Đến ngày 20/8, KTNN đã triển khai 117/164 cuộc kiểm toán theo kế hoạch, kết thúc kiểm toán 76/117 cuộc kiểm toán (đạt 65%) phát hành 84 báo cáo kiểm toán.
Các cuộc kiểm toán đã kết thúc đều thực hiện đúng mục tiêu, tiến độ đề ra, chấp hành tốt Quy chế Tổ chức và hoạt động của đoàn KTNN, Quy tắc Ứng xử của kiểm toán viên Nhà nước, phát hành báo cáo kiểm toán theo đúng quy định của Luật KTNN. Dự kiến đến ngày 30/11, KTNN sẽ hoàn thành tất cả các cuộc kiểm toán theo kế hoạch và phát hành 100% báo cáo kiểm toán trước 31/1/2021.
Tổng hợp kết quả kiểm toán đến 20/8/2020, KTNN kiến nghị xử lý tài chính hơn 21 nghìn tỷ đồng, cung cấp 93 bộ tài liệu cho các cơ quan của Quốc hội và các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để phục vụ công tác kiểm tra, điều tra, giám sát; kịp thời cung cấp thông tin phục vụ các phiên họp của Chính phủ, Quốc hội và các cơ quan chức năng có liên quan.
Bên cạnh việc triển khai hoạt động kiểm toán, Tổng KTNN đã chỉ đạo các đơn vị thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp nâng cao hiệu lực thực hiện kiến nghị kiểm toán.
Đến 20/8/2020, KTNN ban hành 23/23 kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện kiến nghị kiểm toán năm 2019 cho 23 đơn vị trong ngành; các đơn vị được kiểm toán và các đơn vị có liên quan đã thực hiện 45.383 tỷ đồng, đạt 55,9% (cao hơn 2,5% so với cùng kỳ năm 2019).
Phó Tổng KTNN Vũ Văn Họa cho biết, kế hoạch kiểm toán năm 2021 của KTNN được xây dựng trên cơ sở 4 định hướng chính:
Ưu tiên lựa chọn kiểm toán tại các đơn vị quản lý tài chính tổng hợp ở Trung ương và địa phương để đánh giá việc thực hiện các cơ chế, chính sách quản lý tài chính, ngân sách và đầu tư trong cả giai đoạn 2015-2020.
Tăng cường số lượng các cuộc kiểm toán để xác nhận quyết toán ngân sách Nhà nước (NSNN) hàng năm của các bộ, cơ quan Trung ương và địa phương theo quy định của Luật NSNN năm 2015 và Chiến lược Phát triển KTNN đến năm 2030.
Lựa chọn kiểm toán đối với một số chuyên đề kiểm toán có phạm vi rộng, được dư luận xã hội quan tâm để tổ chức thực hiện trong toàn ngành nhằm đánh giá toàn diện việc hiện hiện các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước xuyên suốt từ Trung ương đến địa phương.
Chủ động bố trí nhân lực và thời gian để thực hiện các nhiệm vụ được lãnh đạo Đảng, Nhà nước giao theo quy định tại Khoản 2, Điều 10 Luật KTNN.
Để hoàn thành thắng lợi nhiệm vụ kiểm toán năm 2021, KTNN cũng xác định 9 nhóm giải pháp chủ yếu, trong đó bám sát sự chỉ đạo của Quốc hội để triển khai nhiệm vụ công tác năm 2021 của ngành một cách khoa học, hiệu quả; chủ động phối hợp và cung cấp kịp thời các số liệu, thông tin cần thiết, các phát hiện kiểm toán nổi bật phục vụ hoạt động giám sát của Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, chỉ đạo điều hành của Chính phủ.
Phối hợp chặt chẽ với các bộ, cơ quan Trung ương, cấp ủy và chính quyền địa phương trong hoạt động kiểm toán, nhất là nâng cao chất lượng, hiệu quả các cuộc kiểm toán, kiến nghị hoàn thiện chính sách pháp luật; theo dõi, đôn đốc thực hiện kết luận và kiến nghị kiểm toán; kịp thời chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra, thanh tra đối với các hành vi có dấu hiệu vi phạm pháp luật được phát hiện qua kiểm toán, nhằm nâng cao vai trò của KTNN trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, thực hành tiết kiệm, chống lãng phí.
theo Trần Quý – Báo Thanh tra