Cụ thể, theo chương trình, buổi sáng Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về Báo cáo của Chính phủ về tài chính nhà nước năm 2023; quyết toán ngân sách nhà nước năm 2023.
Đồng thời, cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật: Luật Đấu thầu; Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư; Luật Hải quan; Luật Thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu; Luật Đầu tư; Luật Đầu tư công; Luật Quản lý, sử dụng tài sản công.

Toàn cảnh phiên họp.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội sẽ cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân; dự án Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân.
Buổi chiều, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về miễn học phí cho học sinh mầm non, phổ thông công lập từ năm học 2025-2026.
Ngoài ra, tại phiên họp Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về đào tạo các ngành, nghề chuyên môn đặc thù trong lĩnh vực nghệ thuật; cho ý kiến về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Tố tụng dân sự, Luật Tố tụng hành chính, Luật Hòa giải, đối thoại tại Tòa án, Luật Tư pháp người chưa thành niên và Luật Phá sản; cho ý kiến về dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển nhà ở xã hội.
Dự kiến mô hình tổ chức hệ thống Tòa án sau sắp xếp, tinh gọn bộ máy
Dự thảo Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Tòa án nhân dân quy định mô hình tổ chức hệ thống Tòa án theo hướng bỏ Tòa án nhân dân Cấp cao, Tòa án nhân dân cấp huyện, Tòa án nhân dân sơ thẩm chuyên biệt. Theo đó, mô hình tổ chức hệ thống Tòa án gồm:
- Tòa án nhân dân Tối cao;
- Tòa án nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương;
- Tòa án nhân dân khu vực;
- Tòa án quân sự trung ương, Tòa án quân sự quân khu và tương đương, Tòa án quân sự khu vực.
Trên cơ sở mô hình tổ chức hệ thống Tòa án 03 cấp, dự thảo Luật cũng sửa đổi, bổ sung các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức của các Tòa án.
Đề xuất bỏ Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao
Tại dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân năm 2014, Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao cũng đề xuất bỏ Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao.
Theo đó, dự thảo Luật sửa đổi đã đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 40 Luật Tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân 2014 về hệ thống Viện Kiểm sát nhân dân theo Kết luận của Bộ Chính trị về việc không tổ chức Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao, Viện Kiểm sát nhân dân cấp huyện như sau:
- Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao.
- Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi là Viện Kiểm sát nhân dân cấp tỉnh).
- Viện Kiểm sát nhân dân khu vực.
- Viện Kiểm sát quân sự các cấp.
Như vậy, tại dự thảo Luật sửa đổi đã đề xuất bãi bỏ cơ quan Viện Kiểm sát nhân dân Cấp cao và các quy định về quyền hạn, nhiệm vụ của các cơ quan và chức vụ liên quan.