Tham nhũng và virus corona

Cập nhật: 03/04/2020 09:56

Thật đáng lo ngại, khi tham nhũng có xu hướng phát triển mạnh trong thời kỳ khủng hoảng. Làm thế nào để ngăn chặn sự lạm dụng quyền lực, tư lợi cá nhân trong đại dịch y tế toàn cầu?

Trong điều kiện bình thường, không dịch bệnh, thế giới mất 500 tỷ USD mỗi năm vì tham nhũng y tế

Khi toàn thế giới đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng y tế toàn cầu chưa từng có, với sự lây lan nhanh chóng tạo thành đại dịch của virus corona hay COVID-19, ưu tiên hàng đầu của các Chính phủ là tăng cường y tế và an toàn cho người dân.

Tuy nhiên, những vấn đề bất thường như thế này cũng có xu hướng phơi bày ra những lỗ hổng trong hệ thống y tế, làm nổi bật những rủi ro và cơ hội tiềm tàng cho tham nhũng.

Điều này thực sự nguy hiểm, bởi tham nhũng có thể làm suy yếu các kế hoạch ứng phó với đại dịch và lấy đi cơ hội được chăm sóc sức khỏe của người dân.

Không phải khi có dịch bệnh, mà ngay trong điều kiện bình thường, tham nhũng trong lĩnh vực y tế đã gây thiệt hại hơn 500 tỷ USD mỗi năm.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe bên bờ vực sụp đổ

Trên toàn cầu, tính đến 10 giờ sáng 30/3, có 199 quốc gia đang phải đấu tranh chống lại đại dịch do COVID-19 gây nên. Hơn 722.000 người đã nhiễm virus và gần 34.000 ca đã tử vong vì COVID-19. Những con số này vẫn đang gia tăng hàng ngày, thậm chí hàng giờ, hàng phút.

Một số lượng cực lớn bệnh nhân cần đến sự chăm sóc y tế, dẫn tới nguy cơ quá tải đối với một số hệ thống y tế quốc gia. Nhiều quốc gia phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt trầm trọng các chuyên gia y tế có thể cung cấp dịch vụ cứu sinh, bị hạn chế trong các lựa chọn điều trị, cũng như không đáp ứng đủ nhu cầu xét nghiệm virus corona phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh.

Xác định nguy cơ tham nhũng

Thật đáng lo ngại khi tham nhũng có xu hướng phát triển mạnh trong thời kỳ khủng hoảng, đặc biệt là khi các thể chế và hoạt động giám sát yếu, cộng thêm lòng tin của công dân xuống thấp.

Loài người đã có được những bài học từ các trường hợp khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu xảy ra trước đây, như đại dịch do virus ebola hay cúm lợn. Một trong số những bài học đó là, ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng, vẫn có những người nhắm đến lợi nhuận từ những người khác bất hạnh.

Xác định những rủi ro tham nhũng trước khi chúng xảy ra có thể giúp tăng cường phản ứng toàn cầu và bảo đảm dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho những người cần nó nhất.

Mua sắm thuốc và thiết bị vật tư y tế

Việc mua sắm thuốc và các vật tư trong ngành Y tế được xác định là một trong những lĩnh vực dễ bị tổn thương bởi tham nhũng.

Theo Văn phòng Chống ma túy và tội phạm của Liên hợp quốc (UNODC), khoảng 10 – 25% tổng số tiền chi cho mua sắm trên toàn cầu bị mất do tham nhũng. Tại Liên minh Châu Âu (EU), 28% các vụ tham nhũng trong ngành Y tế có liên quan cụ thể đến việc mua sắm trang thiết bị y tế.

Và đây là số liệu được ghi nhận trong thời gian bình thường, khi không có đại dịch.

