Trước đó, Thanh tra Bộ Tư pháp nhận được đơn tố giác bà Trần Ngọc Bích (SN 1984, người đại diện theo pháp luật của Cty TNHH TM-DV Tân Hiệp Phát) và ông Phạm Phú Quốc (Phạm Phú Quốc (SN 1980, HKTT Phạm Văn Chiêu, phường 12, quận Gò Vấp, TP HCM; Trưởng phòng Động lực khối sản xuất Cty Tân Hiệp Phát) đã vi phạm quy định pháp luật trong cuộc đấu giá QSDĐ Khu dân cư Phú Thịnh (giai đoạn 1, phường Tân Phú, Đồng Xoài, Bình Phước). Cuộc đấu giá này tổ chức từ 7 – 9/5/2021, trong đó bà Bích ủy quyền cho cha là ông Trần Quí Thanh (ông chủ Cty Tân Hiệp Phát), ông Quốc ủy quyền cho người có tên Phạm Minh Hải tham gia đấu giá.
Quyết định thanh tra của Bộ Tư pháp. |
Ông Quốc và bà Bích liên quan gì với nhau?
Theo hồ sơ, ngày 19/6/2020, UBND Bình Phước có Quyết định 1351/QĐ-UBND phê duyệt phương án đấu giá QSDĐ khu dân cư Phú Thịnh. Khu đất đấu giá rộng gần 80 ngàn m2, gồm các lô đất ở đô thị và 4.490,9 m2 đất thương mại dịch vụ, bãi xe (trong đó khu đất thương mại dịch vụ rộng hơn 3.000m2).
Khu đất đã được Bình Phước đầu tư hạ tầng, gần dự án Trung tâm thương mại Đồng Xoài, được kỳ vọng người trúng đấu giá sẽ sớm đưa đất vào sử dụng, tạo điểm nhấn cho “thành phố trẻ” Đồng Xoài.
Ngày 7/8/2020, UBND tỉnh có Quyết định 1818/QĐ-UBND phê duyệt giá khởi điểm bán đấu giá. Ngày 22/3/2021, UBND tỉnh ra Quyết định 732/QĐ-UBND, cho đấu giá từng lô với 76 lô đất ở đô thị; đấu giá theo cụm với 284 lô đất ở đô thị, 1 lô đất thương mại dịch vụ và 1 lô đất bãi xe (11 cụm).
Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản (DVĐGTS) tỉnh Bình Phước là đơn vị được lựa chọn tổ chức việc đấu giá. Ngày 13/4/2021, Trung tâm DVĐGTS ban hành quy chế cuộc đấu giá.
Theo quy chế: “1 tổ chức, hộ gia đình chỉ được 1 cá nhân đại diện tham gia đấu giá; trường hợp có 2 DN trở lên thuộc một TCty hoặc tập đoàn thì chỉ 1 DN tham gia đấu giá; trường hợp TCty hoặc tập đoàn với Cty thành viên, Cty mẹ và Cty con, DN liên doanh với một bên góp vốn trong liên doanh thì chỉ được một DN tham gia đấu giá”. Quy định này được đánh giá là rất rõ ràng, cụ thể, mục đích hạn chế tình trạng “quân xanh quân đỏ”, thông đồng dìm giá tài sản.
Tiền đặt trước là 15% trên giá khởi điểm của lô đất đấu giá. Tổng giá khởi điểm là hơn 673 tỷ, thời gian tổ chức cuộc đấu giá là ngày 7/5/2021. Theo tính toán, nếu muốn tham gia đấu giá toàn bộ diện tích trên, người tham gia phải nộp số tiền đặt trước là 101 tỷ.
Thời điểm này, bà Trần Ngọc Bích và cha là Trần Quí Thanh, chị gái là Trần Uyên Phương; cùng nhóm nhân viên như Vũ Anh Tuấn, Võ Thị Khánh Chi… vừa bị Công an Bà Rịa – Vũng Tàu nghi vấn đã thông đồng dìm giá khi “quân xanh quân đỏ” trong cuộc đấu giá 80 ngàn m2 “đất vàng” tại Côn Đảo. Sự việc một số nhân viên Tân Hiệp Phát “núp bóng” là nhân viên Cty Bất động sản Song Thanh tại khu đất công bỏ hoang 414 Nơ Trang Long (TP HCM) cũng đã bị phát hiện.
