Trục lợi từ bán vật liệu làm cao tốc: Bài học từ cách làm của Quảng Ninh

Cập nhật: 17/03/2021 08:38

Quảng Ninh đã có giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” về vật liệu san, lấp nền đường, khu công nghiệp, cụm công nghiệp…

Nhờ được cấp mỏ đất, Công ty TNHH Thành Công Hoành Bồ đảm bảo được tiến độ thi công Dự án tổ hợp công nghệ hỗ trợ Thành Công Hạ Long

Trong khi các dự án cao tốc Bắc – Nam đang gặp nhiều khó khăn với tình trạng khan hiếm và đội giá vật liệu, nguyên nhân do các địa phương trao quyền khai thác các mỏ tài nguyên cho tư nhân để các chủ mỏ thao túng giá, tỉnh Quảng Ninh lại có cách làm rất khác, đem lại hiệu quả lớn. Đây có lẽ là cách làm mà các địa phương khác cần học hỏi.

Quy hoạch trước các mỏ vật liệu

Quảng Ninh đang là một trong những địa phương đi đầu cả nước trong công tác đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng.

Riêng trong lĩnh vực hạ tầng giao thông, ngoài các dự án được đầu tư bằng 100% ngân sách địa phương, Quảng Ninh còn kêu gọi để triển khai thành công hàng loạt dự án giao thông tầm cỡ theo hình thức đối tác công – tư (PPP) quy mô cả chục nghìn tỷ đồng. Trong đó điển hình là cao tốc Hạ Long – Vân Đồn, cầu Bạch Đằng, sân bay Vân Đồn, Cảng tàu quốc tế Hòn Gai…

Chia sẻ với Báo Giao thông, một cán bộ của Công ty CP Đầu tư Thịnh Phát – đơn vị thi công tại dự án đường bao biển TP Hạ Long -TP Cẩm Phả nói: “Không ở đâu có cách làm hiệu quả như Quảng Ninh. Mỏ vật liệu được chính quyền giao thẳng cho chủ đầu tư, đơn vị thi công để chủ động nguồn khai thác phục vụ san, lấp với mức giá được công khai, rõ ràng để đảm bảo tiến độ, chất lượng và hiệu quả kinh tế cho dự án”.

Ông Cao Tường Huy, Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh chia sẻ, chỉ tính riêng giai đoạn 2016-2020, tổng vốn đầu tư dành cho phát triển kết cấu hạ tầng, nhất là giao thông của Quảng Ninh đã đạt trên 123.044 tỷ đồng. Từ nhiều nguồn lực, 5 năm qua, Quảng Ninh đã đầu tư hơn 100km đường cao tốc; nâng cấp, cải tạo 130,3km quốc lộ, 743km đường huyện, đường đô thị và hệ thống giao thông nông thôn, miền núi…

Hiện, Quảng Ninh đang rốt ráo triển khai chuẩn bị đầu tư và đẩy nhanh tiến độ thi công dự án hàng loạt công trình giao thông trọng điểm, tạo sự liên kết các vùng và nội vùng…

“Không chỉ có những cơ chế đặc thù thu hút các nhà đầu tư chiến lược vào triển khai đầu tư các dự án hạ tầng, Quảng Ninh còn có những chính sách đột phá tạo thuận lợi nhất trong việc thực hiện các dự án đảm bảo đúng tiến độ. Điển hình nhất là giải pháp tháo gỡ “điểm nghẽn” về vật liệu san, lấp nền đường, khu công nghiệp, cụm công nghiệp và hàng loạt dự án hạ tầng đô thị khác”, ông Huy chia sẻ.

Cũng theo ông Huy, hiện trên địa bàn Quảng Ninh có khoảng 1.000 dự án có nhu cầu sử dụng vật liệu san lấp mặt bằng gồm: Đất, đá và các vật liệu khác, với khối lượng trên 100 triệu m3/năm. Trong giai đoạn 2020-2025, nhu cầu sử dụng vật liệu đất đắp, san lấp mặt bằng các dự án trên địa bàn tỉnh khoảng 640 triệu m3.

“Để đảm bảo đủ nguồn cung cấp vật liệu san lấp mặt bằng, hàng năm, UBND tỉnh đều chỉ đạo các sở, ngành, địa phương tham mưu, trình quy hoạch, địa điểm khai thác, khu vực thăm dò khai thác đất đá và vật liệu khác. Trong quá trình khảo sát, thăm dò, các đơn vị liên quan đã xác định chính xác trữ lượng cụ thể từng mỏ đất, xác định rõ khối lượng từng loại đất (đất màu, đất K95-K98, đá) để làm cơ sở tính toán thuế tài nguyên, phí bảo vệ môi trường, cấp quyền khai thác khoáng sản theo đúng quy định của pháp luật”, ông Huy thông tin.

