Sáng ngày 16/11, Quốc hội thảo luận tại hội trường về Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi).
Một trong những vấn đề nhận được nhiều ĐB cho ý kiến là việc tách Luật Giao thông đường bộ hiện hành thành 2 dự án luật là: Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì soạn thảo và Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ do Bộ Công an chủ trì soạn thảo.
Hợp lý và hợp pháp xung đột thì tiềm ẩn nhiều hệ luỵ
Nêu ý kiến ĐB Nguyễn Thị Kim Thuý (Đà Nẵng) bày tỏ quan điểm chưa tách luật vì “không hợp lý” và chưa đúng tinh thần Nghị quyết 18 của Trung ương. Bà đề nghị Chính phủ giải trình tính hợp lý trong quá trình xây dựng 2 luật riêng này.
Phân tích cụ thể về tính hợp lý, theo bà Thuý, thực tế, không có gì làm phiền người dân hơn tình cảnh hành động hợp lý thì không hợp pháp, mà hợp pháp thì không hợp lý. Ví dụ, việc cắm mốc hạn chế tốc độ đang đẩy tài xế vào tình cảnh như vậy vì xe phải chạy chậm trên những con đường được nâng cấp để chạy cho nhanh.
“Khi cái hợp lý và hợp pháp xung đột với nhau thì tiềm ẩn nhiều hệ luỵ”, bà Thuý nhận định và cho rằng có 3 hệ luỵ dễ nhận thấy.
Đầu tiên, là kỷ cương phép nước khó được tuân thủ vì cuộc sống bao giờ cũng hành động theo cái hợp lý, nếu pháp luật không cho phép thì người dân tìm cách “lách luật”.
Hệ luỵ thứ 2 là dễ phát sinh tham nhũng, tiêu cực nếu các quy định về kỹ thuật, trọng tải, tốc độ không hợp lý khiến lái xe khó chấp hành.
“Đây là cơ hội cho việc làm luật trên xa lộ, mà một phần là do tính hợp lý ít được xem xét trong quá trình làm luật”, bà Thuý nêu rõ, nguyên nhân của tham nhũng nhiều khi nằm ngay trong chính các quy định không hợp lý của luật.
Cũng từ tình không hợp lý, theo bà Thuý, dẫn đến hệ luỵ liên quan đến đạo đức xã hội.
“1 Nhà nước pháp quyền sự tôn trọng và tuân thủ pháp luật là phẩm chất đạo đức quan trọng nhất. Phẩm chất đạo đức không thể hình thành nếu lách luật, trốn tránh sự tuân thủ pháp luật cho dù là cần thiết hay không”, nữ ĐB đoàn Đà Nẵng nhấn mạnh.
Bà Thuý lưu ý thêm, những vi phạm nặng nề khác về các quy chuẩn đạo đức cũng sẽ hình thành như đưa nhận hối lộ, nhũng nhiễu, “khúm núm trước mặt và coi thường sau lưng”. “Để hợp pháp trước hết phải hợp lý”, bà Thuý nêu rõ.
Chồng chéo vừa vô hiệu hoá trách nhiệm, vừa làm các cơ quan quá tải
Theo nữ ĐB đoàn Đà Nẵng, quy định hiện hành, ngành Giao thông vận tải được pháp luật giao chủ trì quản lý Nhà nước về các lĩnh vực từ đường thuỷ, đường bộ, đường sắt, hàng hải, hàng không, với 5 mục tiêu “không thể tách rời” là: An toàn, thông suốt, thuận tiện, kinh tế và thân thiện với môi trường.
“Tách Luật Giao thông đường bộ thành 2 hay nhiều luật chỉ có thể thực hiện khi mà yêu cầu đó xuất phát từ đòi hỏi nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước của ngành Giao thông vận tải để thực hiện tốt hơn 1 hay 2 trong 5 mục tiêu trên”, bà Thuý nhấn mạnh.
