Tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn

Cập nhật: 01/02/2021 08:28

Chia sẻ với bạn đọc Báo Thanh tra nhân dịp năm mới, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm cho biết, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN), lãng phí luôn được Đảng, Nhà nước ta khẳng định là nhiệm vụ rất quan trọng, vừa cấp bách, vừa lâu dài.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm. Ảnh: Diệu Anh

“Với trách nhiệm là cơ quan tham mưu về công tác này, hơn ai hết, chúng ta phải “xây dựng ngành Thanh tra, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức, thanh tra chuyên nghiệp, trách nhiệm, kỷ cương, liêm chính nhằm góp phần nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế – xã hội của đất nước và hội nhập quốc tế””, Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm nhấn mạnh.

Tham nhũng có chiều hướng thuyên giảm

+ Thưa ông, Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 12/5/2009 của Chính phủ đã ban hành “Chiến lược Quốc gia PCTN đến năm 2020”. Đến nay, chúng ta đã gặt hái được những kết quả gì so với mục tiêu mà Chiến lược đề ra?

– Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm: Chiến lược Quốc gia PCTN đến năm 2020 đề ra mục tiêu chung là ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng, loại bỏ dần các cơ hội, điều kiện phát sinh tham nhũng, góp phần xây dựng bộ máy Nhà nước trong sạch, vững mạnh, hoạt động hiệu quả, đội ngũ cán bộ, công chức liêm chính; lành mạnh hóa các quan hệ xã hội thông qua việc thực hiện đồng bộ các giải pháp phòng ngừa, phát hiện và xử lý tham nhũng; củng cố lòng tin của nhân dân và cộng đồng quốc tế, thúc đẩy kinh tế – xã hội phát triển. Chiến lược được chia làm 3 giai đoạn thực hiện và trong mỗi giai đoạn Chính phủ đều có kế hoạch cụ thể.

Trong mục tiêu chung thì việc phải ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng là nội dung quan trọng hàng đầu và có ý nghĩa quyết định, chi phối việc hoàn thành hay không hoàn thành mục tiêu của Chiến lược. Khi sơ kết giai đoạn I và giai đoạn II của Chiến lược thì nhận định chung là tình hình tham nhũng vẫn còn nghiêm trọng, phức tạp và chúng ta chưa thực hiện được mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng. Hiện nay Chính phủ đang triển khai tổng kết việc thực hiện Chiến lược và chắc chắn sẽ có những nhận định, đánh giá toàn diện về mức độ hoàn thành mục tiêu đề ra, nhưng qua việc theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện Chiến lược và kết quả công tác PCTN thời gian qua, có thể thấy mục tiêu ngăn chặn, từng bước đẩy lùi tham nhũng cơ bản đã đạt được. Tham nhũng đã được ngăn chặn, kiềm chế, không có biểu hiện gia tăng và đang có chiều hướng thuyên giảm.

Việc đánh giá tham nhũng đang có chiều hướng thuyên giảm là không chủ quan mặc dù cũng có ý kiến băn khoăn về căn cứ để đánh giá. Nhưng những kết quả cụ thể trong công tác PCTN thời gian qua mà đặc biệt là sự đồng tình, ủng hộ, đánh giá cao của quần chúng nhân dân, cán bộ, đảng viên, sự ghi nhận của cộng đồng quốc tế đã khẳng định điều đó.

Năm 2012, khi chúng ta sơ kết giai đoạn I thực hiện Chiến lược, tình hình tham nhũng đang diễn ra rất nghiêm trọng; tổ chức Minh bạch quốc tế khảo sát, xếp hạng Việt Nam đứng thứ 123 trong bảng xếp hạng toàn cầu về tham nhũng. Nhưng từ đó đến nay, với những nỗ lực không ngừng nghỉ, sự quyết liệt trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, sự vào cuộc của các cơ quan chức năng và nhất là sự thành lập với vai trò đặc biệt quan trọng của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN, tham nhũng từng bước được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm. Kết quả phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng được nhân dân, cán bộ, đảng viên đồng tình, ủng hộ, cộng đồng quốc tế ghi nhận, đánh giá cao. Việt Nam đã được đánh giá xếp hạng 96/180 quốc gia, vùng lãnh thổ trong bảng xếp hạng của Tổ chức Minh bạch quốc tế, vượt 27 bậc so với năm 2012.

Do đó, có thể nói việc tham nhũng được kiềm chế, ngăn chặn và có chiều hướng thuyên giảm là kết quả phản ánh rõ nét nhất việc chúng ta cơ bản đạt được mục tiêu đề ra trong Chiến lược Quốc gia PCTN đến năm 2020.

