Thông tấn Arab Saudi (SPA), những người này đang bị điều tra vì đã tạo điều kiện cho việc lấn chiếm đất đai của Chính phủ nằm trong các dự án du lịch đang được phát triển dọc theo bờ Biển Đỏ ở AlUla (vùng đất đầu tiên của Ả Rập Xê Út có di sản thế giới được UNESCO công nhận vào năm 2008) và khu nghỉ dưỡng trên núi Abha.

SPA cũng thông tin, các vi phạm đã có “tác động lớn đến việc hoàn thành các dự án” và gây ra “thiệt hại về môi trường”.

Đẩy mạnh du lịch là một trong những trọng tâm trong Chương trình Cải cách Tầm nhìn 2030 của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman để chuẩn bị cho nền kinh tế nước này bước vào kỷ nguyên hậu dầu mỏ.

Cuối tháng 9 năm ngoái, Arab Saudi thông báo lần đầu tiên cấp thị thực du lịch cho du khách nước ngoài, đồng thời kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài tăng cường đầu tư vào lĩnh vực mà Chính phủ nước này kỳ vọng sẽ đóng góp 10% GDP vào năm 2030.

Bên cạnh đó, Riyadh cũng đặt mục tiêu thu hút 100 triệu lượt du khách cả trong nước và quốc tế vào năm 2030. Tuy nhiên, trước tình trạng thiếu cơ sở hạ tầng để tiếp đón lượng khách lớn nói trên, nước này ước tính cần tới 500.000 phòng khách sạn mới trên toàn quốc và khoản đầu tư 67 tỷ USD cho ngành Du lịch trong thập kỷ tới.

Arab Saudi đã công bố một loạt dự án du lịch trị giá hàng tỷ USD trong nỗ lực đa dạng hóa nền kinh tế phụ thuộc vào dầu mỏ của Vương quốc này.

Và, việc điều tra tham nhũng, sa thải các quan chức vi phạm là một phần trong chiến dịch trấn áp tham nhũng mới nhất của Chính phủ.

Luật sư Dimah Talal Al-Sharif cho biết, pháp luật về tham nhũng ở Arab Saudi là rất rõ ràng, dù các vụ việc có thể mang tính chất phức tạp.

“Các vụ án tham nhũng được coi là một trong những dạng án phức tạp nhất, do có sự chồng chéo của nhiều người và tính chất đặc biệt trong đó”, bà Al-Sharif nói và cho rằng, yêu cầu quan trọng trong những trường hợp như vậy là các nhà chức trách phải thực hiện tất cả những bước cần thiết để bảo vệ nhân chứng một cách thích hợp. Điều này phù hợp với quy định của Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng, “yêu cầu ban hành các quy định pháp luật cần thiết để bảo vệ nhân chứng trong tội phạm tham nhũng ở các quốc gia thành viên”.

Tuy nhiên, theo bà Al-Sharif, rất khó để bảo đảm danh tính của nhân chứng không bị tiết lộ, đặc biệt là khi số ít nhân chứng có kiến thức về tham nhũng.

Hồi tháng 3 vừa qua, Cơ quan Chống tham nhũng quốc gia Arab Saudi (Nazaha) đã tiến hành hàng chục thủ tục điều tra hình sự liên quan đến vi phạm công vụ. Cuộc điều tra ban đầu nhắm vào 219 cán bộ, nhưng con số báo cáo đã lên tới 674 người, trong đó 298 người đã bị bắt giữ vì các cáo buộc tham nhũng tài chính và tham nhũng hành chính, bao gồm: Hối lộ, tham ô và lãng phí công quỹ.

Tổng số tiền liên quan là 379 triệu SR (101 triệu USD), và các vụ việc sẽ được chuyển lên tòa án.

Trước đó, trong cuộc chiến chống tham nhũng được phát động vào năm 2017, hàng trăm hoàng thân, bộ trưởng và doanh nhân đã bị giam giữ tại khách sạn Ritz-Carlton ở Thủ đô Riyadh. Nhiều người đã bị giam giữ trong nhiều tuần. Trong khi, hầu hết được trả tự do sau khi đồng ý các thỏa thuận tài chính quan trọng. Các nhà chức trách cho biết, đã thu hồi hơn 400 tỷ SR trong chiến dịch này.

theo Ngọc Anh – Báo Thanh tra

https://thanhtra.com.vn/phong-chong-tham-nhung/tin-tuc/sa-thai-nhieu-quan-chuc-vi-tham-nhung-tai-cac-du-an-du-lich-170274.html

Tin liên quan