Ðến nay, thành phố đã trải qua hơn 100 ngày giãn cách xã hội theo nhiều cấp độ, trong đó có 21 ngày siết chặt giãn cách theo nguyên tắc “ai ở đâu ở yên đó”. Thành phố đã triển khai và đạt được nhiều kết quả khả quan, một số quận, huyện công bố đã cơ bản kiểm soát được dịch bệnh; tỷ lệ ca dương tính, ca nhiễm trong cộng đồng có xu hướng giảm, “vùng đỏ” đang được thu hẹp dần và “vùng xanh” dần được mở rộng với hơn 53% số tổ dân phố trên địa bàn thành phố…
Tuy nhiên, trước tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp, số ca F0 còn nhiều, thành phố thẳng thắn nhìn nhận vẫn chưa đạt được các tiêu chí kiểm soát dịch bệnh. Như số ca mắc mới chưa giảm liên tục so với hai tuần liền kề trước đó và thấp hơn 50% so với tuần lễ có ca mắc cao nhất.
Hiện, biểu đồ ca mắc tại thành phố đang đi theo đường ngang, dao động trung bình số mắc mới mỗi ngày từ 5.000 đến 6.000 ca. Tính đến ngày 13/9, TP Hồ Chí Minh đã tiêm khoảng 7,9 triệu liều vaccine, trong đó, hơn 1,3 triệu người đã tiêm đủ hai mũi. Tuy nhiên, phần lớn người được tiêm mũi hai là người lớn tuổi và người có bệnh lý nền, được xếp vào nhóm nguy cơ cao, hạn chế ra đường. Ðây cũng là lý do số người nhận được thẻ xanh Covid chưa nhiều. Ðó là chưa kể thành phố hiện có hơn 100 nghìn F0 đang điều trị…
Theo đánh giá, thành phố chưa hoàn thành mục tiêu cơ bản kiểm soát được dịch trước ngày 15/9 theo Nghị quyết 86/NQ-CP của Chính phủ. Do đó, cần thêm hai tuần giãn cách để hoàn thành các mục tiêu đề ra. Ðó là việc tiếp tục hạn chế, ngăn chặn được nguồn lây lan; tập trung điều trị, kéo giảm số F0; đẩy nhanh tốc độ tiêm vaccine cho người dân.
Việc giãn cách xã hội thời gian dài đã và đang gây nên những áp lực lớn đến cuộc sống người dân và nền kinh tế thành phố. Ðể người dân tin tưởng, đồng tình, ủng hộ, đồng hành cùng thành phố trong các chính sách phòng, chống dịch bệnh, TP Hồ Chí Minh đang tiếp tục đẩy mạnh triển khai các gói an sinh xã hội để hỗ trợ cho 4,7 triệu dân có nguy cơ thiếu đói, đứt bữa, bao gồm: 780 nghìn hộ lao động thuê trọ, bị ngừng việc, mất việc làm; 1,15% số hộ nghèo và đối tượng bảo trợ xã hội; xem xét tiếp tục bổ sung gói chính sách hỗ trợ bảo đảm không người dân nào có hoàn cảnh khó khăn không được nhận hỗ trợ.
Thành phố xây dựng và thực hiện lộ trình nới lỏng giãn cách xã hội, trong đó, từ ngày 16 đến 30/9 được xác định là giai đoạn thử nghiệm nới lỏng giãn cách ở ba địa phương “vùng xanh” là quận 7 và hai huyện Củ Chi, Cần Giờ. Thành phố đã chuẩn bị các bước đi chắc chắn để bảo đảm an toàn.
Ðặc biệt, từ ngày 16/9, thành phố sẽ cho phép shipper hoạt động liên quận với điều kiện bảo đảm an toàn phòng, chống dịch; sẽ hỗ trợ chi phí xét nghiệm Covid-19 để giảm tải gánh nặng khâu vận chuyển hàng hóa; sẽ thẩm định lại kế hoạch cho người dân đi chợ mỗi tuần một lần ở “vùng xanh” nhằm giảm lệ thuộc vào shipper, giảm chi phí tiêu dùng.
Thành phố sẽ căn cứ vào hiệu quả của công tác phòng, chống dịch của từng quận, huyện để có thể thu hẹp các khu vực giãn cách từ Chỉ thị 16 nới lỏng xuống Chỉ thị 15 hoặc Chỉ thị 19. Hiện, thành phố đang xây dựng các tiêu chí an toàn để “mở cửa” cho doanh nghiệp hoạt động, tập trung vào tám lĩnh vực, bốn phương thức sản xuất.
Sau ngày 15/9, thành phố cũng sẽ giảm lãi suất cho doanh nghiệp cũng như giãn các khoản nợ, khoanh nợ; đồng thời cam kết đẩy mạnh giải quyết thủ tục hành chính nhanh nhất cho doanh nghiệp, chẳng hạn như được vay trong vòng một tuần, nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện.
Lãnh đạo TP Hồ Chí Minh chia sẻ, thành phố thấu hiểu mong muốn sớm mở lại các hoạt động bình thường của nhân dân, cộng đồng doanh nghiệp. Nhưng vì sự an toàn cho người dân, vì sự phát triển bền vững cho nền kinh tế…, mong người dân, doanh nghiệp đồng cam, cộng khổ cùng thành phố thêm một thời gian nữa để các giải pháp phòng, chống dịch đạt được hiệu quả cao nhất.
Phòng, chống dịch hiệu quả là nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe, tính mạng của người dân, đồng thời tạo điều kiện phát triển kinh tế. Ðây chính là “mục tiêu kép”.