Ảnh minh họa

 

Tính minh bạch, công khai và liêm chính cần được duy trì và mở rộng trên toàn ngành Y tế, nhất là trong mua sắm thuốc, vật tư y tế. Tổ chức Minh bạch Quốc tế (TI) dẫn chứng một ví dụ từ Serbia. Lãnh đạo Nhà nước Serbia đã công khai về việc mua sắm thiết bị y tế không được thực hiện trên văn bản. Mặc dù, việc mua sắm này có thể mang tới lợi ích tốt nhất cho người dân, nhưng nếu ta chấp nhận lý do khủng hoảng để bỏ qua các quy tắc mua sắm và minh bạch, chắc chắn sẽ mở đường cho tham nhũng. Trong khi đó, người đứng đầu Chính phủ nước này lại gieo thêm sự nghi ngại cho người dân khi nói rằng, số lượng mặt nạ phòng độc ở Serbia là một “bí mật quốc gia”.

Ngăn chặn việc nâng giá để trục lợi

Trên khắp thế giới, nhiều quốc gia đang thông báo tình trạng khan hiếm, thiếu cả về thuốc và vật tư y tế cho việc phòng, chống COVID-19. Điều này gây thêm căng thẳng cho các quy trình mua sắm vốn nhạy cảm và làm gia tăng rủi ro. Nhất là khi các nhà cung cấp biết rằng Chính phủ ít có lựa chọn và họ có thể yêu cầu giá cao hơn mức bình thường.

Trong tình huống này, sử dụng các quy trình hợp đồng mở và minh bạch tại chỗ sẽ giúp giảm thiểu các rủi ro. Công khai và minh bạch, không để có góc khuất, đó là cách để những kẻ âm mưu tham nhũng không thể thực hiện hành vi kiểm soát về giá và phải đưa ra mức giá hợp lý cho các hợp đồng với Chính phủ.

Bên cạnh đó, việc dự trữ vật tư y tế như khẩu trang, găng tay và chất khử khuẩn cũng góp phần làm thiếu hụt nguồn cung cấp y tế. Với mục đích thu lợi từ sự hoảng loạn của công chúng, một số thương nhân đã tăng giá đối với người tiêu dùng thông thường.

Nhiều quốc gia đã thực hiện biện pháp mạnh để ngăn chặn việc này.

Chính phủ Ấn Độ thiết lập đường dây nóng để công dân thông tin về các mặt hàng được bán cao hơn giá bán lẻ khuyến nghị.

Thái Lan tiến hành phạt tù những người bán khẩu trang với giá cao. Theo đó, mới đây, Tòa án Hình sự Thái Lan đã kết án 5 bị cáo từ 6 – 18 tháng tù, 2 bị cáo còn lại bị phạt tù treo, hình phạt bổ sung đối với 7 đối tượng này là khoảng 770 USD do bán khẩu trang vượt giá trần do chính phủ quy định.

Tại Mỹ và trên phạm vi toàn thế giới, Công ty Thương mại điện tử Amazon đang tích cực xóa những mặt hàng bị thổi giá hoặc quảng cáo sai lệch có thể chữa khỏi hoặc bảo vệ chống lại virus.

Chính phủ các nước cần tiếp tục có các hành động mạnh mẽ hơn nữa để ngăn chặn các hành vi trục lợi phi đạo đức và để khu vực tư nhân không được bất chấp đặt lợi nhuận lên trên tất cả những thứ khác.

Các quỹ cho điều trị và phát triển vắc xin

Trong khi các Chính phủ đang trong cuộc chiến đấu với đại dịch, thì một cuộc đua cũng đang diễn ra đối với các nhà nghiên cứu, nhà khoa học để phát triển thuốc và vắc xin chống lại COVID-19. Bởi vậy, các Chính phủ đã đầu tư nhiều hơn cho hoạt động nghiên cứu, phát triển này.

Trước đây, năm 2002, Mỹ đã chi gần 700 triệu USD cho nghiên cứu về virus corona, trong đó bao gồm hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS) và hội chứng hô hấp Trung Đông (MERS). Gần đây hơn, Anh đã cam kết gói quỹ 20 triệu bảng cho nghiên cứu virus corona và EU cũng đã tăng ngân sách lên 47,5 triệu euro.

