Tập trung kiểm soát, chấm dứt các vi phạm trong khai thác hải sản

Cập nhật: 17/10/2022 09:43

Sau gần 5 năm Ủy ban châu Âu (EC) cảnh báo “thẻ vàng” đối với hoạt động khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU), đến nay, hoạt động khai thác hải sản của 28 địa phương ven biển của nước ta đã có những chuyển biến tích cực.

Lực lượng Bộ đội Biên phòng thường xuyên kiểm tra việc tuân thủ khai thác IUU. (Ảnh NGUYỄN TRUNG)

Bà Rịa-Vũng Tàu là một trong những địa phương có sản lượng khai thác hải sản hằng năm lớn. Hướng đến mục tiêu khai thác hải sản bền vững, địa phương đã tập trung đồng bộ các giải pháp để khắc phục những vấn đề mà EC đã khuyến nghị. Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Thị Na cho biết: Ủy ban nhân dân tỉnh đã chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra, kiểm soát, nhất là phối kết hợp kiểm tra, kiểm soát trên bờ, khi tàu xuất bến. Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã ký quy chế phối hợp Cảnh sát biển và Bộ Tư lệnh Vùng 2 Hải quân để kiểm tra, kiểm soát phát hiện, xử lý các trường hợp tàu cá vi phạm khai thác IUU. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh kiện toàn văn phòng đại diện tại các cảng cá với đại diện của Bộ đội Biên phòng, Chi cục Thủy sản… để thanh tra, kiểm tra tất cả tàu cá trước khi ra khơi và sau khi về bến nhằm phát hiện kịp thời các tàu cá có sai phạm và tiến hành xử lý vi phạm hành chính theo quy định.

Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Phú Yên Nguyễn Tri Phương chia sẻ: Ðể khắc phục những bất cập trong khai thác hải sản, cả hệ thống chính trị tỉnh Phú Yên đã vào cuộc. Tiến bộ nhất của Phú Yên so với một số tỉnh khác là khắc phục được tàu cá không vi phạm các vùng biển nước ngoài. Phú Yên đề ra nhiều biện pháp phối hợp, kiểm soát tàu qua hệ thống giám sát hành trình (VMS). Tàu cá nào vượt ra vùng biển nước ngoài thì lực lượng chức năng phát cảnh báo và làm việc trực tiếp với chủ tàu, xử lý vi phạm. Cùng với đó, địa phương đẩy mạnh tuyên truyền, vận động một cách thường xuyên với sự vào cuộc của nhiều lực lượng như bộ đội biên phòng, chính quyền địa phương, lực lượng quản lý ngành… Ðồng thời, Phú Yên tổ chức cho tất cả các thuyền trưởng ký cam kết không vi phạm vùng biển nước ngoài.

Theo thống kê, tổng số tàu cá trên toàn quốc là gần 92 nghìn chiếc. Hệ thống giám sát tàu cá đã được triển khai đồng bộ từ Trung ương đến địa phương. Tính đến cuối tháng 9, việc lắp đặt thiết bị VMS trên tàu cá đạt hơn 95%, tăng khoảng 5% so với trước. Các địa phương thực hiện tốt việc lắp đặt thiết bị VMS là Quảng Ninh, Thừa Thiên Huế, Cà Mau, Thanh Hóa, Bình Ðịnh, Bình Thuận, Bến Tre, Sóc Trăng… Về chứng nhận sản lượng và truy xuất nguồn gốc thuỷ sản, các cơ quan chức năng đã tổ chức thực hiện theo quy định, cơ bản đáp ứng được yêu cầu. Việc kiểm soát nguồn gốc nguyên liệu nhập khẩu từ khai thác ngoài vùng biển Việt Nam bảo đảm theo quy định của pháp luật Việt Nam và đáp ứng được quy định của Hiệp định về biện pháp quốc gia có cảng (PSMA). Qua đó, duy trì việc quản lý, theo dõi việc cấp xác nhận cho các lô hàng thủy sản được chế biến để xuất khẩu vào Liên minh châu Âu (EU). Ðồng thời, thực hiện quy định của Hiệp định PSMA, đã công bố được 14 cảng chỉ định cho tàu nước ngoài cập cảng, triển khai phần mềm thực hiện Hiệp định PSMA, chuẩn bị các điều kiện kết nối với cổng thông tin một cửa quốc gia…