+ Thanh tra Chính phủ đã triển khai các giải pháp gì và đạt được kết quả ra sao khi thực hiện mục tiêu “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra… trong phát hiện, xử lý tham nhũng” mà Chiến lược đã chỉ ra, thưa ông?

– Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm: Để hướng đến mục tiêu này, theo chức năng, nhiệm vụ của mình, Thanh tra Chính phủ đã triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp, tập trung vào công tác quản lý Nhà nước về PCTN và công tác thanh tra, giải quyết tố cáo, qua đó đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Hệ thống chính sách, pháp luật về PCTN được hoàn thiện hơn, được đưa vào hệ thống truyền thông, giáo dục, đào tạo góp phần nâng cao nhận thức trong xã hội về PCTN.

Để giải quyết tình trạng “tham nhũng vặt” và tình trạng cán bộ, công chức, viên chức vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng vị trí công tác; lợi dụng kẽ hở về cơ chế, chính sách, pháp luật; lợi dụng lòng tin, sự thiếu hiểu biết của một bộ phận người dân để sách nhiễu, gây phiền hà, kéo dài thời gian giải quyết công việc, giải quyết không đúng quy định, Thanh tra Chính phủ đã tham mưu, trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 về tăng cường xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết công việc; tổ chức hướng dẫn, đôn đốc các cấp, các ngành triển khai đồng bộ các biện pháp theo yêu cầu của Chỉ thị và tiến hành sơ kết, đánh giá việc triển khai thực hiện Chỉ thị để tiếp tục thúc đẩy việc thực hiện trong thời gian tới.

Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng được đẩy mạnh thực hiện, thường xuyên được rà soát, đánh giá, điều chỉnh phù hợp hơn, ngày càng phát huy hiệu quả. Vai trò của các tổ chức, đoàn thể chính trị – xã hội, hiệp hội doanh nghiệp, báo chí trong PCTN được đề cao; cơ chế bảo vệ, khen thưởng người tố cáo hành vi tham nhũng được xây dựng và tổ chức thực hiện, các sáng kiến PCTN của cộng đồng được khuyến khích, hỗ trợ thực hiện… Hoạt động hợp tác quốc tế về PCTN được mở rộng và ngày càng sâu sắc hơn.

Đặc biệt, trong thời gian vừa qua, ngành thanh tra đã khắc phục được nhiều hạn chế trong phát hiện, xử lý tham nhũng thông qua hoạt động thanh tra; đã tập trung thanh tra, kết luận, chuyển cơ quan điều tra nhiều vụ việc sai phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng để từ đó cơ quan điều tra đã khám phá, xử lý nhiều vụ án tham nhũng, trong đó có cả những vụ án lớn thuộc diện Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN theo dõi, chỉ đạo.

Những kết quả trên đã nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác PCTN, thúc đẩy việc thực hiện mục tiêu ngăn chặn và từng bước đẩy lùi tham nhũng.

Chỉ thị 10 – khắc tinh của “tham nhũng vặt”

+ Trong nội dung ông vừa trả lời, có nói đến Chỉ thị số 10/CT-TTg ngày 22/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ. Qua sơ kết Chỉ thị này, tình trạng “tham nhũng vặt” đã được giải quyết như thế nào, thưa ông?

– Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm: Sau khi có Chỉ thị 10/CT-TTg, các bộ, ngành, địa phương đều đã chủ động quán triệt, triển khai. Qua hơn 1 năm thực hiện, đã có những hiệu quả tích cực bước đầu trong việc xử lý, ngăn chặn các hành vi nhũng nhiễu của cán bộ, công chức trong giải quyết công việc với người dân và doanh nghiệp.

Nhiều địa phương đạt hiệu quả cao trong việc tuyên truyền về Chỉ thị 10/TC-TTg và nhận diện tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà, tiêu cực, tham nhũng trong phạm vi, lĩnh vực quản lý để chủ động đề ra các giải pháp phòng ngừa phù hợp.

Việc định kỳ thực hiện đối thoại với người dân và doanh nghiệp của các cấp chính quyền, việc chỉ đạo và kiểm tra thực hiện một số giải pháp phòng ngừa đã phát huy hiệu quả tốt như: Công khai, minh bạch của cơ quan, tổ chức, đơn vị, cải cách hành chính, hoàn thiện quy chế làm việc, quy tắc ứng xử, tổ chức chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu quả giải quyết dịch vụ công, nhận, trả kết quả qua bưu điện… đã góp phần ngăn ngừa, giảm thiểu hành vi nhũng nhiễu đối với người dân và doanh nghiệp.

Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Trần Ngọc Liêm trao Kỷ niệm chương Vì sự nghiệp thanh tra cho 20 cá nhân thuộc Thanh tra Bộ Y tế ngày 18/11/2019

Nhiều bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động quản lý như: Hệ thống một cửa điện tử liên thông, dịch vụ công trực tuyến, phần mềm quản lý văn bản, ứng dụng chữ ký số, lắp đặt thiết bị giám sát nơi thường xuyên tiếp xúc, giao dịch với người dân và doanh nghiệp… Ý thức, trách nhiệm của công chức được nâng lên, góp phần nâng cao chỉ số hài lòng của người dân đối với chính quyền các cấp. Hạ tầng kỹ thuật ứng dụng công nghệ của nhiều địa phương được duy trì hoạt động an toàn, ổn định, đồng bộ và từng bước được nâng cao, cơ bản đảm bảo theo yêu cầu công việc hiện tại; góp phần nâng cao chất lượng phục vụ của các cơ quan hành chính đối với người dân và doanh nghiệp.

Bên cạnh đó, các bộ, ngành, địa phương đã có những chuyển biến trong chấn chỉnh công tác quản lý, siết chặt kỷ cương, kỷ luật hành chính, tăng cường kiểm tra, giám sát cán bộ, công chức, viên chức trong hoạt động công vụ, giải quyết công việc liên quan đến người dân, doanh nghiệp. Qua công tác kiểm tra, nhiều bộ, ngành, địa phương đã phát hiện, xử lý, ngăn chặn ngay những hành vi có biểu hiện gây phiền hà đối với người dân, doanh nghiệp, xử lý nghiêm đối với người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị khi để xảy ra nhũng nhiễu, sai phạm; tăng cường trách nhiệm của cán bộ, công chức, viên chức trong giải quyết công việc, qua đó góp phần kiềm chế, ngăn chặn tình trạng tham nhũng nói chung và “tham nhũng vặt” nói riêng.

Sẽ tập trung thanh tra lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng

+ Trong thời gian vừa qua, ngành Thanh tra đã nỗ lực thanh tra, kết luận, chuyển cơ quan điều tra nhiều vụ việc sai phạm nghiêm trọng, rất nghiêm trọng. Ông có thể chia sẻ thêm những khó khăn, áp lực mà những cán bộ thanh tra phải đối mặt khi triển khai nhiệm vụ này?

– Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm: Thực tế là ngay khi tiến hành 1 cuộc thanh tra đã có rất nhiều áp lực đặt ra đối với cơ quan thanh tra, cán bộ tham gia cuộc thanh tra, nhất là thanh tra những vụ việc nghiêm trọng, phức tạp được Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN chỉ đạo và Thủ tướng Chính phủ giao hoặc là vụ việc bức xúc được dư luận quan tâm. Ví dụ, áp lực từ yêu cầu của cấp trên phải khẩn trương thanh tra kết luận, kiến nghị xử lý theo đúng quy định của pháp luật; áp lực từ sự kỳ vọng, mong chờ kết luận của nhân dân; hay áp lực từ những yêu cầu về nghiệp vụ, phải tổ chức hoạt động thanh tra có chất lượng, đúng pháp luật và đặc biệt là không được phép bỏ lọt hành vi sai phạm, tiêu cực, tham nhũng. Bên cạnh đó cũng không loại trừ có cả áp lực đến từ sự đối phó của những đối tượng vi phạm. Họ sẵn sàng dùng nhiều thủ đoạn để che giấu vi phạm, cản trở hoạt động thanh tra, thậm chí mua chuộc cán bộ làm công tác thanh tra. Vì vậy, công tác theo dõi, kiểm tra, giám sát trong nội bộ hoặc từ bên ngoài đối với hoạt động thanh tra đòi hòi phải được thực hiện thường xuyên, liên tục và cũng tạo những áp lực nhất định thúc đẩy những người làm công tác thanh tra phải nỗ lực, nghiêm túc trong mọi hoạt động.

Ví dụ điển hình nhất chính là cuộc thanh tra tại Tổng Công ty Mobiphone trong việc mua lại Công ty Cổ phần Nghe nhìn toàn cầu AVG. Có thể nói đây là vụ việc hội tụ khá đầy đủ những áp lực mà cơ quan thanh tra gặp phải như tôi đã nêu trên. Tuy nhiên, với tinh thần quyết tâm, trách nhiệm, bản lĩnh và được sự chỉ đạo quyết liệt của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN cũng như của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, vụ việc đã được kết luận rõ và kiến nghị chuyển cơ quan điều tra xem xét xử lý hình sự đối với các đối tượng vi phạm.

Trong vụ việc này thì đến khi Thanh tra Chính phủ ban hành kết luận rồi vẫn vấp phải sự phản ứng quyết liệt từ phía đối tượng thanh tra và cơ quan quản lý. Nhưng theo kết luận thanh tra và kết quả điều tra thì Nhà nước đã truy thu được số tiền thất thoát lớn trên 8.500 tỷ đồng, phát hiện, xử lý vụ tham nhũng lớn liên quan đến cán bộ cấp bộ trưởng và nhiều cán bộ lãnh đạo, quản lý khác. Kết quả xử lý vụ việc này cũng đã được đánh giá là chính xác, khách quan, rất nghiêm minh, đáp ứng được yêu cầu, kỳ vọng của Đảng, Nhà nước và nhân dân.

