Hình ảnh tại phiên họp của QH thảo luận về kết quả rà soát VBQPPL tại Kỳ họp thứ 6 vừa qua. |
• Xin Ông cho biết việc rà soát hệ thống VBQPPL theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 được thực hiện trên cơ sở những căn cứ, nguyên tắc và phương pháp như thế nào?
– Ông Hồ Quang Huy: Thực hiện chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, mà trực tiếp là Phó TTCP Trần Lưu Quang, Tổ trưởng Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ, việc rà soát VBQPPL theo Nghị quyết 101/2023/QH15 đã được Bộ Tư pháp chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành, địa phương thực hiện trên cơ sở bám sát các căn cứ, nguyên tắc và phương pháp cơ bản sau đây.
Về căn cứ rà soát, việc rà soát tuân thủ đúng các quy định tại Nghị định số 34/2016/NĐ-CP ngày 14/5/2016 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật Ban hành VBQPPL (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định số 154/2020/NĐ-CP ngày 31/12/2020 của Chính phủ), chú trọng sự phù hợp với chủ trương, đường lối của Đảng; sự phù hợp với quy định của Hiến pháp; tính hợp pháp, tính thống nhất của văn bản được rà soát với hệ thống pháp luật; tương thích với điều ước quốc tế có liên quan mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên; bảo đảm phù hợp với thực tiễn, có tính khả thi.
Việc nhận định, đánh giá phải căn cứ vào thực tiễn thi hành; việc đề xuất hướng giải quyết phải bảo đảm bám sát và đáp ứng yêu cầu của thực tiễn; đáp ứng yêu cầu kiến tạo phát triển và hội nhập quốc tế; tổng hợp, xử lý kết quả rà soát (thông tin rà soát) từ nhiều nguồn khác nhau như báo cáo kết quả rà soát, kiến nghị của các bộ, cơ quan ngang bộ, các địa phương cấp tỉnh, kiến nghị của các hiệp hội, doanh nghiệp, tổ chức, các cơ quan của QH, các Đoàn đại biểu QH, HĐND cấp tỉnh, kiến nghị của các đoàn kiểm tra, cơ quan thanh tra, kiểm tra, giám sát, điều tra, truy tố, xét xử…
Về nguyên tắc, phương pháp rà soát, việc rà soát được thực hiện đối với các VBQPPL trong hệ thống pháp luật, trong đó tập trung vào các lĩnh vực pháp luật trọng tâm theo yêu cầu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15; kết quả rà soát đối với VBQPPL trong từng lĩnh vực cụ thể được xem xét, đánh giá trong mối quan hệ thống nhất với các văn bản thuộc các lĩnh vực pháp luật có liên quan và tổng thể hệ thống pháp luật.
Các nội dung được cho là có mâu thuẫn, chồng chéo, vướng mắc, bất cập được tổng hợp là kết quả của quá trình xem xét, đánh giá, thống nhất giữa cơ quan, tổ chức rà soát, kiến nghị với cơ quan quản lý nhà nước về ngành, lĩnh vực mà văn bản đó điều chỉnh và các cơ quan có liên quan của QH.
• Ông có thể thông tin về một số kết quả thu được từ hoạt động rà soát VBQPPL theo Nghị quyết số 101/2023/QH15?
– Ông Hồ Quang Huy: Tổng số VBQPPL đã được các cơ quan thực hiện rà soát là 523 văn bản gồm 66 luật, 2 pháp lệnh, 8 nghị quyết của QH, Ủy ban Thường vụ QH; 167 nghị định, 63 quyết định của Thủ tướng Chính phủ và 217 văn bản do các cơ quan khác ở trung ương ban hành.
Điều này cho thấy, các bộ, ngành, địa phương đã rà soát được số lượng lớn VBQPPL, bao gồm luật và văn bản dưới luật. Theo đó, hệ thống pháp luật nói chung và các lĩnh vực pháp luật được xác định là trọng tâm theo Nghị quyết số 101/2023/QH15 cơ bản đã thể chế hóa kịp thời, đầy đủ các chủ trương, chính sách của Đảng trong từng lĩnh vực; phần lớn VBQPPL bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất, khả thi, công khai, minh bạch, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đóng góp tích cực vào quá trình đổi mới, xây dựng và phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta thời gian qua.
Ông Hồ Quang Huy, Cục trưởng Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp. |
Kết quả rà soát đã có những phát hiện bước đầu về những nội dung được cho là mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc; trong đó nhiều nội dung đã được cơ quan có thẩm quyền xem xét, đưa vào quy trình sửa đổi, bổ sung để trình cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định (ví dụ các Luật Đất đai, Nhà ở, Kinh doanh bất động sản, Đấu giá tài sản…).