Cùng với việc tăng cường các quỹ để phân phối trên toàn quốc và các tiểu bang, tỉnh, cộng đồng địa phương nhằm hỗ trợ ứng phó khẩn cấp, các Chính phủ cần cẩn trọng để giảm rủi ro tham nhũng.

Với những số tiền lớn như vậy, các Chính phủ nên đi kèm với hoạt động theo dõi, giám sát chặt chẽ, bảo đảm chúng không được sử dụng sai mục đích hay thất thoát vào các ví tham nhũng.

Mới đây, trong một biện pháp cứng rắn, Ủy ban Bài trừ tham nhũng Indonesia (KPK) tuyên bố sẽ tử hình các đối tượng bị kết án tham nhũng, biển thủ công quỹ dành cho chống COVID-19.

Minh bạch về dữ liệu thử nghiệm lâm sàng

Việc nghiên cứu, phát triển thuốc và vắc xin chống COVID-19 là rất quan trọng. Cùng với đó, việc công bố các kết quả thử nghiệm lâm sàng cũng quan trọng không kém. Kết quả này sẽ cho thấy cái gì có hiệu quả, cái gì không, để các nhà nghiên cứu có thể học hỏi từ các nghiên cứu hiện tại mà không mất thời gian để theo đuổi từ đầu và sớm đạt được thành công.

Tuy nhiên, trên thực tế, tỷ lệ công bố kết quả nghiên cứu lâm sàng vốn rất thấp, đặc biệt đối với những nghiên cứu được tài trợ từ công quỹ, trong đó bao gồm cả EU.

Trong khi đó, các thử nghiệm lâm sàng được tài trợ bởi tư nhân có tỷ lệ công khai tốt hơn. Song, nhiều văn bản báo cáo đã được biên tập để phù hợp với yêu cầu bảo vệ dữ liệu nhạy cảm mang tính thương mại.

Một báo cáo năm 2009 của Viện Y học Mỹ (IOM) đã phát hiện, tồn tại những xung đột lợi ích tài chính rộng rãi trên khắp các nghiên cứu y tế, giáo dục và thực hành do ảnh hưởng của tư nhân.

Những điều tra khác về các nghiên cứu được tài trợ bởi tư nhân cũng nhấn mạnh rằng, bản thân các dữ liệu có thể được tác động để tạo ra kết quả thuận lợi trong các thử nghiệm lâm sàng. Điều này cho thấy ảnh hưởng của ngành công nghiệp tư nhân đối với sức khỏe cộng đồng làm suy yếu tính minh bạch của những nghiên cứu quan trọng. Hậu quả là, sức khỏe của vô số cá nhân, gia đình và cộng đồng gặp nguy hiểm.

Sự phát triển của thuốc và vắc xin chống lại virus corona phải là một nỗ lực minh bạch và hợp tác, không phải cuộc cạnh tranh bí mật giữa các công ty tư nhân hay Chính phủ các quốc gia.

Cách đây vài tuần, truyền thông đã nhấn mạnh một cuộc phô trương giữa Mỹ và Đức về việc phát triển vắc xin chống virus corona. Điều này không tạo nên niềm tin vào các nhà lãnh đạo Chính phủ và là tấm gương xấu cho phần còn lại của thế giới về cách hành động trong thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng.

Bài học từ dịch cúm lợn

Theo Tạp chí Y khoa Anh (BMJ), dịch cúm lợn bùng phát trong giai đoạn 2009-2010 đã dẫn tới việc toàn cầu phải chi khoảng 18 tỷ USD để dự trữ Tamiflu – thuốc điều trị cho dịch bệnh này.

Tuy nhiên, sau khi xem xét khoa học các dữ liệu thử nghiệm lâm sàng trong một nghiên cứu kéo dài 4 năm để có được thông tin từ nhà sản xuất dược phẩm có trụ sở tại Thụy Sỹ, Roche, các nhà khoa học thấy rằng, so với Paracetamol, Tamiflu không đạt kết quả tốt hơn trong điều trị cúm lợn.