+ Để nâng cao hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng nói chung và ngăn chặn có hiệu quả hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp nói riêng, với chức năng, nhiệm vụ của mình, trong thời gian tới, ngành Thanh tra sẽ triển khai các nhiệm vụ, giải pháp như thế nào?

– Phó Tổng Thanh tra Trần Ngọc Liêm: Để nâng cao hơn nữa hiệu quả phát hiện, xử lý tham nhũng và ngăn chặn có hiệu quả hành vi nhũng nhiễu, tiêu cực, gây khó khăn, phiền hà cho người dân, doanh nghiệp, Thanh tra Chính phủ tiếp tục chỉ đạo, tổ chức thực hiện và hướng dẫn các cơ quan thanh tra thực hiện có hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp, tập trung chủ yếu trong 2 lĩnh vực công tác sau:

Một là, về công tác thanh tra

– Hoạt động thanh tra có trọng tâm, trọng điểm, tập trung thanh tra vào các lĩnh vực dễ phát sinh tiêu cực, tham nhũng như: Quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai; xây dựng; cổ phần hoá doanh nghiệp Nhà nước; đầu tư, mua sắm tài sản công; khai thác tài nguyên, khoáng sản.

– Nâng cao chất lượng kết luận thanh tra, đảm bảo chặt chẽ, khách quan, kịp thời và khả thi; xử lý nghiêm minh, kịp thời, đúng pháp luật đối với tập thể, cá nhân vi phạm pháp luật.

– Tập trung nghiên cứu xây dựng Dự án Luật Thanh tra (sửa đổi) đáp ứng yêu cầu của công tác thanh tra, phát hiện, xử lý tham nhũng; hoàn thiện các quy trình nghiệp vụ thanh tra và PCTN.

Hai là, về công tác quản lý Nhà nước trong PCTN

– Tiếp tục triển khai thi hành Luật PCTN năm 2018 và các Nghị định của Chính phủ quy định chi tiết Luật PCTN; tập trung xử lý nghiêm, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc theo Chỉ thị 10/CT-TTg ngày 24/4/2019 của Thủ tướng Chính phủ.

– Tiến hành thanh tra, kiểm tra trách nhiệm của người đứng đầu trong việc thực hiện pháp luật về PCTN, nhất là công tác kê khai tài sản, xác minh tài sản, thu nhập của người có chức vụ, quyền hạn; thực hiện quy định về công khai, minh bạch trên các lĩnh vực;

– Tổ chức thực hiện có hiệu quả Đề án Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về PCTN giai đoạn 2019 – 2021 theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ;

– Tăng cường thực hiện Chỉ thị số 27-CT/TW ngày 10/01/2019 của Bộ Chính trị về bảo vệ người phát hiện, tố giác, đấu tranh chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực;

– Tập trung thực hiện chương trình công tác hàng năm của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN. Tăng cường phối hợp với các cơ quan liên quan để kết thúc điều tra, truy tố, xét xử các vụ án, xử lý các vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp theo đúng kế hoạch của Ban Chỉ đạo Trung ương về PCTN.

– Tổng kết Chiến lược Quốc gia về PCTN đến năm 2020 và Kế hoạch thực hiện Công ước Liên hợp quốc về chống tham nhũng; qua đó, đề xuất chương trình, kế hoạch về công tác PCTN cho các giai đoạn tiếp theo. Mở rộng hợp tác quốc tế, tương trợ tư pháp, trao đổi thông tin, hỗ trợ kỹ thuật, rà soát và hoàn thiện pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả công tác PCTN trong tình hình mới.

+ Xin trân trọng cảm ơn ông!

Tại Hội nghị Tổng kết trực tuyến toàn quốc triển khai nhiệm vụ năm 2021 của ngành Thanh tra, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc hoan nghênh và đánh giá cao những kết quả toàn diện đạt được của Thanh tra Chính phủ và toàn ngành Thanh tra trên các lĩnh vực công tác năm 2020. Trong đó, Thủ tướng đặc biệt nhấn mạnh: “Thanh tra Chính phủ và ngành Thanh tra đã thực hiện tốt vai trò quản lý Nhà nước về PCTN, nhất là trong việc tham mưu và tổ chức triển khai thực hiện các chủ trương, chỉ đạo của Đảng và Nhà nước về công tác này”.
theo Diệu Anh (Thực hiện) – Báo thanh tra

Tin liên quan