Tìm hiểu của PV, để đáp ứng nhu cầu với khối lượng lớn về nguồn vật liệu, ngày 18/8/2020, UBND tỉnh Quảng Ninh cũng ban hành Quyết định 3060 về kế hoạch nghiên cứu các địa điểm, khu vực thăm dò, khai thác, sử dụng đất làm vật liệu san lấp trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020-2025.

Theo đó, trên địa bàn tỉnh sẽ có 105 khu vực, địa điểm đưa vào thăm dò, khai thác sử dụng (có xem xét bổ sung, điều chỉnh theo thực tế), với tổng diện tích khoảng 1.950ha, trữ lượng dự kiến khai thác ước đạt gần 420 triệu m3.

Mỏ cấp cho dự án vốn ngân sách không phải đấu giá

Trục lợi từ bán vật liệu làm cao tốc: Bài học từ cách làm của Quảng Ninh 2

Bãi thải mỏ tại TP Cẩm Phả đang quá tải, ảnh hưởng đến nhiều hộ dân ở vùng phụ cận, nếu được sử dụng làm vật liệu san lấp sẽ giúp cho đơn vị ngành than và doanh nghiệp thực hiện dự án hạ tầng giảm nhiều chi phí

Một điểm đáng chú ý khác, trong những năm qua, tỉnh Quảng Ninh cũng chỉ đạo cơ quan chức năng nghiên cứu, khảo sát, quy hoạch và cấp thẳng mỏ cho chủ đầu tư dự án mà không phải mua, bán qua khâu trung gian.

Tỉnh cũng xây dựng đơn giá cụ thể từng loại đất, đá… tại từng khu vực. Cách làm này tạo điều kiện cho chủ đầu tư, đơn vị thi công các dự án chủ động được nguồn và không bị “ép giá” bởi các chủ mỏ tư nhân.

Đặc biệt, tại Quyết định 04 ngày 9/3/2020 về việc ban hành bảng giá tính thuế tài nguyên đối với các loại tài nguyên khai thác trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh năm 2020, xác định rõ đơn giá từng loại vật liệu để các cơ quan chức năng làm căn cứ tính toán, áp các khoản thu trong quá trình khai thác các mỏ làm vật liệu san lấp phù hợp với từng địa bàn.

Ông Vũ Thanh Hùng, Trưởng Phòng Kinh tế và vật liệu xây dựng (Sở Xây dựng Quảng Ninh) cho biết, Quảng Ninh có chủ trương các mỏ đất giao thẳng cho chủ dự án, sau này có điều chỉnh là phải đấu giá quyền khai thác.

Đối với các dự án giao thông dùng vốn ngân sách, dự án phục vụ chương trình xây dựng nông thôn mới có sử dụng vật liệu san, lấp thì không phải đấu giá quyền khai thác.

“Công ty TNHH Thành Công Hoành Bồ đang triển khai dự án tổ hợp công nghệ hỗ trợ Thành Công Hạ Long ở gần khu công nghiệp Việt Hưng tại TP Hạ Long trên diện tích hơn 300ha với nhu cầu vật liệu san, lấp rất lớn. Dự án này được triển khai ngày 22/6/2020 và sẽ hoàn thành giai đoạn san, lấp mặt bằng trong thời gian 3 năm. Để đảm bảo cho doanh nghiệp này đảm bảo đúng tiến độ, tỉnh Quảng Ninh đã khảo sát, phê duyệt đơn giá cũng như giao mỏ đất tại khu 2, phường Hoành Bồ để chủ động nguồn vật liệu”, ông Hùng dẫn ví dụ.

Thông tin thêm, ông Trần Chí Dũng, Trưởng Phòng Tổ chức – Hành chính (Công ty TNHH Thành Công Hoành Bồ) cho biết, mỏ đất này được tỉnh Quảng Ninh cấp cho doanh nghiệp có diện tích 46ha với trữ lượng gần 4 triệu m3 đất, đá.

“Cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã ban hành cụ thể các khoản thuế khai thác tài nguyên, phí môi trường… là 43.300 đồng/m3. Do được giao mỏ trực tiếp, hiện nay, doanh nghiệp đã chủ động được nguồn vật liệu san lấp đảm bảo được tiến độ thực hiện dự án”, ông Dũng nói.

Một dự án khác là công trình xây dựng đường bao biển TP Hạ Long -TP Cẩm Phả cũng được chính quyền địa phương giao thẳng mỏ đất cho chủ đầu tư. Dự án có chiều dài 18,7km, quy mô 6 làn xe với nhu cầu sử dụng đất, đá phục vụ san lấp dự án này rất lớn. Ngay từ khi dự án bắt đầu triển khai, UBND tỉnh Quảng Ninh đã giao mỏ đất cho chủ đầu tư dự án tại phường Quang Hanh, TP Cẩm Phả.

Đề xuất dùng đất, đá thải mỏ than làm vật liệu đắp nền

Theo báo cáo của tỉnh Quảng Ninh, so với nhu cầu sử dụng nguồn vật liệu đất đắp, san lấp mặt bằng các dự án được các địa phương tổng hợp, báo cáo giai đoạn 2020-2025 (640 triệu m3), còn thiếu 220 triệu m3. Để có nguồn đáp ứng, tỉnh chỉ đạo các sở, ngành liên quan phối hợp với các đơn vị khai thác than trên địa bàn rà soát, báo cáo cấp có thẩm quyền tận thu các nguồn vật liệu đất, đá thải mỏ nhằm mục đích phục vụ nhu cầu san, lấp các dự án.

Theo báo cáo của Tập đoàn Than – Khoáng sản Việt Nam (TKV) và Tổng công ty Đông Bắc, hiện tổng diện tích các bãi thải mỏ là 2.700ha, tổng trữ lượng đất đá thải khoảng 1.362 triệu m3 và không ngừng tăng lên hàng năm (150 triệu m3/năm). Các bãi thải gây ra nhiều hệ lụy về môi trường, ảnh hưởng đến đời sống, sinh hoạt của nhân dân…

Để giải quyết việc thiếu hụt nguồn vật liệu san lấp mặt bằng các dự án, tỉnh Quảng Ninh đã có báo cáo Bộ TN&MT phương án khai thác, sử dụng đất đá thải mỏ than làm vật liệu san lấp mặt bằng các dự án, công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh giai đoạn 2021-2025.

“Tỉnh Quảng Ninh sẽ ưu tiên sử dụng nguồn vật liệu đất đá thải mỏ để phục vụ san lấp mặt bằng cho các dự án. Do đó, tỉnh yêu cầu Sở Tài nguyên – Môi trường và Sở Xây dựng làm việc với TKV, Tổng công ty Đông Bắc, xác định lại chính xác trữ lượng đất đá thải huy động được, nhu cầu đất đá san lấp tại các dự án, dự thảo đơn giá cụ thể đối với vật liệu san lấp là đất đá thải mỏ để thông tin đến các chủ đầu tư dự án và báo cáo UBND tỉnh” ông Cao Tường Huy, Phó chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ninh nói.

Liên quan vấn đề này, ông Lại Hồng Thanh, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Địa chất và Khoáng sản, Bộ TN&MT cho biết, trong quá trình khai thác than, trung bình để thu được 1 tấn than phải bóc tách 10m3 đất đá. Chính vì vậy, những bãi thải của mỏ than đang chiếm dụng mặt bằng, thậm chí có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường.

Tuy nhiên, theo quy định pháp luật hiện hành, rác thải của mỏ là khoáng sản chưa khai thác hoặc khoáng sản đi kèm, do đó phải được lưu giữ tại bãi thải theo quy hoạch. “Nếu muốn tận dụng đất đá thải của mỏ chuyển sang vật liệu xây dựng, doanh nghiệp phải có văn bản báo cáo gửi cơ quan cấp phép (Bộ TN&MT – PV). Trong đó phải có nội dung đánh giá tác động môi trường, phân tích chất lượng của đất đá đó có đủ điều kiện để làm dự án hay không, giải pháp nếu có vấn đề liên quan tới môi trường”, ông Thanh phân tích và khẳng định: “Pháp luật hoàn toàn cho phép miễn là phải là phải thông qua cơ quan có thẩm quyền”.

Theo Nhóm PV – Báo giao thông

https://www.baogiaothong.vn/truc-loi-tu-ban-vat-lieu-lam-cao-toc-bai-hoc-tu-cach-lam-cua-quang-ninh-d499370.html

Tin liên quan