Rút ngắn quy trình giải quyết
Theo Phó Giám đốc Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) Hà Nội Nguyễn Quốc Khánh, để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động và người sử dụng lao động, UBND TP Hà Nội đã ủy quyền cho các sở, ngành liên quan, UBND các quận, huyện, thị xã có trách nhiệm phê duyệt danh sách và kinh phí hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.
Theo đó, có 7/12 thủ tục hành chính UBND TP ủy quyền/giao cho các Sở: LĐ-TB&XH, Văn hóa – Thể thao, Y tế, Du lịch, Công an TP, Bộ Tư lệnh Thủ đô và UBND các quận, huyện, thị xã phê duyệt danh sách.
Cùng với đó, một số trình tự, thời gian giải quyết thủ tục hành chính đã được rút ngắn, quy định thuận lợi hơn cho đối tượng hưởng hỗ trợ… Giám đốc Bảo hiểm xã hội (BHXH) TP Hà Nội cũng yêu cầu Chánh Văn phòng, Trưởng các phòng nghiệp vụ, Giám đốc BHXH các quận, huyện, thị xã thực hiện điều chỉnh thời gian tiếp nhận, giải quyết các chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch COVID-19. thành không quá 01 ngày làm việc. Đáng chú ý, Sở LĐ-TB&XH Hà Nội đã thiết lập Đường dây nóng (số điện thoại: 02438344643) nhằm hỗ trợ giải đáp chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19, đồng thời để tiếp nhận thông tin, phản ánh và kiến nghị người dân trong việc thực hiện chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động.
Ông Nguyễn Quốc Khánh cho biết thêm, ngay sau khi UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định số 3642/QĐ-UBND thì 30/30 UBND quận, huyện, thị xã, tất cả các sở, ngành và các đơn vị có liên quan đã đồng loạt ban hành các văn bản, Kế hoạch tổ chức thực hiện; quyết định thành lập tổ thẩm định xét duyệt, phân công cụ thể nhiệm vụ và trách nhiệm các tập thể và cá nhân trong tổ chức triển khai thực hiện…
Ngoài ra, thông tin còn được công khai trên các báo, đài, tại trụ sở UBND cấp huyện, xã; thông báo tới từng tổ dân phố, khu dân cư trên địa bàn và triển khai ngay vào việc tiếp nhận hồ sơ đề nghị hỗ trợ. Nhiều quận, huyện, thị xã đã đề nghị các xã, phường, thị trấn linh hoạt chọn hình thức triển khai hỗ trợ cho phù hợp, có thể giao tổ dân phố phát đơn đề nghị, hướng dẫn kê khai, thu hồ sơ, chi trả tại nhà cho người lao động, đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch bệnh và chủ trương hỗ trợ kịp thời cho người lao động tại thời điểm khó khăn.
Làm đến đâu chắc đến đó
Về công tác triển khai, ông Nguyễn Quang Hồng, Trưởng phòng LĐ-TB&XH quận Cầu Giấy cho biết, nhằm giải quyết nhanh chóng và kịp thời các thủ tục cho từng nhóm đối tượng cụ thể, UBND quận Cầu Giấy đã ra quyết định thành lập các tổ thẩm định xét duyệt hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do COVID-19 trên địa bàn quận. Theo đó, Tổ hỗ trợ người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương do Phòng LĐ-TB&XH phụ trách; Sở Y tế phụ trách hỗ trợ đối với trẻ em và người đang điều trị Covid-19, cách ly y tế;… Tính đến thời điểm hiện tại, Phòng LĐ-TB&XH quận Cầu Giấy đã tiếp nhận và xử lý gần 70 bộ hồ sơ cho người lao động tạm hoãn thực hiện hợp đồng lao động, nghỉ việc không hưởng lương.
Trong khi đó, UBND huyện Gia Lâm đã phân công rõ trách nhiệm cho từng phòng, ban, cơ quan, tổ chức có liên quan gắn với từng nhiệm vụ cụ thể. Theo bà Lê Thị Kim Châu, Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Gia Lâm, rút kinh nghiệm từ việc triển khai gói hỗ trợ của năm 2020, năm nay Phòng LĐ-TB&XH huyện triển khai thực hiện với phương châm “làm đến đâu chắc đến đấy”, luôn tạo điều kiện tốt nhất để người lao động và doanh nghiệp được tiếp cận gói hỗ trợ nhanh nhất có thể. Sau 3 ngày triển khai, Phòng BHXH đã tiến hành tiếp nhận và xử lý hồ sơ cho nhiều lao động trên địa bàn huyện.
Tại huyện Chương Mỹ, UBND huyện cũng đã phân công cụ thể trách nhiệm cho từng đơn vị. Đồng thời UBND huyện cũng có các văn bản chỉ đạo chi tiết công việc cho từng bộ phận thực hiện để đảm bảo người lao động, người sử dụng lao động trên địa bàn huyện sớm được tiếp cận với gói hỗ trợ của Chính phủ.