Kết luận thanh tra đã kiến nghị chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra xử lý vi phạm đất đai tại địa chỉ 67 Ngô Thì Nhậm, Hai Bà Trưng, Hà Nội và yêu cầu TCty Lâm nghiệp Việt Nam xử lý những tồn tại trong quản lý đất đai có nguồn gốc từ lâm trường quốc doanh trước đây. Về vấn đề này, chúng tôi đã có cuộc trao đổi với lãnh đạo TCty Lâm nghiệp Việt Nam.
Khẩn trương thu hồi đất bị lấn chiếm
Theo ông Lê Quốc Khánh – Tổng Giám đốc TCty Lâm nghiệp Việt Nam, trong quá trình thanh tra, Vinafor luôn tích cực cung cấp hồ sơ tài liệu, báo cáo thực trạng quản lý, sử dụng tài sản là đất đai cho cơ quan thanh tra.
Sau khi nhận được kết luận thanh tra, TCty Lâm nghiệp Việt Nam đã quyết định thành lập tổ công tác để triển khai thực hiện đồng thời có nhiều văn bản chỉ đạo các đơn vị, tổ đại diện theo ủy quyền của TCty Lâm nghiệp Việt Nam tại các công ty cổ phần nghiêm túc thực hiện các nội dung tại kết luận thanh tra; chủ động phối hợp, báo cáo và đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hỗ trợ; xử lý các nội dung liên quan. Đến nay, các nội dung theo kiến nghị của Kết luận số 1452/KL-TTCP đã cơ bản được TCty Lâm nghiệp Việt Nam giải quyết.
Ngoài việc báo cáo và chỉ đạo các đơn vị; TCty Lâm nghiệp Việt Nam đã làm việc với Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; UBND các tỉnh: Lạng Sơn, Hòa Bình, Quảng Ngãi, Gia Lai, Đồng Nai… để đề nghị cơ quan chức năng, chính quyền địa phương hỗ trợ; xử lý các nội dung liên quan theo quy định.
Theo kết luận thanh tra tại thời điểm 31/12/2017, tổng diện tích đất lâm nghiệp bị lấn chiếm chưa thu hồi là 7.397 ha. Việc lấn chiếm chủ yếu xảy ra vào giai đoạn năm 2005 về trước. Bằng các biện pháp quyết liệt của TCty đến nay diện tích đất đã thu hồi về quản lý là 2.705 ha (trong đó trước thời điểm thanh tra ngày 31/12/2017 là 1.251 ha; sau thanh tra là 1.454 ha), diện tích cần tiếp tục phải thu hồi là 4.692 ha.
Tuy nhiên, theo ông Khánh thì diện tích đất bị lấn chiếm chủ yếu có hồ sơ pháp lý đất đai chưa đầy đủ, rõ ràng, cụ thể; nhiều hộ nhận khoán chu kỳ trước cố tình không ký lại hợp đồng nhận khoán và cũng không trả lại đất cho bên giao khoán. Do vậy việc thu hồi cần thời gian để tiếp tục thực hiện.
Nguyên nhân dẫn đến lấn, chiếm này cũng đã được Thanh tra Chính phủ nêu rõ là do quá trình phát triển của lâm trường quốc doanh trải qua nhiều giai đoạn, gắn với việc chuyển đổi mô hình doanh nghiệp và mô hình quản lý ở địa phương nên những năm trước đây, các lâm trường quốc doanh được giao đất lâm nghiệp nhưng chưa được đo đạc, cắm mốc, chưa có bản đồ địa chính, không có hồ sơ ranh giới cụ thể, do những năm trước đây khó khăn về vốn nên một số diện tích để trống nhiều năm không đưa vào sử dụng bị lấn, chiếm… nhiều hộ nhận khoán rừng và đất rừng theo Nghị định số 01/CP ngày 04/01/1995 và Nghị định số 135/2005/NĐ-CP ngày 08/11/2005 của Chính phủ khi hết chu kỳ nhận khoán không ký lại hợp đồng nhận khoán và cũng không trả lại đất cho bên giao khoán. Việc xử lý thu hồi đất lấn chiếm kéo dài, gặp khó khăn, nhiều trường hợp chưa dứt điểm chủ yếu là do trước đây hồ sơ pháp lý về đất đai chưa thu thập được đầy đủ, mặt khác chính quyền một số địa phương chưa quyết liệt chỉ đạo, giải quyết, nhiều trường hợp để đơn vị lâm nghiệp tự giải quyết… vì lẽ đó rất khó khăn trong việc thu hồi.
Nhằm đảm bảo thực hiện đầy đủ kết luận thanh tra, theo ông Khánh thì TCty đang đẩy mạnh phối hợp với địa phương hoàn tất đo đạc, cắm mốc ranh giới, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, xác định rõ chủ quyền quản lý, làm cơ sở để giải quyết vướng mắc tồn tại và thu hồi đất giữ lại sau cổ phần hóa bị lấn chiếm về quản lý theo quy định. Đồng thời phối hợp với chính quyền địa phương có giải pháp thực hiện thu hồi đất thấu tình đạt lý, bảo đảm sự hài hòa lợi ích, sinh kế của người dân. Hiện nay việc lấn chiếm mới tại TCty cơ bản đã được khống chế và không xảy ra tình trạng tái lấn chiếm đất đã thu hồi.