Trụ sở Trung tâm DVĐGTS Bình Phước. |
Thế nên trong cuộc đấu giá mới này, một “nhân vật mới” khác với những người kia có mặt. Đó là ông Phạm Phú Quốc (1980, HKTT Phạm Văn Chiêu, phường 12, quận Gò Vấp, TP HCM). Bà Bích và ông Quốc đăng ký “đấu nhau” để mua tất cả các lô và cụm đất trong cuộc đấu giá.
Trên thực tế, ông Quốc chính là người làm công ăn lương của Tân Hiệp Phát, là Trưởng phòng Động lực khối sản xuất Cty Tân Hiệp Phát. Ông Quốc cũng là Tổng Giám đốc, Chủ tịch HĐQT, người đứng tên đại diện theo pháp luật cho Cty CP Cảng Quốc tế Sao Biển. Đây là Cty có bà Phạm Thị Nụ (vợ ông Thanh, mẹ bà Phương bà Bích) là thành viên HĐQT. HĐQT Cty này còn có ông Vũ Anh Tuấn là người làm thuê cho Tân Hiệp Phát, và đã bị Công an Bà Rịa – Vũng Tàu kết luận cùng cha con ông Thanh và bà Võ Thị Khánh Chi… “có sự thông đồng, móc nối với nhau để dìm giá giành quyền mua tài sản mà không phải đấu giá với đối thủ nào khác; ảnh hưởng đến quyền lợi của chủ tài sản”.
Ông Quốc (người bên trái) là cấp dưới của bà Trần Ngọc Bích. |
Bà Bích và ông Quốc đã vi phạm quy chế cuộc đấu giá khi cùng thuộc một tổ chức nhưng vấn đăng ký tham gia “đấu nhau”, nhưng vi phạm này vẫn không bị Trung tâm Dịch vụ ĐGTS tỉnh Bình Phước chỉ ra.
Kết quả đấu giá bất thường
Vậy tiền đâu để bà Bích ông Quốc mỗi người có hơn 100 tỷ đặt trước? Thời điểm này, Công an Bà Rịa – Vũng Tàu vừa phát hiện thủ đoạn cha con ông Thanh và nhân viên dùng một khoản tiền chuyển lòng vòng cho nhau để lấy xác nhận số dư “chứng minh khả năng tài chính”; và chuyển tiền đặt trước cho “bù nhìn”. Và sau khi đấu giá kiểu “quân xanh quân đỏ xong”, khi nhận lại tiền đặt trước, “bù nhìn” sẽ lập tức chuyển trả về “ông bà chủ”. Thủ đoạn này còn được sử dụng trong cuộc đấu giá này hay không?
Theo đơn tố cáo của ông Trần Phước Lộc (ngụ quận Bình Tân, TP HCM) gửi cơ quan chức năng và báo chí, lần này người của Tân Hiệp Phát không sử dụng “chiêu trò” cũ; mà dùng một khoản tiền nộp vào tài khoản một Cty “con”, sau đó “sớt” sang một tài khoản ngân hàng khác cũng của Cty này, chuyển lòng vòng qua một vài người khác rồi mới tới ông Quốc để nộp Trung tâm DVĐGTS Bình Phước.
Bà Bích ông Quốc “đấu nhau” và bà Bích trúng đấu giá toàn bộ 10/11 cụm (gồm 284 lô đất ở đô thị, 1 lô đất thương mại dịch vụ và 1 lô bãi xe) và 54/76 lô riêng lẻ. |
Từ ngày 7 – 9/5/2021, cuộc đấu giá được tổ chức. Bà Bích ủy quyền cho ông Trần Quí Thanh tham dự, ông Quốc ủy quyền cho người có tên Phạm Minh Hải đi “đấu” ông Thanh.