Tuy đạt được những kết quả quan trọng nhưng việc khai thác thủy sản vẫn còn một số bất cập. Trong đó, đáng chú ý là việc cập nhật quản lý đội tàu cá về cơ sở dữ liệu nghề cá quốc gia, cấp giấy phép khai thác thủy sản cần kịp thời, chặt chẽ hơn… Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu Phạm Thị Na cho biết thêm: Ðối với gắn thiết bị VMS, Bà Rịa-Vũng Tàu đã có những giải pháp để quản lý giám sát và đã có nhiều kết quả tích cực, nhưng bên cạnh số ngư dân chấp hành tốt, hiện vẫn còn có tình trạng tắt thiết bị VMS, hoặc thiết bị bị hư hỏng. Ðây là những khó khăn mà tỉnh cần tiếp tục có các giải pháp khắc phục trong thời gian sớm nhất.

Phó Chủ tịch Hiệp hội Chế biến và xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP), Trưởng Ban điều hành IUU-VASEP Nguyễn Thị Thu Sắc đề xuất: Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cần ưu tiên nâng cấp, kiện toàn các giải pháp công nghệ để giải quyết bài toán lớn về quản lý nghề cá hiện đại cũng như cải thiện quá trình cấp các giấy tờ liên quan như cơ sở dữ liệu nghề cá, nhật ký khai thác điện tử. Chính phủ, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và các tỉnh, thành phố ưu tiên đầu tư, khơi thông cho kinh tế biển như tăng số lượng cảng cá đủ chuẩn được chỉ định; đầu tư hơn nữa về hạ tầng, thiết bị, nhân lực cũng như có chính sách đào tạo cán bộ quản lý khai thác IUU. Cần tăng cường các biện pháp, hay quy định để doanh nghiệp khi mua nguyên liệu thì biết được nguyên liệu đó là hợp pháp hay không hợp pháp. Ngoài ra, các địa phương, các cơ quan liên quan cần xây dựng chợ đầu mối đấu giá ở một số cảng cá.

Hướng đến mục tiêu khai thác thủy sản bền vững, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đề nghị các tỉnh, thành phố ven biển tập trung tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát; gắn trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở. Các địa phương khẩn trương rà soát, cấp giấy phép khai thác thủy sản, giấy chứng nhận an toàn thực phẩm, đăng ký, đăng kiểm, đánh dấu tàu cá; hoàn thành việc lắp đặt thiết bị VMS và khai thác, sử dụng có hiệu quả hệ thống giám sát tàu cá để quản lý hoạt động của tàu cá địa phương trên biển; thực hiện nghiêm túc, đúng quy định việc kiểm soát tàu cá ra vào cảng, giám sát sản lượng thủy sản từ khai thác, truy xuất nguồn gốc thủy sản. Cấp xã, phường, thị trấn là lực lượng nòng cốt trong quản lý, giáo dục, tuyên truyền người dân đối với công tác chống khai thác IUU. Người đứng đầu các ban, bộ, ngành có liên quan và 28 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ven biển đề cao trách nhiệm, trực tiếp chỉ đạo, xem đây là nhiệm vụ ưu tiên, cấp bách cần tập trung nguồn lực thực hiện.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Ðức Tiến nhấn mạnh: Tuy có những chuyển biến tích cực, nhưng còn nhiều vấn đề phải làm. Chúng ta phải gắn định vị VMS 100% số tàu cá. EC quy định, kể cả các tàu nằm bờ cũng phải bật định vị để theo dõi, vấn đề này các chủ tàu, các địa phương phải làm thật chặt chẽ, nghiêm túc. Việc truy xuất nguồn gốc từ vùng biển khai thác của Việt Nam và từ nhập khẩu của các nước cũng cần kiểm soát nghiêm ■

Năm 2011, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam đạt 6 tỷ USD và đến năm 2021 tăng lên gần 9 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu sang thị trường EU đạt từ 1-1,4 tỷ USD mỗi năm, chiếm 15-17% kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Việt Nam. Theo kế hoạch, cuối tháng 10 này, đoàn kiểm tra của EC sẽ trực tiếp kiểm tra việc chống khai thác IUU ở Việt Nam.

Tin liên quan