Tham vấn ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND

Cập nhật: 01/03/2024 08:46

* Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự

Ngày 29.2, tại TP. Hòa Bình, tỉnh Hòa Bình, Thường trực Hội đồng Dân tộc đã tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến về hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND.

Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Quốc hội, Thượng tướng Trần Quang Phương dự và phát biểu chỉ đạo. Ủy viên Trung ương Đảng, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm chủ trì Hội thảo.

Tham dự Hội thảo có: Ủy viên dự khuyết Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Hòa Bình Nguyễn Phi Long; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hòa Bình Bùi Đức Hinh; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Hòa Bình Bùi Văn Khánh; đại diện Thường trực Ủy ban Pháp luật, Ủy ban Tư pháp, đại diện HĐND các tỉnh phía Bắc.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, Chủ tịch Hội đồng Dân tộc Y Thanh Hà Niê Kđăm đề nghị các đại biểu tham luận, thảo luận thẳng thắn, trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào 3 vấn đề:

Một là, xác định các tồn tại, vướng mắc chủ yếu trong thực tiễn hoạt động giám sát tại địa phương qua hơn 8 năm thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; các vấn đề thực tiễn phát sinh chưa có quy định của luật điều chỉnh hoặc điều chỉnh chưa đầy đủ, chưa rõ ràng.

Hai là, góp ý các nội dung được thể hiện trong các tài liệu của hồ sơ lập đề nghị xây dựng Luật, nhất là các chính sách, các kiến nghị sửa đổi, bổ sung liên quan đến hoạt động giám sát tại địa phương tại dự thảo tờ trình, báo cáo đánh giá tác động của chính sách và đề cương dự thảo Luật; các chính sách trong các văn bản quy phạm pháp luật dưới luật (như: chính sách trong các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội…) cần được luật hóa tại dự án Luật này.

Ba là, kiến nghị thêm các giải pháp về chính sách, nội dung sửa đổi, bổ sung các quy định của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND hiện hành để nâng cao hơn nữa hiệu lực, hiệu quả hoạt động giám sát của các cơ quan có thẩm quyền.

Tại Hội thảo, các đại biểu đánh giá cao dự thảo Tờ trình đề nghị xây dựng dự án Luật và dự thảo đề cương chi tiết Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND đã được chuẩn bị khá công phu, có chất lượng cao. Tuy nhiên, một số ý kiến cho rằng, dự thảo Tờ trình vẫn chưa nêu bật được những vấn đề đang thật sự vướng mắc trong thực tiễn triển khai thi hành Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND năm 2015.

Các đại biểu đề nghị, cơ quan soạn thảo cần quan tâm các vấn đề như hiệu quả của hoạt động giám sát; giá trị pháp lý của kết luận giám sát; tính chất tối cao của hoạt động giám sát của Quốc hội trong phân định thẩm quyền, trách nhiệm giám sát của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội, cá nhân đại biểu Quốc hội; phạm vi giám sát giữa Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và các cấp HĐND để tránh tình trạng chồng chéo; giám sát của HĐND trong mô hình chính quyền đô thị… Đây là những nội dung cần nghiên cứu, hoàn thiện thêm nhằm nâng cao hiệu quả, hiệu lực giám sát của Quốc hội,  HĐND trong điều kiện phát triển mới của đất nước.

Phát biểu kết luận Hội thảo, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương đánh giá cao các ý kiến sắc sảo và trách nhiệm của các đại biểu, chuyên gia, nhà khoa học tại hội thảo; đề nghị, cơ quan soạn thảo tiếp tục rà soát lại toàn bộ bố cục, nội dung dự thảo Tờ trình bám sát chủ trương lớn của Đảng, làm cho hoạt động giám sát trở thành trọng tâm, then chốt trong hoạt động của Quốc hội, giám sát để kiến tạo, truy đến cùng nhưng cũng phải kiến tạo đến cùng; gắn hoạt động giám sát với hoạt động lập pháp và quyết định các vấn đề quan trọng quốc gia.

Phó Chủ tịch Quốc hội yêu cầu xác định rõ trọng tâm của việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND, làm rõ chất vấn quy định vấn đề gì, giải trình quy định vấn đề gì, giám sát văn bản quy phạm pháp luật ra sao, xem xét các Nghị quyết, kết luận sau giám sát, lấy phiếu tín nhiệm… Trên cơ sở rà soát các Nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để chọn vấn đề luật hóa theo tinh thần phải là những vấn đề đã chín, đã rõ, được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng, tạo được sự đồng thuận cao.

Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị, cần thực hiện rà soát, phân loại cơ sở chính trị, cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn, bảo đảm các cơ sở này phải thực sự vững chắc để sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND; tiếp tục làm rõ mục đích, quan điểm xây dựng Luật, trong đó chú trọng yêu cầu sửa đổi để thực hiện chủ trương của Đảng về kiểm soát quyền lực.

Cho rằng các nhóm chính sách trong hồ sơ đề nghị xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND hiện còn chung chung, Phó Chủ tịch Quốc hội lưu ý, cần đánh giá tác động theo từng chính sách cụ thể, lựa chọn những chính sách đủ chín, đủ rõ, được sự đồng thuận để đưa vào phạm vi, nội dung chính sách, tuyệt đối không vì muốn đưa vào mà đánh giá không đúng, không trúng.

Phó Chủ tịch Quốc hội nhấn mạnh, việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Hoạt động giám sát của Quốc hội và HĐND phải mẫu mực về tinh thần, trách nhiệm tiếp thu, giải trình; mẫu mực về nội dung luật và mẫu mực cả về quy trình; đã làm tốt thì phải cố gắng làm tốt hơn.

theo Hoàng Ngọc- Báo Đại biểu nhân dân

Tin liên quan