Ủy ban Hòa bình Việt Nam – 71 năm một chặng đường

Cập nhật: 19/11/2021 09:10

Năm 1950, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp của nhân dân ta đang trên đà thắng lợi, phong trào hòa bình thế giới phát triển mạnh, Hội đồng Hòa bình thế giới được thành lập. Trong bối cảnh đó, Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã chủ trương thành lập Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ 2020 – 2025 Ủy ban Hòa bình Việt Nam (Ảnh minh họa: VUFO)

Ngày 26/6/1950, Chủ tịch Tôn Đức Thắng – Chủ tịch Liên Việt lúc đó được chỉ định làm Trưởng ban vận động thành lập Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam (Ủy ban).

Ngày 19/11/1950, tại chiến khu Việt Bắc, Đại hội thành lập Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam đã được tiến hành. Đại hội đã suy tôn Chủ tịch Hồ Chí Minh làm Chiến sĩ hòa bình số một, và cũng suy tôn Người làm Chủ tịch danh dự của Ủy ban. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các nhân sĩ nổi tiếng đã tham gia Đoàn Chủ tịch như: Tôn Đức Thắng, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh…

Cùng với đại biểu Việt Nam, đại biểu kháng chiến Lào là Hoàng thân Souphanouvong và đại biểu kháng chiến Campuchia là ông Sơn Ngọc Minh (sau này là Chủ tịch Mặt trận Isarak Campuchia) đã tham dự Đại hội. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gửi thư chúc mừng. Hội đồng Hòa bình thế giới cũng gửi điện mừng. Bác sĩ Lê Đình Thám được bầu làm Chủ tịch Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam. Nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước như luật sư Nguyễn Hữu Thọ, đồng chí Xuân Thủy, luật sư Phan Anh, luật sư Phan Hiền, GS, TS Vũ Đình Cự và hiện nay là TS Uông Chu Lưu, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được bầu làm Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam qua các thời kỳ. Tham gia Ủy ban Hòa bình có đại diện nhiều tổ chức quần chúng, chính trị-xã hội, một số nhân sĩ, trí thức, tôn giáo và đại diện các tầng lớp nhân dân Việt Nam.

Sự ra đời của Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam là một sự kiện quan trọng của phong trào hòa bình ở Việt Nam (tháng 5/1988 đổi tên thành Ủy ban Hòa bình Việt Nam). Đó là một trong những tổ chức chính trị-xã hội lớn đầu tiên được Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chủ trương thành lập để hoạt động trong lĩnh vực đối ngoại nhân dân, gắn liền với sự nghiệp bảo vệ hòa bình, độc lập và tự do ở Việt Nam với phong trào bảo vệ hòa bình thế giới.

Trong 71 năm hoạt động và trưởng thành, Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã thấm nhuần sâu sắc tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh về hòa bình, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp cách mạng vẻ vang của dân tộc và sự phát triển của phong trào hòa bình thế giới.

Ủy ban đã góp phần động viên nhân dân ta ở trong nước và kiều bào ta ở nước ngoài, đặc biệt là ở Pháp, góp công sức đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đến thắng lợi và bảo vệ hòa bình thế giới. Các hoạt động đấu tranh vì hòa bình không chỉ diễn ra tại chiến khu cách mạng mà còn ở các vùng bị tạm chiếm. Các Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của các thành phố Hải Phòng, Nam Định… và phong trào hòa bình Sài Gòn – Chợ Lớn đã có nhiều hoạt động vì hòa bình. Các cuộc biểu tình chống can thiệp Mỹ của thanh niên, sinh viên Sài Gòn đã diễn ra, do Phong trào hòa bình lãnh đạo. Năm 1951, hưởng ứng lời kêu gọi Xtốckhôm đòi chấm dứt chạy đua vũ trang, hủy bỏ vũ khí hạt nhân, Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam đã phát động và lấy được 5 triệu chữ ký.

Cũng năm đó, Ủy ban đã cử đoàn đại biểu các tầng lớp nhân dân tham gia Hội nghị hòa bình châu Á đầu tiên ở Bắc Kinh, góp phần làm cho bạn bè hiểu rõ tính chính nghĩa của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và ủng hộ nhân dân ta. Năm 1953, Đại hội hòa bình Việt Nam lần thứ hai đã họp tại Việt Bắc, đề ra kế hoạch hoạt động vì hòa bình ở nước ngoài và trong nước phục vụ cho giai đoạn cuối của cuộc kháng chiến chống Pháp.