Ngăn ngừa tin giả và bảo vệ “người thổi còi”

Trong bối cảnh tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu như hiện nay, có những lo ngại nghiêm trọng về sự lan truyền thông tin sai lệch và mối đe dọa thực sự đối với các chuyên gia y tế vì đã lên tiếng về thực tế của COVID-19.

Ở Vũ Hán, Trung Quốc, tâm chấn của đại dịch, “người thổi còi” (whistleblower) – bác sỹ Lý Văn Lượng đã cố gắng đưa ra những cảnh báo sớm về mức độ nghiêm trọng của đại dịch, nhưng chỉ nhận được sự im lặng của các nhà chức trách.

Cảnh sát ở thành phố Vũ Hán đã có văn bản kỷ luật và yêu cầu bác sĩ Lý ký tên vào giấy cam kết, hứa sẽ không “có hành động vi phạm pháp luật”.

Bác sĩ này bị lây nhiễm chéo từ bệnh nhân và tử vong vì COVID-19 hồi tháng 2. Cái chết của ông khiến nhiều người dân Trung Quốc đau xót và chỉ trích giới chức Vũ Hán xử lý trì trệ dịch bệnh lúc mới bùng phát và cố che đậy thông tin.

Chính phủ Trung ương đã mở cuộc điều tra và ngày 19/3 kết luận cảnh sát Vũ Hán “đã hành động không đúng mực khi đưa ra văn bản kỷ luật” bác sĩ Lý và đã “thực thi pháp luật một cách bất thường”. Sau đó, trong một thông báo, cảnh sát Vũ Hán tuyên bố việc kỷ luật bác sĩ Lý là “sai” và gửi lời xin lỗi đến gia đình của anh.

Ảnh minh họa

Ở một khía cạnh khác, tin giả, tin thất thiệt vốn được coi là vấn nạn toàn cầu, và ngay chính trong dịch COVID-19 này, nó đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết bởi đánh trúng vào nỗi lo sợ của mọi người cũng như bản năng thích lan truyền tin đồn, và có lẽ nghiêm trọng hơn, là lối suy nghĩ rằng những nguồn chính thống thì không nói thật.

Thế nên mới có tình trạng người dân ở một số quốc gia tranh giành đồ trong siêu thị, những gian hàng trong siêu thị trống trơn, thậm chí ở Australia người dân tích trữ cả giấy vệ sinh.

Những thông tin hỗn loạn có thể dẫn tới mức độ tin tưởng thấp vào các Chính phủ. Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã phải gọi sự bùng phát của tin tức sai lệch liên quan đến COVID-19 với một thuật ngữ hoàn toàn mới nhưng rất sát nghĩa, “infodemic” (dịch bệnh thông tin).

Theo WHO, infodemic là “tình trạng quá dư thừa thông tin, gồm cả thông tin chính xác và thông tin không chính xác, khiến mọi người rất khó tìm ra những nguồn tin đáng tin và chỉ dẫn tin cậy khi họ cần”.

Trước mối quan ngại tin giả, điều cần làm là Chính phủ các nước hành động theo cách thức “mở” và minh bạch nhằm xây dựng và duy trì niềm tin của người dân.

Rủi ro về hối lộ

Khi các bệnh viện đang đấu tranh để đối phó với COVID-19 và đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân viên y tế, giường bệnh, máy thở và các thiết bị khám chữa khác, thì xuất hiện lo ngại về nguy cơ hối lộ.

Trong lúc đó, các nhà cung cấp dịch vụ y tế cũng phải đối mặt với những quyết định rất khó khăn về việc bệnh nhân nào sẽ được điều trị, dựa trên tiêu chí ai cần được chăm sóc nhất.Điều này tạo ra một môi trường thuận lợi cho hối lộ chen chân vào.

Theo báo cáo năm 2017 của Ủy ban Châu Âu, 19% công dân EU báo cáo đã đưa hối lộ cho dịch vụ chăm sóc sức khỏe. Tỷ lệ này tăng lên 29% ở Đức, Pháp và Tây Ban Nha.

