Biến thách thức thành cơ hội
Để tiếp tục đưa TP Hồ Chí Minh phát triển, mới đây, khi xây dựng “Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2022-2025”, Thành phố đã đề ra mục tiêu và quyết sách biến thách thức thành cơ hội để phát triển nhanh nền kinh tế số, giữ vững và phát huy vai trò là động lực tăng trưởng kinh tế của khu vực phía Nam và cả nước.
Tiếp đó, tại Quyết định 503 (tháng 2/2022) của UBND thành phố về ban hành Đề án “Phát triển kinh tế số, kinh tế chia sẻ và kinh tế tuần hoàn trên địa bàn TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn 2030”, thành phố đã đề ra các nhóm nhiệm vụ về kinh tế số, cụ thể như: Nâng cao nhận thức và kỹ năng số; Phát triển hạ tầng, nền tảng, dữ liệu và ứng dụng kinh tế số; Thúc đẩy phát triển các mô hình kinh doanh mới; Nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về phát triển kinh tế số.
Kinh tế số được kỳ vọng sẽ giúp gia tăng sự chống chịu trong đại dịch COVID-19, tạo động lực tăng trưởng mới cho TP Hồ Chí Minh trong thời gian tới.
Tại “Diễn đàn Kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2022” diễn ra vừa qua, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đánh giá cao tính nhạy bén, năng động của Đảng bộ, chính quyền, doanh nghiệp và nhân dân TP Hồ Chí Minh trong việc tổ chức Diễn đàn với chủ đề kinh tế số, nhằm thu thập các ý kiến chuyên gia, các bài học tốt để triển khai và cụ thể hóa chủ trương, chiến lược và chính sách của Trung ương.
Phó Thủ tướng Lê Minh Khái nhấn mạnh: Thành công về chuyển đổi số và kinh tế số tại TP Hồ Chí Minh sẽ góp phần quan trọng thành công trên cả nước. Đồng thời, khẳng định vai trò, vị thế đầu tàu của TP Hồ Chí Minh và là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ của khu vực. Do vậy, để đạt mục tiêu phát triển kinh tế số, đến 2025 kinh tế số TP Hồ Chí Minh phải đóng góp 25% và đến 2030 đóng góp 40%, tương ứng cả nước là 20% và 30%. Từ đây, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái đề nghị, TP Hồ Chí Minh tiếp tục đẩy mạnh cải thiện môi trường đầu tư, thu hút và khai thác tốt mọi nguồn lực để phát triển sản xuất kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, tức là nền kinh tế thực.
Bên cạnh đó, Phó Thủ tướng yêu cầu TP Hồ Chí Minh cần tăng cường hợp tác, trao đổi và học hỏi các quốc gia, các đối tác, bạn bè quốc tế, cần tiếp tục và việc vận dụng vào thực tế cần đảm bảo tính đặc thù của Việt Nam và thành phố chứ không thực hiện một cách máy móc.
Động lực tăng trưởng
Thấy rõ yêu cầu bức thiết phải chuyển đổi số để bắt kịp xu thế mới, những năm trở lại đây, Hiệp hội Doanh nghiệp TP Hồ Chí Minh (HUBA) đã tổ chức nhiều chương trình hoạt động liên quan đến chuyển đổi số để các doanh nghiệp nắm bắt và có cái nhìn thực tế hơn về vấn đề này, đưa chuyển đổi số thành mục tiêu phải thực hiện, từ đó có kế hoạch hành động phù hợp.
Kinh tế số kỳ vọng là động lực để TP Hồ Chí Minh phát triển trong tương lai. |
Về vấn đề này, Chủ tịch UBND TP Hồ Chí Minh Phan Văn Mãi cũng nhấn mạnh, việc tổ chức Diễn đàn kinh tế TP Hồ Chí Minh năm 2022 với chủ đề “Kinh tế số: Động lực tăng trưởng và phát triển TP Hồ Chí Minh trong tương lai” chính là hoạt động thiết thực giúp thành phố trao đổi, thảo luận với các chuyên gia, các nhà khoa học, các tổ chức, các doanh nghiệp trong và ngoài nước về chuyển đổi số và kinh tế số.
Điều này giúp thống nhất và nâng cao nhận thức về chuyển đổi số và kinh tế số, điều chỉnh, bổ sung các giải pháp khả thi để thúc đẩy phát triển kinh tế số trên địa bàn, giúp doanh nghiệp thành phố phát huy tính sáng tạo, tăng cường khả năng tiếp cận các mô hình kinh doanh mới nhằm nâng cao năng suất và hiệu quả. Cạnh đó, nó sẽ tạo cơ hội để các cá nhân và tổ chức đề xuất các kiến nghị về khuôn khổ chính sách khuyến khích và quản lý phát triển kinh tế số, phát huy vai trò các bên liên quan trong hệ sinh thái kinh tế số.
Người đứng đầu TP Hồ Chí Minh mong muốn nhận được ý kiến đóng góp của các chuyên gia về việc triển khai các chương trình đề án cụ thể liên quan trực tiếp đến mục tiêu xây dựng nền kinh tế số, nhằm đạt mục tiêu phát triển đến năm 2025: TP Hồ Chí Minh là đô thị thông minh, thành phố dịch vụ, công nghiệp theo hướng hiện đại, giữ vững vai trò đầu tàu kinh tế, động lực tăng trưởng của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam và cả nước, đi đầu trong đổi mới sáng tạo, có chất lượng sống tốt, văn minh, hiện đại, nghĩa tình.
Tiếp đó, đến năm 2030, TP Hồ Chí Minh là thành phố dịch vụ, công nghiệp hiện đại, thành phố văn hóa, đầu tàu về kinh tế số, xã hội số, chính quyền số, là trung tâm về kinh tế, tài chính, thương mại, khoa học – công nghệ và văn hóa của khu vực Đông Nam Á. Trong đó, phấn đấu kinh tế số đóng góp khoảng 25% đến năm 2025, 40% đến năm 2030 trong GRDP của thành phố.