Võ Đình Sớm bị bắt cùng số tiền nhận của đương sự tại phòng làm việc, ngày 4/8/2023. (Ảnh: CQĐT VKSND tối cao) |
Theo KLĐT, tháng 3/2022, người đàn ông ngụ TP Pleiku khởi kiện yêu cầu TAND Gia Lai buộc Ban Quản lý rừng phòng hộ Bắc Biển Hồ (BQL) trả lại 15.000m2 đất đã lấn chiếm cho vợ chồng ông và hủy một phần giấy chứng nhận QSDĐ do UBND tỉnh Gia Lai cấp năm 2011 cho BQL. Trong diện tích đất tranh chấp có hơn 3.500m2 chưa cấp sổ đỏ.
Ngày 11/3/2022, TAND Gia Lai phân công Thẩm phán Võ Đình Sớm giải quyết vụ kiện. Quá trình làm việc, Sớm hướng dẫn nguyên đơn thay đổi nội dung khởi kiện – yêu cầu tòa công nhận hơn 3.500m2 thuộc quyền sử dụng của nguyên đơn, để có cơ sở chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Hơn một năm sau, nguyên đơn nộp đơn thay đổi nội dung khởi kiện.
Tháng 5/2023, Sớm gọi điện bảo nguyên đơn đến phòng làm việc của mình và nói “muốn xử thắng kiện phải có tiền”. Nguyên đơn trình bày gia đình không có tiền và đề xuất nếu thắng kiện sẽ cho Sớm 10m đất mặt đường tại thửa đất tranh chấp. Tuy nhiên, Sớm không chấp nhận và đòi nguyên đơn phải đưa 2 tỷ đồng cho mình.
Sau nhiều lần thương lượng, ông Sớm nói ít nhất phải đưa 1,5 tỷ đồng “vì còn cho VKS, Tòa án, Sở NN&PTNT”. Nguyên đơn đã liên hệ nhiều người để vay tiền nhưng không được. Ngày 11/7/2023, vụ án được đưa ra xét xử, song đã hoãn “do vắng mặt đương sự”.
Hơn nửa tháng sau, cả hai hẹn gặp ở quán cà phê, Sớm nói “VKS không chấp nhận đơn khởi kiện vì chậm đưa tiền” và nếu muốn xử thắng thì phải “lo” để VKS chấp nhận, không phải ra phúc thẩm tại Đà Nẵng.
Sáng 4/8/2023, nguyên đơn mang túi xách màu đen bên trong đựng túi nilon có 10 cọc tiền mệnh giá 200.000 đồng (200 triệu đồng) và 6 cọc tiền mệnh giá 500.000 đồng (300 triệu đồng), tổng cộng 500 triệu đồng, đến phòng làm việc của Sớm tại TAND Gia Lai.
Sớm nói với nguyên đơn về việc thuê luật sư tranh tụng tại phiên tòa, phải tự nguyện chịu án phí, lệ phí thẩm định giá “để bị đơn không gây khó khăn”. Về số tiền 500 triệu đồng, là “chi phí tạm thời, tới đâu hay tới đó”.
Nguyên đơn mở túi xách, mở miệng các túi nilon ra cho thẩm phán xem và hỏi “liệu có chắc chắn không?”. Sớm nói “em xử mà”. CQĐT VKSND tối cao sau đó ập vào bắt quả tang hành vi của Sớm, thu giữ 500 triệu đồng tang vật.
Tại CQĐT, Sớm phủ nhận hành vi nhận hối lộ, cho rằng việc trao đổi với nguyên đơn về 1,5 tỷ đồng là hai người “cùng góp vốn, đầu tư xây dựng trại heo”. Tuy nhiên, Sớm không trình bày được mô hình, phương án kinh doanh trang trại heo như thế nào và không có tài liệu, chứng cứ thể hiện việc đầu tư, góp vốn với nguyên đơn.
Trong khi đó, nguyên đơn khẳng định bản thân không xây dựng trại heo và “không có chuyện Sớm góp vốn đầu tư”. Kết quả trưng cầu giám định 8 file âm thanh (trao đổi giữa nguyên đơn và thẩm phán Sớm) do nguyên đơn giao nộp, xác định: Không phát hiện dấu vết cắt ghép, chỉnh sửa nội dung âm thanh. Tiếng nói trong bản dịch nội dung ghi âm mẫu cần giám định là của nguyên đơn và Sớm.
CQĐT kết luận Sớm khai góp vốn, đầu tư trang trại heo với nguyên đơn là không có căn cứ. Thực tế là, quá trình giải quyết vụ án, Sớm đã có hành vi đòi nguyên đơn đưa 1,5 tỷ đồng và ngày 4/8/2023 đã nhận trước 500 triệu đồng.
Gần 3 tháng sau khi Sớm bị bắt, TAND tỉnh Gia Lai mở phiên xử vụ án tranh chấp QSDĐ nêu trên. Nguyên đơn cho biết, năm 1990 đã có đơn xin cấp 1.000m2 đất để làm nhà, sản xuất nông nghiệp và được Tập đoàn sản xuất số 6, thuộc thôn 6, xã Biển Hồ xác nhận. Đến năm 1995, vợ chồng ông nhận chuyển nhượng 14.000m2 đất liền kề của người khác. Việc chuyển nhượng này có “giấy sang nhượng đất” được UBND xã Biển Hồ xác nhận. Sau đó vợ chồng ông đi làm ăn xa, khi trở về thấy diện tích đất trên được BQL trồng thông.
HĐXX nhận định không có căn cứ thể hiện vợ chồng nguyên đơn được cấp đất và nhận chuyển nhượng 15.000 m2 đất. Từ khi xảy ra tranh chấp, nguyên đơn không quản lý sử dụng với diện tích đất trên. Do đó, tòa không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.