Ảnh: https://tinnhanhchungkhoan.vn |
Kiên quyết bảo vệ tài sản Nhà nước
Tại Kết luận số 1452/KL-TTCP, Thanh tra Chính phủ đã kiến nghị chuyển hồ sơ sang Cơ quan Điều tra (Bộ Công an) để làm rõ những sai phạm liên quan đến quản lý đất đai tại 67 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội.
Về vấn đề này, ông Lê Quốc Khánh cho rằng, những kiến nghị của Thanh tra Chính phủ đã giúp cho Vinafor tiếp tục bảo vệ tài sản của Nhà nước vì TCty đã và đang thực hiện quản lý, sử dụng tài sản là 12 gian tầng 1 nhà 3 tầng tại 67 Ngô Thì Nhậm (diện tích 343,04m2) theo đúng quy định của Nhà nước từ năm 1999 đến nay. Hàng năm, TCty đóng tiền thuê đất, thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đầy đủ thông qua việc thỏa thuận phương án bù trừ công nợ và chuyển khoản cho Công ty CP Thương mại lâm sản Hà Nội (tiền thân là Cty Thương mại lâm sản Hà Nội – một Cty con của TCty Lâm nghiệp Việt Nam, sau khi cổ phần, Nhà nước đang giữ 30% vốn điều lệ) đối với diện tích đất nêu trên.
Tuy nhiên, lợi dụng quá trình cổ phần hóa, trên cơ sở đề nghị của Cty Thương mại lâm sản Hà Nội, ngày 13/2/2007, Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội thực hiện thủ tục đổi tên trên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số X968709 cấp ngày 24/12/2003 sau khi cổ phần hóa từ doanh nghiệp Nhà nước (Cty Thương mại lâm sản Hà Nội – TCTy Lâm nghiệp Việt Nam) sang Cty CP Thương mại lâm sản Hà Nội. Việc dịch chuyển trái phép đất đai được giao cho TCty Lâm nghiệp Việt Nam sang cho Cty CP Thương mại lâm sản Hà Nội, theo lãnh đạo Vinafor là vi phạm quy định tại Khoản 3, Điều 63 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ; Khoản 1, Điều 48 Luật Đất đai năm 2003 và Khoản 6, Điều 43 Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004.
TCty đã nhiều lần gửi văn bản đến UBND TP Hà Nội, các bộ, ngành đề nghị hủy bỏ quyết định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất trái quy định như trên nhưng vẫn chưa được thực hiện.
Hiện nay TCty đã và đang tiếp tục bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp về tài sản của Nhà nước tại Tòa án nhân dân các cấp.
TCty đã phối hợp làm việc với Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu (C03) – Bộ Công an về việc cung cấp hồ sơ, tài liệu để cơ quan điều tra, xử lý vi phạm đối với những tổ chức, cá nhân có liên quan trong quản lý, sử dụng đất sai quy định tại 67 Ngô Thì Nhậm, quận Hai Bà Trưng, TP Hà Nội và rất mong các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm những hành vi vi phạm, bảo vệ được tài sản của Nhà nước.
Cũng theo ông Khánh, việc xử lý, sắp xếp lại nhà đất theo Quyết định 09/2007/QĐ-TTg của Thủ tương Chính phủ, TCty đã thực hiện được 07 cơ sở nhà đất tại Hà Nội và TP HCM (khi cổ phần hóa TCty Nghị định 167/2017/NĐ-CP chưa được ban hành); TCty đã xây dựng phương án sử dụng đất và đã được UBND các tỉnh chấp thuận, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt phương án cổ phần hóa trong đó có phương án sử dụng đất (Quyết định số 215/QĐ-TTg ngày 03/02/2016). Hiện nay, TCTy đang tích cực thực hiện rà soát, lập báo cáo kê khai và đề xuất phương án sắp xếp, xử lý các cơ sở nhà đất còn lại theo Nghị định 167/2017/NĐ-CP ngày 31/12/2017 của Chính phủ để báo cáo các cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo quy định.
Trả lời về kết luận của Thanh tra Chính phủ, ông Phí Mạnh Cường, Chủ tịch HĐQT TCty Lâm nghiệp Việt Nam khẳng định: Kết luận thanh tra chỉ ra những những kết quả đạt được trong công tác quản lý, sử dụng đất đai cũng như những khó khăn, vướng mắc, tồn tại trong công tác quản lý đất có nguồn gốc từ lâm trường quốc doanh trước đây của TCty và kiến nghị cấp có thẩm quyền xử lý theo quy định. Qua thanh tra đã giúp TCty cơ bản giải quyết được những khó khăn, vướng mắc trong công tác quản lý sử dụng đất lâm nghiệp mà cụ thể là các địa phương đã vào cuộc xử lý vi phạm về đất đai; Nhà nước đã cấp kinh phí để đo đạc cắm mốc ranh giới đất lâm nghiệp, địa phương tiếp nhận đất doanh nghiệp bàn giao về địa phương… Cũng qua Thanh tra, TCty đã nhìn thấy rõ hơn những hạn chế cần khắc phục để TCTy chủ động đề ra các giải pháp hữu hiệu, quyết liệt nhằm tiếp tục quản lý, sử dụng đất đúng quy định của pháp luật và nâng cao hơn nữa hiệu quả sử dụng đất.
theo Sơn Đà – Báo Thanh tra