Sáng 30-12, tại Hà Nội, Bộ Công an tổ chức hội nghị Tổng kết công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) theo chức năng của lực lượng Công an nhân dân (CAND) từ năm 2013 đến nay. Đồng chí Nguyễn Xuân Phúc, Ủy viên Bộ Chính trị, Thủ tướng Chính phủ dự và phát biểu ý kiến chỉ đạo.
Cùng có các có các đồng chí: Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Phó trưởng Ban Chỉ đạo T.Ư về PCTN; Nguyễn Hòa Bình, Bí thư T.Ư Đảng, Chánh án Tòa án Nhân dân tối cao; các đồng chí trong Đảng ủy Công an T.Ư, lãnh đạo Bộ Công an; các bộ, ban, ngành T.Ư…Đại tướng Tô Lâm, Ủy viên Bộ Chính trị, Bộ trưởng Công an, chủ trì hội nghị.
Báo cáo tại hội nghị nêu rõ, từ năm 2013 đến nay, Đảng ủy Công an T.Ư, Bộ Công an đã ban hành 186 văn bản liên quan công tác PCTN trong CAND. Bộ Công an tích cực tham gia xây dựng và hoàn thiện thể chế góp phần phòng ngừa tham nhũng; đã chủ trì, phối hợp các bộ, ngành chức năng tham mưu ban hành 131 văn bản; trực tiếp ban hành 1.642 văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản khác có liên quan PCTN. Cũng trong giai đoạn này, lực lượng CAND tiếp nhận 1.074 tố giác, tin báo tội phạm và kiến nghị khởi tố về tội phạm tham nhũng (đã xử lý tất cả các nguồn tin, trong đó kết luận, giải quyết 863 đơn theo chức năng, nhiệm vụ, khởi tố 292 vụ án, 409 bị can).
Nhiều vụ án, vụ việc tham nhũng kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, kể cả những vụ việc tồn đọng từ nhiều năm trước được xử lý dứt điểm, nghiêm minh, đúng pháp luật với quan điểm “không có vùng cấm”, “không có ngoại lệ”, dù bất kể đó là ai, không còn tình trạng xử lý thiếu kiên quyết, kéo dài, “chìm xuồng”; việc mở rộng điều tra các vụ án được thực hiện triệt để hơn, đi sâu làm rõ bản chất chiếm đoạt, vụ lợi của các đối tượng.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao Bộ Công an đã sớm quán triệt, triển khai chỉ đạo của đồng chí Tổng Bí thư, Chủ tịch nước để cụ thể hóa các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, thiết thực trong giai đoạn tới, cũng như thể hiện quyết tâm chính trị cao của toàn lực lượng CAND trong công tác PCTN.
Thủ tướng biểu dương, đánh giá cao những đóng góp quan trọng, tích cực của lực lượng CAND vào thành quả chung công cuộc PCTN của cả hệ thống chính trị từ năm 2013 đến nay, bởi vì lực lượng CAND là lực lượng nòng cốt, chủ công trong đấu tranh, điều tra các vụ án tham nhũng.
Để bảo đảm PCTN hiệu quả, căn cơ, lâu dài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Bộ Công an cần phối hợp chặt chẽ với Thanh tra Chính phủ, các cơ quan liên quan trong quá trình xây dựng, hoàn thiện thể chế nhằm phòng ngừa tham nhũng; tập trung tham mưu, đề xuất cơ chế, chính sách nhằm khắc phục những sơ hở, bất cập. Thực hiện tốt hơn nữa các giải pháp phòng ngừa tham nhũng, lãng phí, hoàn thiện cơ chế phòng ngừa, bảo đảm “không thể tham nhũng”, nhất là quy định về kiểm soát tài sản, thu nhập, thu hồi tài sản tham nhũng; xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về kiểm soát tài sản, thu nhập của từng người có chức vụ, quyền hạn. Tiếp tục củng cố, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan điều tra trong CAND; tăng cường cán bộ có năng lực, trình độ, kinh nghiệm, đặc biệt phải thật sự trong sạch, liêm khiết làm nhiệm vụ PCTN. Nâng cao hiệu quả công tác phát hiện, điều tra án tham nhũng theo chức năng, thẩm quyền của cơ quan điều tra các cấp trong CAND đúng quy trình, đúng quy định pháp luật; xử lý nghiêm minh đối với các đối tượng phạm tội bảo đảm khách quan, thận trọng, thấu đáo trên nguyên tắc thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm”, bảo đảm nguyên tắc suy đoán vô tội, trọng chứng hơn trọng cung, không bỏ lọt tội phạm nhưng không được làm oan người vô tội.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, trong điều tra, truy tố, xét xử cần xem xét cụ thể bối cảnh, môi trường và thiệt hại cụ thể để xem xét, xử lý đúng pháp luật, nhân văn, có lý, có tình. Mục tiêu quan trọng nhất của chúng ta là ổn định xã hội để phát triển kinh tế – xã hội, vì vậy trong điều tra xử lý không hình sự hóa các quan hệ dân sự, hành chính để doanh nghiệp và người dân yên tâm đầu tư sản xuất, kinh doanh, nhưng không được bỏ lọt tội phạm, không tạo cơ sở cho tham nhũng, tiêu cực.
Thủ tướng đề nghị đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, chú trọng công tác điều tra, mở rộng vụ án, kết luận, đề xuất xử lý triệt để, nghiêm minh, đề nghị truy tố đúng người, đúng tội, đúng pháp luật… Chủ động làm tốt công tác phối hợp các cơ quan có thẩm quyền trong công tác đấu tranh PCTN, nhất là quy chế phối hợp Ủy ban Kiểm tra T.Ư, Thanh tra Chính phủ, Kiểm toán Nhà nước trong phòng ngừa, phát hiện hành vi tham nhũng; phối hợp chặt chẽ các ngành khối nội chính, nhất là Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao các cấp trong việc điều tra, truy tối, xét xử tội tham nhũng. Đặc biệt làm tốt công tác PCTN trong nội bộ, góp phần làm trong sạch đội ngũ…
Phát biểu ý kiến kết luận hội nghị, Bộ trưởng Công an Tô Lâm đề nghị Công an các đơn vị, địa phương phải đồng thời làm tốt hai nhiệm vụ: đấu tranh PCTN ngoài xã hội theo chức năng, nhiệm vụ của lực lượng Công an và phòng ngừa đấu tranh chống tham nhũng ngay trong nội bộ. Bộ trưởng yêu cầu Thủ trưởng Công an các cấp đề cao trách nhiệm của người đứng đầu, gương mẫu, quyết liệt, nói đi đôi với làm, phát huy trí tuệ tập thể trong việc tự kiểm tra, phát hiện và xử lý tham nhũng, xử lý nghiêm các trường hợp sai phạm, tiêu cực, các hành vi tham nhũng, bao che, dung túng, tiếp tay cho tham nhũng; can thiệp, cản trở việc chống tham nhũng…
Tại hội nghị, thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc trao Huân chương Chiến công hạng Nhất tặng Bộ Công an; Huân chương Quân công hạng Nhất tặng Đại tướng Tô Lâm và một số lãnh đạo Bộ Công an. Thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước, đồng chí Trần Quốc Vượng trao danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân tặng Trung tướng Phạm Quốc Cương, Tư lệnh Cảnh sát cơ động; Huân chương Lao động hạng Ba tặng một số đơn vị, cá nhân thuộc Bộ Công an có thành tích xuất sắc trong công tác PCTN.