Từ năm 2020 đến nay, các đô thị ven biển miền trung từ thành phố Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình cho đến Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam cứ mưa là ngập. Thành phố Đồng Hới nằm sát bên bờ sông Nhật Lệ và cửa biển nên trước đây ngập lụt là chuyện hy hữu, song bây giờ, hễ có một trận mưa to là ngập, nhiều tuyến phố thành sông. Nhiều khu dân cư hình thành từ rất lâu, sống ổn định cũng nơm nớp nỗi lo ngập lụt.
Bên cạnh yếu tố biến đổi khí hậu, thời tiết cực đoan, nguyên nhân đáng nói dẫn đến các đợt ngập cục bộ ở các đô thị là do chính con người tạo ra. Dưới tác động của quá trình đô thị hóa, không ít ao, hồ, cánh đồng ở đô thị ven biển bị san lấp, phân lô bán nền. Ao, hồ, cánh đồng không chỉ tạo ra tiểu sinh thái xanh mát trong lòng đô thị mà còn giữ vai trò như các “túi” đựng nước mỗi khi mưa lũ về, nay do bị san lấp hoặc thu hẹp cho nên bắt đầu xuất hiện ngập lụt từ đây.
Chưa có thống kê cụ thể về diện tích phân lô, bán nền sau san lấp kiểu này nhưng mỗi năm, ao, hồ và đồng ruộng ở đô thị ven biển miền trung bị san lấp là không nhỏ, tạo nên quỹ đất đô thị khá lớn, từ đó làm tăng nguồn thu ngân sách cho các địa phương và tăng cả tình trạng ngập lụt đô thị.
Các chuyên gia thủy lợi đã chỉ ra rằng, trong khi hệ thống thoát nước còn nhiều bất cập thì do quy hoạch không đồng bộ, không có cốt nền đô thị chung cho nên đô thị chỗ thấp chỗ cao. Mặt khác, dự án triển khai sau thường có cốt nền cao hơn dự án trước, tạo ra nhiều điểm nghẽn về thoát nước. Sau khi hoàn thành, mặt bằng của dự án đô thị mới cao hơn khu dân cư nơi người dân đang sống gây ngập nước cục bộ khi mưa to.
Đô thị ven biển miền trung có tốc độ đô thị hóa nhanh nhưng hệ thống thoát nước chưa đồng bộ. Nhiều công trình, dự án thoát nước đô thị chưa được đầu tư hoặc đầu tư chưa hoàn chỉnh. Ở mỗi dự án khu đô thị đều có phương án thoát nước nhưng quy mô nhỏ, trong khi khẩu độ và lưu vực thoát lũ của cả thành phố chưa được tính toán kỹ lưỡng và đồng bộ.
Do vậy, để giải quyết bài toán ngập lụt ở các khu đô thị tại miền trung, các địa phương cần rà soát, đánh giá khả năng thoát nước của hệ thống hiện trạng và đề xuất các giải pháp hợp lý, lâu dài, phân kỳ đầu tư, huy động nguồn lực để từng bước triển khai thực hiện. Công tác quy hoạch cần mở rộng các hành lang thoát lũ, tăng cường hồ điều tiết để tăng khả năng chứa nước, tăng cường mảng xanh đô thị để tăng hệ số thấm và tạo cảnh quan.
Ở mỗi đô thị, khi lựa chọn cao độ nền phải xét đến yếu tố biến đổi khí hậu và mực nước biển dâng. Việc xây dựng các trạm bơm công suất lớn chống ngập tại các vị trí tụ thủy khu vực trung tâm đô thị là giải pháp căn cơ, lâu dài nhưng cần làm ngay.