Bên cạnh đó, hoạt động rà soát VBQPPL lần này cũng đã phát hiện nội dung được cho là có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc, cụ thể như có 18 lĩnh vực trong 22 lĩnh vực trọng tâm được nêu tại Nghị quyết số 101/2023/QH15 (đấu thầu, đấu giá, đầu tư công, quản lý, sử dụng đất đai, tài sản công, tài chính công, hợp tác công tư, đầu tư, môi trường, xây dựng, kinh doanh bất động sản, ngân hàng, tài chính, tự chủ tài chính, chứng khoán, doanh nghiệp, giám định, định giá) có quy định mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc.
4 lĩnh vực gồm xã hội hóa các dịch vụ công, ngân sách nhà nước, quy hoạch, trái phiếu qua rà soát chưa phát hiện có mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc.
Đối với các văn bản không thuộc 22 lĩnh vực trọng tâm, qua rà soát cũng phát hiện một số nội dung bất cập, vướng mắc được phản ánh, kiến nghị liên quan đến các luật, nghị định, thông tư thuộc các lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, văn hóa, khoa học và công nghệ…
• Từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ nêu trên, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan đã có đề xuất, kiến nghị gì nhằm nâng cao chất lượng của hệ thống VBQPPL, thưa Ông?
– Ông Hồ Quang Huy: Nhằm nâng cao chất lượng của hệ thống VBQPPL, từ thực tiễn triển khai nhiệm vụ rà soát hệ thống VBQPPL thực hiện Nghị quyết số 101/2023/QH15, Bộ Tư pháp và các Bộ, ngành liên quan đã có một số đề xuất, kiến nghị.
Cụ thể, cần tiếp tục nghiên cứu, sử dụng kết quả rà soát là nguồn dữ liệu đầu vào phục vụ cho nhiệm vụ xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật trong thời gian tới, đồng thời cần chủ động đề xuất theo thẩm quyền việc xử lý các nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc và xác định lộ trình cụ thể thực hiện việc xử lý;
Bên cạnh đó, cần xem xét, thực hiện các phương án xử lý đối với nội dung mâu thuẫn, chồng chéo, bất cập, vướng mắc đã được phát hiện qua rà soát. Theo đó, đối với các dự án luật đã có trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH, Ủy ban Thường vụ QH, được xem xét thông qua hoặc cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 6 tháng 10/2023 (gồm Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Nhà ở, Luật Đất đai, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đấu giá tài sản) và tại Kỳ họp thứ 7 tháng 5/2024 (gồm Luật Quy hoạch đô thị và nông thôn; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược) thì tổng hợp, đề xuất xử lý ngay trong quá trình QH xem xét thông qua hoặc cho ý kiến.
Đối với các văn bản của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ đã có trong chương trình công tác của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, các bộ trong năm 2023 thì đẩy nhanh tiến độ soạn thảo, trình cơ quan có thẩm quyền ban hành các VBQPPL theo đúng hoặc sớm hơn kế hoạch.
Đồng thời, tiếp tục quán triệt, thực hiện nghiêm các quy định rà soát VBQPPL đã được quy định tại Luật Ban hành VBQPPL năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2020) và văn bản hướng dẫn thi hành, trong đó, đảm bảo việc rà soát văn bản là trách nhiệm phải được tiến hành thường xuyên, ngay khi có căn cứ rà soát; không bỏ sót văn bản thuộc trách nhiệm rà soát; tuân thủ nghiêm quy định về trách nhiệm, cách thức tổ chức rà soát; kịp thời xử lý kết quả rà soát.
Cùng với đó, cần đảm bảo kết nối giữa hoạt động giám sát việc xây dựng pháp luật với các hoạt động đảm bảo tính hợp hiến, hợp pháp khác như thẩm định, kiểm tra, rà soát VBQPPL.
Đổi mới, hoàn thiện chế định giải thích, hướng dẫn áp dụng pháp luật; thực hiện việc giải thích pháp luật trong trường hợp cụ thể nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong việc tổ chức thực hiện pháp luật. Tăng cường cơ chế đảm bảo thực hiện nghiêm, đồng bộ, hiệu quả các quy định của pháp luật;
Một kiến nghị nữa là cần quan tâm tăng cường chất lượng, số lượng đội ngũ cán bộ làm công tác xây dựng pháp luật; đầu tư kinh phí, bảo đảm các điều kiện cần thiết phục vụ công tác xây dựng pháp luật nói chung và rà soát VBQPPL nói riêng.
Xin trân trọng cảm ơn Ông về nội dung trao đổi!
theo Báo Pháp luật VN