Kết quả, bà Bích trúng đấu giá toàn bộ 10/11 cụm (gồm 284 lô đất ở đô thị, 1 lô đất thương mại dịch vụ và 1 lô bãi xe) và 54/76 lô riêng lẻ. Ông Quốc tham gia nhưng không trúng bất cứ lô nào. Tiền đặt trước của ông Quốc, Trung tâm DVĐGTS Bình Phước đã trả lại toàn bộ sau khi kết thúc cuộc đấu giá.
Đến nay, UBND Bình Phước đã công nhận “kết quả đấu giá” nêu trên.
Người tố cáo Trần Phước Lộc cho rằng: “Với vi phạm trên của bà Bích ông Quốc và một số đối tượng, đã có dấu hiệu của Tội vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản được quy định tại Điều 218 BLHS. Vi phạm trên càng gây bức xúc dư luận, vì ngay trong thời điểm bị Công an Bà Rịa – Vũng Tàu xác minh điều tra về cùng hành vi, các đối tượng vẫn chuyển địa bàn khác đăng ký đấu giá đất rồi thông đồng dìm giá. Vì vậy tôi đề nghị Thanh tra Bộ Tư pháp cần xác minh rõ ràng những dấu hiệu vi phạm của các đối tượng, nếu đủ các yếu tố thì cần kiến nghị, chuyển CQĐT Bộ Công an vào cuộc làm rõ”.
Trong một số cuộc đấu giá ông Trần Quí Thanh, bà Trần Ngọc Bích tham gia; đều thấy ông Phạm Phú Quốc, ông Phạm Minh Hải, ông Vũ Anh Tuấn, bà Võ Thị Khánh Chi… tham gia cùng. Thực tế những người này đều là người làm thuê trong Tân Hiệp Phát, nhưng núp “vỏ bọc” khác.
Tân Hiệp Phát có trụ sở gần 40ha tại số 219 Đại lộ Bình Dương, TP Thuận An, Bình Dương; do ông Thanh cùng vợ Phạm Thị Nụ và hai con gái nắm hoàn toàn 100% vốn góp.
Tại trụ sở THP, có ba khối thuộc “Tập đoàn THP” làm việc: 1. Khối nhà máy. 2. Khối bất động sản (BĐS) với các phòng ban Đầu tư, Pháp lý, Kinh doanh, Pháp chế, Thiết kế, Kế toán, Nhân sự… 3. Khối sản xuất với các phòng ban Tài chính – Kế toán, Cung ứng, Maketting, Bán hàng, Động lực, Ngân quỹ, Nhân sự…
Gia đình ông Thanh còn sở hữu hàng loạt Cty khác, nhưng cho nhân viên đứng tên. Theo thống kê chưa đầy đủ, chỉ riêng tại Bà Rịa – Vũng Tàu, TP HCM, Bình Dương vợ chồng ông Thanh và hai con gái đứng tên, là chủ sở hữu, góp vốn… hơn 40 Cty.
Những Cty này cũng chính là “bình phong” để người của Tân Hiệp Phát sử dụng vào mục đích “quân xanh quân đỏ” đấu giá. Như Cty Song Thanh tại 414 Nơ Trang Long (TP HCM), thực chất là khu đất công của Nhà nước đang bị Cty Sơn Bạch Tuyết thuê trả tiền hàng năm rồi bỏ hoang lãng phí, nhưng địa chỉ này vẫn được coi là “trụ sở” của Cty Song Thanh (do bà Trần Uyên Phương nắm 99% cổ phần), và bà Võ Thị Khánh Chi đóng BHXH tại đây (dù thực tế bà Chi là Trưởng phòng của Tân Hiệp Phát, làm việc tại Tân Hiệp Phát).
Đây cũng là lý do khiến các đơn vị đấu giá, cơ quan chức năng, cơ quan điều tra gặp khó khăn khi thanh kiểm tra, điều tra các dấu hiệu vi phạm đấu giá đất của người thuộc Tân Hiệp Phát.