Tương tự, năm 2019, Phong vũ biểu tham nhũng toàn cầu – Khu vực châu Phi, khu vực Trung Đông và Bắc Phi (MENA) cũng cho thấy tỷ lệ hối lộ ở các bệnh viện và trung tâm y tế là 14%. Ở Mỹ Latin và vùng Caribbean, tỷ lệ này là 10%.

Một thực tế không thể phủ nhận, người bệnh sẵn sàng trả tiền hối lộ để được chăm sóc y tế trong thời gian càng sớm càng tốt. Điều này có thể khiến những người bệnh đang gặp hiểm nghèo nhất gặp nguy kịch khi họ phải ở phía dưới của danh sách chờ đợi.

Bài học từ đại dịch Ebola

Sự bùng phát, lây lan nhanh và chậm trễ trong ngăn chặn virus khiến Ebola trở thành đại dịch trong thời gian từ năm 2014 – 2016. Đại dịch Ebola cũng cho chúng ta những bài học về tham nhũng trong thời kỳ khủng hoảng.

Hội Chữ thập đỏ Quốc tế ước tính, tham nhũng đã lấy đi hơn 6 triệu USD khi dịch bệnh bùng phát ở Guinea và Sierra Leone. Các báo cáo cho thấy, trong đại dịch Ebola, các quỹ bị chuyển hướng, tồn tại sai phạm trong quản lý quỹ, chi trả sai lương, thanh toán trùng lặp cho các nguồn cung cấp và hối lộ các chuyên gia y tế để được chăm sóc hoặc rời khỏi khu vực cách ly.

Bài học từ đại dịch SARS

Khi đại dịch SARS bùng nổ năm 2003, Đài Loan (Trung Quốc) đã thành lập một trung tâm chỉ huy quốc gia để hỗ trợ phối hợp và giải quyết các tình huống khẩn cấp về sức khỏe trong tương lai. Bằng các biện pháp tăng cường minh bạch, khai thác công nghệ mới và phát triển một kế hoạch phòng ngừa mạnh mẽ, Đài Loan đã có được những kết quả tốt trong đối phó với các dịch bệnh quy mô lớn, như virus corona.

Có thể nói, sau sự bùng phát của cả Ebola ở Tây Phi và SARS ở châu Á, cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe đã được cải thiện nhờ vào sự gia tăng kiểm soát và các nguồn lực bổ sung dành riêng cho việc tăng cường các hệ thống y tế.

Cuộc chiến phía trước

Khi đại dịch COVID-19 tiếp tục lan rộng, điều quan trọng là phải thảo luận cởi mở và thẳng thắn về các lỗ hổng trong hệ thống y tế của chúng ta để ngăn chặn tham nhũng xảy ra.

Ảnh minh họa

TI kêu gọi Chính phủ các nước hành động minh bạch hơn để cải thiện việc mua sắm thuốc cứu sinh và vắc xin; thúc đẩy các hợp đồng công khai, minh bạch; ngăn chặn việc tăng giá thuốc, vật tư y tế; và chia sẻ thông tin về tình trạng thiếu thuốc một cách kịp thời.

Ngoài ra, Chính phủ các nước nên cải thiện tính minh bạch của hệ thống dữ liệu thử nghiệm lâm sàng để các nhà khoa học có thể xây dựng dựa trên những nghiên cứu hiện tại, thay vì phải bắt đầu lại từ đầu.

Quan trọng không kém, các Chính phủ nên hành động nhiều hơn nữa để ngăn chặn sự truyền bá thông tin sai lệch, bảo vệ “người thổi còi” trong nỗ lực cứu sống con người và giảm nguy cơ hối lộ tại các bệnh viện, trung tâm y tế.

Cuối cùng, giảm ảnh hưởng của các lợi ích riêng tư là điều cần thiết để các Chính phủ đưa ra quyết định tốt hơn cho lợi ích cộng đồng. Sức khỏe cộng đồng, chứ không phải lợi ích chính trị hay doanh nghiệp, phải luôn được đặt lên hàng đầu.

Hoài Phương (Theo TI)

https://thanhtra.com.vn/quoc-te/tin-tuc/tham-nhung-va-virus-corona_t238c52n162842

Tin liên quan