Ngay sau khi miền bắc được giải phóng (năm 1954), Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam đã đề ra nhiệm vụ góp phần xây dựng miền bắc xã hội chủ nghĩa và đấu tranh bảo vệ hòa bình, thống nhất đất nước. Các hoạt động đấu tranh hòa bình hợp pháp trong các đô thị miền nam đã phát triển mạnh mẽ, mặc dù bị Mỹ-Diệm đàn áp dã man, nhất là phong trào hòa bình ở Sài Gòn-Chợ Lớn, với sự tham gia của nhiều nhân sĩ, trí thức nổi tiếng như luật sư Nguyễn Hữu Thọ, các giáo sư Bửu Dưỡng, Phạm Huy Thông… Ủy ban đã phát động và thu được 5 triệu chữ ký hưởng ứng Tuyên bố Berlin đòi năm nước lớn ký Công ước hòa bình (năm 1955), tham gia Hội nghị thế giới chống bom A-H đầu tiên ở Nhật Bản (tháng 8/1955), ủng hộ Năm nguyên tắc cùng tồn tại hòa bình của Liên hợp quốc. Trong khi Mỹ và chính quyền Ngô Đình Diệm ra sức phá hoại Hiệp định Giơ-ne-vơ, Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam đã tổ chức Đại hội nhân dân Việt Nam bảo vệ hòa bình lần thứ III (năm 1958), với gần một nghìn đại biểu tham dự, nhằm quán triệt tình hình nhiệm vụ mới, góp phần đẩy mạnh cuộc đấu tranh hòa bình thống nhất đất nước, xây dựng miền bắc, bảo vệ hòa bình thế giới.

Khi Mỹ đẩy mạnh chiến tranh xâm lược ở miền nam, Ủy ban đã tổ chức Đại hội hòa bình lần thứ IV, quán triệt nhiệm vụ đẩy mạnh phong trào hòa bình, đánh thắng chiến lược “chiến tranh đặc biệt” của Mỹ ở miền nam. Ủy ban đã phối hợp các đoàn thể quần chúng vận động quốc tế, đã cử đại biểu tiếp xúc với đại diện phong trào hòa bình Mỹ, từng bước góp phần vận động hình thành trên thực tế mặt trận nhân dân yêu chuộng hòa bình thế giới và nhân dân tiến bộ Mỹ ủng hộ nhân dân Việt Nam và hình thành phong trào phản chiến đòi chính phủ Mỹ chấm dứt cuộc chiến tranh xâm lược và tội ác ở Việt Nam.

Trong giai đoạn này, với sự vận động của Ủy ban bảo vệ hòa bình thế giới của Việt Nam, Hội đồng Hòa bình thế giới đã tổ chức nhiều hoạt động đoàn kết với Việt Nam, coi đoàn kết với Việt Nam là nhiệm vụ hàng đầu của phong trào hòa bình thế giới. Là thành viên sáng lập của Hội đồng Hòa bình thế giới, Ủy ban Hòa bình Việt Nam tham gia tích cực vào tổ chức các hoạt động của Hội đồng; đã hai lần tổ chức thành công Hội nghị Ban Chấp hành của Hội đồng vào năm 2007 và 2017. Vào năm 2022, Ủy ban Hòa bình Việt Nam vinh dự được Hội đồng tín nhiệm giao nhiệm vụ đăng cai tổ chức Đại hội lần thứ 22 của Hội đồng tại Việt Nam.

Trong thời kỳ xây dựng chủ nghĩa xã hội trong cả nước và bảo vệ Tổ quốc, Ủy ban Hòa bình Việt Nam tham gia tích cực công cuộc xây dựng và bảo vệ đất nước cũng như phong trào hòa bình thế giới, góp phần nêu cao chính sách đối ngoại độc lập, tự chủ, hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển của Việt Nam. Ủy ban đã tranh thủ được nhiều dự án viện trợ nhân đạo khắc phục hậu quả chiến tranh và khôi phục kinh tế của các tổ chức hòa bình và tổ chức phi chính phủ nước ngoài (từ năm 1972 đến 1978 đã vận động được khoảng 30 triệu USD), kịp thời vận động phong trào hòa bình thế giới và một số nước lên tiếng ủng hộ nhân dân Việt Nam trong cuộc chiến tranh biên giới phía Tây Nam và biên giới phía Bắc.

