Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) đã nêu rõ việc chú trọng thu hồi tài sản tham nhũng; áp dụng chính sách khoan hồng đối với những người phạm tội nhưng có thái độ thành khẩn, đã bồi thường thiệt hại hoặc khắc phục hậu quả kinh tế, hợp tác tốt với cơ quan chức năng.
Khoản 4 Điều 92 Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2018 quy định, người có hành vi tham nhũng đã chủ động khai báo trước khi bị phát giác, tích cực hợp tác với cơ quan có thẩm quyền, góp phần hạn chế thiệt hại, tự giác nộp lại tài sản tham nhũng, khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì được xem xét giảm hình thức kỷ luật, giảm nhẹ trách nhiệm hình sự, miễn hình phạt hoặc miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.
Đồng thời, Điều 40 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) quy định người bị kết án tử hình về tội “Tham ô tài sản”, “Nhận hối lộ”, sau đó chủ động nộp lại ít nhất 3/4 số tiền phạm tội và hợp tác tích cực với cơ quan chức năng trong phát hiện, điều tra, xử lý tội phạm hoặc lập công lớn thì có thể được giảm xuống mức án chung thân.
Như vậy, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật nêu trên thì việc kiến nghị áp dụng thay xử lý hình sự bằng phạt tiền trong các vụ án tham nhũng là hoàn toàn có cơ sở và phù hợp với chính sách khoan hồng của Đảng, Nhà nước đối với loại tội phạm này.
Việc xử lý hình sự đối với loại tội phạm này cần phải tùy thuộc từng trường hợp cụ thể; chỉ nên xem xét xử lý hình sự trong trường người phạm tội không ăn năn hối cải, không chịu khắc phục hậu quả. Còn đối với trường hợp thành khẩn, cam kết khắc phục hậu quả của hành vi tham nhũng thì cần cho họ có thời gian, không gian để xử lý, thu hồi tài sản tham nhũng, thất thoát để giao nộp cho nhà nước.
Nếu làm như vậy, Nhà nước sẽ thu hồi được tài sản bị tham nhũng, thất thoát và việc khắc phục hậu quả sẽ tốt hơn nhiều do chủ thể vi phạm sẽ chủ động khắc phục để không bị xử lý hình sự. Bên cạnh việc giao nộp đầy đủ số tiền tham nhũng, thất thoát họ còn phải bị phạt một số tiền tương ứng với số tiền đã tham nhũng, thất thoát cho Nhà nước nếu không muốn không xử lý hình sự, đây là biện pháp ngăn ngừa, giáo dục rất hiệu quả.
Chúng ta có thể tham khảo Luật Phòng, chống tham nhũng của Singapore, họ cũng đánh mạnh vào lợi ích kinh tế của người tham nhũng và đã cho kết quả rất tốt. Theo đó, Tòa án có quyền ra lệnh cho người nhận hối lộ nộp một khoản tiền phạt bằng khoản tiền hối lộ bên cạnh các chế tài trừng phạt khác. Khi đó, quan chức, công chức sẽ không được hưởng lợi ích gì từ hành vi tham nhũng nên sẽ không dám tham nhũng.
Việc nộp phạt đủ số tiền tương ứng với số tiền tham nhũng, thất thoát để miễn trách nhiệm hình sự có thể dẫn đến kiệt quệ kinh tế của bản thân và gia đình nên người có chức vụ, quyền hạn sẽ không dám tham nhũng và không muốn tham nhũng. Thực tế, việc phạt tiền thay cho phạt tù đã được pháp luật quy định cụ thể. Phạt tiền cũng là chế tài hết sức nghiêm khắc, đây là giải pháp để động viên, khuyến khích người phạm tội hoàn trả và nộp phạt số tiền tham nhũng, thất thoát cho Nhà nước.
Đối với tội “Tham nhũng”, tác giả cho rằng cần phải xem xét xử lý theo hướng trừng phạt mạnh vào lợi ích kinh tế của người tham nhũng. Khi đã có chế tài như vậy, người có chức vụ, quyền hạn sẽ cân nhắc thiệt – hơn trong việc thực hiện các hành vi tham nhũng. Do đó, sẽ ngăn ngừa có hiệu quả tội phạm tham nhũng hiện nay.