ĐB Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên). Ảnh: TN |
Trong khi đó, theo nhận định của bà Thuý, việc tách luật chỉ với mục đích chuyển một phần công tác quản lý Nhà nước mà ngành Giao thông đang thực hiện “ổn định, thống nhất” sang cho ngành khác.
Từ đó, bà Thuý đề nghị, Dự thảo Luật Giao thông đường bộ nên sửa đổi theo hướng Bộ Giao thông Vận tải tiếp tục chủ trì chính trong quản lý Nhà nước về giao thông đường bộ bao gồm cả an toàn giao thông đường bộ; đồng thời phân công trách nhiệm các bộ, ngành liên quan thực hiện các nhiệm vụ khác nhau để tránh trùng lặp.
“Sự chồng chéo, trùng lặp vừa vô hiệu hoá chế độ trách nhiệm, vừa làm cho các cơ quan đều quá tải”, bà Thuý kết thúc phát biểu của mình.
ĐB Trần Thị Dung (đoàn Điện Biên) cho rằng, Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) chưa tuân thủ đầy đủ các trình tự thủ tục của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Bà dẫn chứng, việc đào tạo, sát hạch cấp giấy phép lái xe trong báo cáo đánh giá tác động không chỉ ra bất cập. Hay chuyển cơ quan khác cấp phép đào tạo sát hạch liên quan rất lớn đến hơn 2.000 công chức viên chức đang thực hiện nhiệm vụ trong lĩnh vực này.
“Lực lượng thanh tra giao thông hiện đang gắn liền với giao thông đường bộ, như vậy lực lượng này có tiếp tục tồn tại hoạt động và thực hiện chức năng của mình nữa hay không? Nếu không thì trong báo cáo đánh giá tác động không thể hiện rằng lực lượng này làm gì”, ĐB Dung nói.
Theo ĐB, trong chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2020 được Quốc hội thông qua, tên của luật là Dự án Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi), nay tách thành 2 dự án luật, việc này chưa có báo cáo Quốc hội một cách đầy đủ. Như vậy liệu tên Luật Giao thông đường bộ (sửa đổi) có còn nguyên nghĩa?
Nữ ĐB tỉnh Điện Biên lưu ý, từ nay đến kỳ họp thứ 11 thời gian không nhiều, sẽ không đủ thời gian để làm rõ tất cả vấn đề này, đặc biệt với cơ quan chủ trì thẩm tra. Theo bà, cần phải có thời gian nhiều hơn nữa để xem xét đánh giá.
“Cá nhân tôi cho rằng để đảm bảo một cách chắc chắn thì nên để dự án luật này trình Quốc hội khoá 15”, ĐB Dung nêu ý kiến.
Xin ý kiến ĐB Quốc hội có tách luật hay không?
Trước nhiều ý kiến không đồng ý tách 2 luật, ĐB Thái Trường Giang (đoàn Cà Mau) đề nghị chủ toạ kỳ họp xin ý kiến của ĐB xem có tách hay không. Nếu đồng ý tách thì chiều nay mới thảo luận tiếp Dự án Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Nếu không đồng ý thì không thảo luận tiếp. Giải thích, Phó Chủ tịch Quốc hội Tòng Thị Phóng cho rằng, việc đưa 2 luật thảo luận không vi phạm quy trình. Thường vụ Quốc hội đã xin ý kiến Quốc hội, Quốc hội nhất trí chương trình kỳ họp và thảo luận 2 luật. Theo bà Phóng, để có suy nghĩ cho chắc chắn thì chiều nay vẫn thảo luận Luật Bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ. “Nhiều người vẫn chưa bày tỏ chính kiến, vẫn còn ý kiến khác nhau. Có thể có những vấn đề liên quan tổ chức bộ máy, năng lực quản lý Nhà nước, cán bộ, nâng cao năng lực quản lý hạ tầng, liên quan đến trách nhiệm quản lý nhà nước… nên chiều vẫn thảo luận”, Phó Chủ tịch Quốc hội nêu ý kiến. |