Trong những năm gần đây, Ủy ban đã mở rộng từng bước nội dung, phương hướng hoạt động và tổ chức: kết hợp hoạt động hòa bình với hoạt động hữu nghị, đoàn kết và vận động viện trợ nhân dân; huy động sự tham gia rộng rãi của quần chúng trong các hoạt động hòa bình. Cùng với việc giữ vững quan hệ với Hội đồng Hòa bình thế giới và các ủy ban hòa bình quốc gia thuộc Hội đồng, Ủy ban đã mở rộng quan hệ phối hợp hoạt động với các tổ chức hòa bình không là thành viên Hội đồng Hòa bình thế giới, hưởng ứng tích cực các tuyên bố liên quan đến hòa bình của Liên hợp quốc như: Tuyên bố năm 1986-Năm quốc tế hòa bình, Thập kỷ hòa bình 1986-1996, năm 2000-Năm văn hóa hòa bình.

Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã góp phần củng cố các ủy ban hòa bình ở địa phương (Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh), phối hợp đưa các hoạt động hòa bình xuống cơ sở, tổ chức nhiều hoạt động quần chúng vì hòa bình: lấy chữ ký, chạy phong trào vì hòa bình, đua xe đạp vì hòa bình, giao lưu tiếng hát hòa bình, môi trường vì hòa bình, giáo dục văn hóa hòa bình, thành lập các Câu lạc bộ Hòa bình, tổ chức nhiều hội nghị, hội thảo, nghiên cứu, xuất bản nhiều cuốn sách về hòa bình, trong đó có cuốn “Việt Nam khát vọng hòa bình”, “Tiếng hát hòa bình” và “65 năm Ủy ban Hòa bình Việt Nam”.

Trong những năm qua, Ủy ban cũng đã tích cực tham gia các diễn đàn, cơ chế hợp tác nhân dân đa phương như: Diễn đàn nhân dân ASEAN, Diễn đàn nhân dân Á-Âu, Diễn đàn xã hội thế giới, Hội nghị chống bom nguyên tử và khinh khí… với vai trò đồng chủ trì một số hội thảo về hòa bình – an ninh, giới thiệu về Việt Nam, đồng thời thúc đẩy các vấn đề phù hợp lợi ích của Việt Nam (như vấn đề Biển Đông, chất độc da cam, sử dụng tài nguyên sông Mê Công…), và đấu tranh với các lực lượng chống phá Việt Nam trên các lĩnh vực dân chủ, nhân quyền. Ủy ban đã gửi báo cáo và vận động một số tổ chức bạn bè quốc tế gửi báo cáo về tình hình nhân quyền tại Việt Nam cho Cao ủy Liên hợp quốc về Nhân quyền nhân dịp Việt Nam báo cáo kiểm điểm định kỳ trong cả ba chu kỳ I, II và III.

Trải qua 71 năm hoạt động liên tục, Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị của mình góp phần vào việc vận động nhân dân ta giữ gìn hòa bình của đất nước và làm cho nhân dân thế giới hiểu biết thêm về truyền thống yêu chuộng hòa bình, hòa hiếu và nhân văn của nhân dân Việt Nam, để yêu mến, ủng hộ và giúp đỡ Việt Nam trong sự nghiệp đấu tranh vì độc lập, tự do của dân tộc, thống nhất đất nước cũng như trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; đồng thời góp phần tích cực vào phong trào đấu tranh của nhân dân thế giới vì hòa bình, công lý, chống chiến tranh xâm lược.

Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã được Đảng và Nhà nước ta trao tặng Huân chương Độc lập hạng nhất, đồng thời nhận được nhiều phần thưởng cao quý khác của bạn bè quốc tế như: Giải thưởng Hòa bình Lê-nin, Huy chương Giô-li-ô Quy-ri của Hội đồng Hòa bình thế giới, Huân chương Hữu nghị của nước Cộng hòa Dân chủ nhân dân Lào. Bạn bè quốc tế đánh giá cao vị trí và vai trò của Ủy ban Hòa bình Việt Nam trong phong trào hòa bình thế giới.

Trong những năm Hội đồng Hòa bình thế giới gặp khó khăn về đường lối, tổ chức và tài chính do tác động của khủng hoảng và sự tan rã của Liên Xô, sự sụp đổ của chế độ xã hội chủ nghĩa ở các nước Đông Âu, Ủy ban Hòa bình Việt Nam đã cùng phong trào hòa bình ở nhiều nước tích cực duy trì và củng cố Hội đồng Hòa bình thế giới, giữ vững mục tiêu bảo vệ hòa bình, chống đế quốc, thực dân, bảo vệ những giá trị hòa bình chân chính.

Trong bối cảnh mới, tình hình quốc tế và khu vực sẽ tiếp tục có nhiều diễn biến mới phức tạp, tác động đa chiều đến môi trường hòa bình, an ninh của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Cạnh tranh nước lớn, chủ nghĩa dân túy, các vấn đề an ninh phi truyền thống, trong đó có đại dịch Covid-19 ngày càng nổi lên gay gắt. Ở trong nước, thành quả của hơn 35 năm tiến hành công cuộc đổi mới đã làm tăng cường vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế. Tuy nhiên, chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều thách thức về an ninh và phát triển do những khó khăn nội tại và tác động tiêu cực của tình hình thế giới và khu vực.

Trong bối cảnh đó, lần đầu tiên Đảng ta, trong Nghị quyết Đại hội XIII đã xác định vai trò của “trụ cột đối ngoại nhân dân” trong “xây dựng nền ngoại giao toàn diện, hiện đại”. Điều đó vừa là vinh dự, nhưng cũng vừa là trách nhiệm nặng nề của đối ngoại nhân dân nói chung, của hệ thống Liên hiệp Các tổ chức hữu nghị Việt Nam, trong đó có Ủy ban Hòa bình Việt Nam. Để tiếp nối truyền thống 71 năm, Ủy ban Hòa bình Việt Nam sẽ tiếp tục nỗ lực, phấn đấu hơn nữa, để cùng với các tổ chức thành viên khác trong hệ thống Liên hiệp Hữu nghị viết tiếp những trang sử mới hào hùng của đối ngoại nhân dân.

theo TS UÔNG CHU LƯU, nguyên Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, nguyên Phó Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Ủy ban Hòa bình Việt Nam

Tin liên quan

Tuần cuối Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khoá XV (ngày 25-30/11): Quốc hội xem xét công tác nhân sự, thông qua nhiều luật, nghị quyết quan trọng - Cập nhật: 25/11/2024 14:27
Bế mạc Phiên họp thứ 39 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội: Bảo đảm chất lượng cao nhất các nội dung trình Quốc hội - Cập nhật: 20/11/2024 08:57
Hoàn thiện pháp luật đáp ứng yêu cầu xây dựng Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam – Kỳ 4: Dấu ấn ngành Tư pháp - Cập nhật: 19/11/2024 08:47
Công tác đảng, công tác chính trị trong 80 năm xây dựng, chiến đấu, trưởng thành của Quân đội nhân dân Việt Nam - Cập nhật: 18/11/2024 08:41
Đột phá từ Trung ương - Cập nhật: 15/11/2024 09:58
Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Hoàn thành toàn bộ chương trình phiên chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 13/11/2024 10:16
Đổi mới mạnh mẽ việc ban hành, quán triệt, thực hiện Nghị quyết của Đảng - Cập nhật: 12/11/2024 12:51
Lắng nghe, thấu hiểu và quyết liệt tháo gỡ - Cập nhật: 11/11/2024 10:08
Tuần làm việc thứ 4, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV: Trọng tâm là hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn - Cập nhật: 11/11/2024 09:04
90 tác phẩm được trao Giải báo chí “Vì sự nghiệp Đại đoàn kết toàn dân tộc” - Cập nhật: 10/11/2024 11:24