Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh”

Cập nhật: 10/05/2022 16:17

Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực rất được dư luận quan tâm với kỳ vọng tiếp tục có thêm bước tiến mới, khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” trong công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Đề cao tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”

Phát biểu về Đề án thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (PCTN, TC) tại Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII (khai mạc ngày 4/5), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cho biết, Bộ Chính trị đã giao cho Ban Nội chính Trung ương chủ trì, phối hợp với các cơ quan hữu quan khẩn trương, nghiêm túc nghiên cứu, xây dựng Đề án. Qua góp ý xây dựng Đề án, đã có tất cả 63/63 tỉnh ủy, thành ủy nhất trí với chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về PCTN, TC (BCĐ cấp tỉnh).

Có thể khẳng định, chủ trương thành lập BCĐ cấp tỉnh nhằm góp phần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện công tác PCTN, TC của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta một cách quyết liệt, đồng bộ từ Trung ương đến địa phương, theo tinh thần “trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt”. Đặc biệt, mặc dù chưa có chủ trương song đã có 5 tỉnh, thành trực thuộc Trung ương thành lập BCĐ cấp tỉnh gồm Hà Nội, Thái Bình, Sóc Trăng, An Giang, Khánh Hòa.

Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” ảnh 1Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ)

Bàn về sự cần thiết thành lập BCĐ cấp tỉnh, ông Đinh Văn Minh, Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Thanh tra Chính phủ) cho rằng, thời gian gần đây, việc phát hiện và xử lý các vụ việc tham nhũng tại các địa phương đã có bước chuyển mình, nhưng thực tế cũng vô cùng khó khăn bởi có một giai đoạn, việc phát hiện ở địa phương, cơ sở rất ít. Ở địa phương không thiếu cơ chế thanh tra, kiểm tra, giám sát nhưng vẫn xảy ra những vụ án tham nhũng, thậm chí rất lớn như ở Bình Dương, Bình Thuận…

Vấn đề là phải chăng chúng ta chưa có sự chỉ đạo, sự phối hợp giữa các cơ quan trong cuộc chiến chống tham nhũng, giống như BCĐ Trung ương về PCTN, TC. Trong khi ở địa phương có sự gắn kết, có mối liên hệ thâm tình nên việc phát hiện, xử lý ràng buộc lẫn nhau… Đến nay, sự chuyển biến trong công tác PCTN, TC ở địa phương là do có chỉ đạo từ Trung ương, còn bản thân địa phương chưa có “bộ tư lệnh” chỉ đạo công tác này. Đã đến lúc phải có “bộ chỉ huy”, người đứng đầu để đề cao trách nhiệm, có sự phối hợp, nâng cao hiệu quả đấu tranh, PCTN, TC ở địa phương.

Theo Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa, công tác PCTN, TC của chúng ta đã và đang bước vào giai đoạn hết sức quyết liệt để phát hiện, xử lý những “quan tham”. Tuy nhiên, thời gian vừa qua, chúng ta mới chỉ có Ban Chỉ đạo PCTN, TC ở Trung ương, không thể làm xuể cả 63 tỉnh, thành trên cả nước nên việc thành lập BCĐ cấp tỉnh hiện nay đã quá chín muồi, nếu không nói là trễ. Việc lập BCĐ cấp tỉnh là rất quan trọng, là điều kiện tiên quyết tăng cường hơn nữa công tác đấu tranh PCTN, TC, nhằm phân công trách nhiệm từng thành viên BCĐ để xử lý nghiêm hành vi tham nhũng, tiêu cực.

Giải pháp phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo cấp tỉnh

Theo ông Đinh Văn Minh, một nguyên nhân khiến người đứng đầu “nhúng chàm”, bị xử lý kỷ luật, thậm chí rất nặng là do sự kiểm tra, giám sát ngay trong cấp ủy, chính quyền địa phương, sự kiểm tra, giám sát từ Trung ương hiệu quả chưa cao. Điều này đòi hỏi phải tăng cường sức mạnh của tập thể, của cấp ủy và nâng cao sức chiến đấu từ trong chi bộ đến cấp ủy nhằm đảm bảo người đứng đầu thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của mình, thực hiện vị trí nêu gương của mình trong công tác PCTN, TC.

Bên cạnh đó, phải phát huy vai trò của người dân, của xã hội để làm sao BCĐ Trung ương và BCĐ cấp tỉnh tới đây phải là nơi người dân, cán bộ, đảng viên có thể nói được tiếng nói của mình, phản ánh được các hiện tượng tham nhũng, tiêu cực, từ đó giúp các cơ quan chức năng nhanh chóng phát hiện, xử lý vụ việc tham nhũng, tiêu cực ở địa phương.

Thành lập Ban Chỉ đạo cấp tỉnh về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực: Khắc phục tình trạng “trên nóng, dưới lạnh” ảnh 2
Phó Chủ tịch Hội Luật gia tỉnh Đồng Tháp Phạm Văn Hòa.

Ông Phạm Văn Hòa thì quan niệm, BCĐ cấp tỉnh là “cánh tay nối dài” của BCĐ Trung ương để thực hiện chức trách, trọng trách trong PCTN, TC của địa phương theo sự phân cấp, phân quyền của BCĐ Trung ương. Song cũng cần lưu ý BCĐ cấp tỉnh có thể không thực hiện hết nhiệm vụ của mình bởi đã có cán bộ lãnh đạo địa phương vi phạm pháp luật, bị kỷ luật – dù đó chỉ là những “con sâu làm rầu nồi canh”. Vì vậy, khi thành lập BCĐ cấp tỉnh cần có sự hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc, nhắc nhở, theo dõi của BCĐ Trung ương.

Ông Phạm Văn Hòa cho rằng, BCĐ cấp tỉnh phải lựa chọn những con người tiêu biểu, có phẩm chất đạo đức tốt, có năng lực trình độ, phải công tâm, khách quan, vô tư trong xử lý các hành vi tham nhũng, tiêu cực trong nội bộ cũng như ngoài xã hội khi phát hiện hành vi tham nhũng, tiêu cực. Có như thế, BCĐ cấp tỉnh mới phát huy hiệu quả, sẽ gương mẫu và làm tốt hơn nữa để giảm dần tình trạng tham nhũng, tiêu cực trên cả nước, củng cố niềm tin yêu của người dân với Đảng, với Nhà nước.

Về phân cấp, phân quyền, cần rõ ràng vụ việc nào của Trung ương, vụ việc nào của cấp tỉnh. Chẳng hạn, những vụ án liên quan đến nhiều tỉnh, thành, liên quan đến người đứng đầu cấp tỉnh sẽ do BCĐ Trung ương theo dõi, chỉ đạo; những vụ án không liên quan đến người đứng đầu cấp tỉnh sẽ do BCĐ cấp tỉnh chỉ đạo và BCĐ Trung ương theo dõi. Từ đó việc thực hiện nhiệm vụ PCTN, TC sẽ nhịp nhàng, “trên dưới đồng lòng” như Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã nói.

theo T.Quyên – Báo Pháp luật Việt Nam

Tin liên quan